xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐH HOA SEN: Chao đảo lợi nhuận và phi lợi nhuận

GIA THÙY - ĐĂNG TÂM

Có thể nói Trường ĐH Hoa Sen là trường ĐH phát triển theo mô hình phi lợi nhuận tiêu biểu và đạt được không ít thành công. Song, mô hình ấy đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ trước vòng xoáy của tham vọng vì lợi nhuận

Ngày 2-8, đại hội cổ đông bất thường do những cổ đông nhận là nắm giữ hơn 30% cổ phần của Trường ĐH Hoa Sen triệu tập đã được tổ chức. Qua biểu quyết và nhận được đa số đồng ý của các cổ đông (được cho là đại diện của hơn 70% số cổ phần), đại hội đã tiến hành báo cáo sai phạm của hiệu trưởng; sự thiếu trách nhiệm của HĐQT trong công tác giám sát, quản lý, điều hành ban giám hiệu.

Tố cáo nhiều sai phạm

Nhóm cổ đông 30% cáo buộc 10 sai phạm đối với hiệu trưởng nhà trường là TS Bùi Trân Phượng. Trong đó, 6 cáo buộc liên quan đến Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An, đơn vị thực hiện chương trình đào tạo cử nhân quản lý khách sạn - nhà hàng quốc tế của Trường ĐH Hoa Sen liên kết với chương trình Kinh doanh quốc tế quản lý du lịch và khách sạn thuộc Vatel Development (chương trình Vatel).

Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học Ảnh: GIA THÙY
Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học Ảnh: GIA THÙY

Các cổ đông nêu trên cáo buộc Công ty Vĩnh An thu học phí vượt quy định (thu 78 triệu đồng/năm, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 68 triệu đồng. Liên quan đến việc thu vượt học phí, vào ngày 24-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Trường ĐH Hoa Sen 15 triệu đồng - PV), sai phạm về kế toán tài chính, sai phạm quy định về đội ngũ giảng viên...

Ngoài ra, nhóm này cáo buộc bà Phượng giấu doanh thu số tiền 119 tỉ đồng học phí từ năm 2010 cho đến 2013; dự án xây dựng cơ sở Nguyễn Văn Tráng không quản lý tốt để phát sinh hơn 22,9 tỉ đồng mà không tuân thủ quy chế mua sắm, đấu thầu…; bất ổn về quản lý nhân sự khi từ năm 2009 đến hết tháng 5-2014 có hơn 400 nhân viên, giảng viên nghỉ việc...

Đại hội đồng cổ đông đã bỏ phiếu kín bãi nhiệm HĐQT và ban kiểm soát, chức vụ hiệu trưởng. Sau đó, đại hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát mới. Cuối cùng, HĐQT cũng đã bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là PGS-TS Lưu Tiến Hiệp.

Bị thao túng, chiếm đoạt?

TS Bùi Trân Phượng và ông Trần Văn Tạo, chủ tịch HĐQT của trường, không có mặt nhưng có thư ngỏ gửi đến đại hội cổ đông. Cả 2 đều cho rằng những cáo buộc sai phạm có những điểm không chính xác, không thể dùng làm lý do để triệu tập đại hội. Do đó, cả 2 tuyên bố đại hội là bất hợp pháp, được tổ chức với mục tiêu chính là vu cáo và bôi nhọ HĐQT, chiếm đoạt trường.

Trong thư ngỏ, bà Phượng cho biết đối với kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu vượt học phí chương trình Vatel, Công ty Vĩnh An đã tiến hành nộp phạt hành chính, hoàn trả học phí thu vượt cho sinh viên. Bà Phượng thừa nhận mô hình mới nên chương trình Vatel không thể nào tránh khỏi những độ vênh nhất định so với quy định. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà bác bỏ tất cả công sức của những người đã đứng ra tạo lập mô hình. Dù mới mở 2 năm nhưng chương trình này đã có gần 200 sinh viên theo học.

Đối với cáo buộc giấu doanh thu 119 tỉ đồng, bà Phượng khẳng định đây không phải trường hợp “giấu doanh thu” mà là ghi hạch toán sai chỗ trong báo cáo tài chính hằng năm của Trường ĐH Hoa Sen. Khi xem xét vấn đề, ban kiểm soát của trường kết luận đây là trường hợp “bộ phận kế toán ghi sổ doanh thu hạch toán không đúng trong báo cáo tài chính”.

“Khi kế toán trưởng báo động về sự việc, tôi đã nhanh chóng báo cáo HĐQT và sau đó đã tiến hành khắc phục hậu quả theo pháp luật với cơ quan quản lý về thuế, nộp lãi chậm thuế trên 15 tỉ đồng” - bà Phượng nêu. Đối với sai phạm này, ban kiểm soát nhà trường đã chính thức kết luận bà Phạm Thị Thủy - phó hiệu trưởng, phụ trách tài chính đã để cho tình trạng xảy ra…

Đối với cáo buộc về công trình Nguyễn Văn Tráng, bà Phượng cho rằng báo cáo tài chính cuối cùng cho thấy tổng chi phí xây lắp và thiết bị thực cho công trình là thấp hơn ngân sách được duyệt. “Lời cáo buộc của nhóm cổ đông 30% là một sự xuyên tạc trắng trợn” - bà Phượng nhận định. Đối với vấn đề giảng viên, bà Phượng cho rằng việc tuyển chọn người mới và thay đổi những người không đạt yêu cầu là lẽ thường tình trong chiến lược đa dạng hóa nguồn nhân lực cho Trường ĐH Hoa Sen.

Trong thư ngỏ, bà Phượng kỳ vọng: “Tôi tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của sự thật và vào sự công minh của đa số cổ đông trước nguy cơ thao túng của một nhóm cổ đông”.

Doanh thu lớn, mâu thuẫn nhiều

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, TS Bùi Trân Phượng cho rằng điểm mấu chốt nhất giúp trường có thể phát triển là xác định con đường hoạt động không vì lợi nhuận. Ngay từ nhiệm kỳ 1 của HĐQT (tháng 2-2007), dù có tranh cãi, tuyệt đại đa số đã biểu quyết: Trường ĐH Hoa Sen là trường tư thục hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP.

Ngay từ lúc đó, trường đã có quy định cổ tức cho cổ đông chỉ trên dưới lãi suất tiết kiệm, có năm cao nhất bằng 1,5 lãi suất tiết kiệm, có năm thấp hơn. Nhưng cổ đông yên tâm vì trường phát triển tốt nên chênh lệch thu chi của trường hằng năm khá lớn. Chênh lệch thu chi gồm quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ dự phòng, cổ tức, còn lại bao nhiêu đều chuyển thành cổ phiếu thưởng. Vì vậy, những người bỏ vốn vào, hằng năm, cổ phiếu thưởng tăng lên chóng mặt. Dù cổ tức trả thấp nhưng vốn của các cổ đông tăng gấp đôi, có năm tăng gấp rưỡi.

Đến khi Luật Giáo dục ĐH 2013 ra đời, sóng gió trong trường bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, Nghị định 141 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục ĐH nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức hoặc nhận lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định trong từng thời kỳ”.

Chưa kể, theo TS Bùi Trân Phượng, Nghị định 141 hướng dẫn “giá trị tài sản hình thành từ lợi nhuận tích lũy trong quá trình hoạt động là tài sản chung không chia”.  Điểm này TS Phượng hoàn toàn đồng ý nhưng cổ đông lớn không thích vì quyền lợi về cổ phiếu thưởng của cổ đông bị đe dọa nghiêm trọng.

“Đến nhiệm kỳ 2 của HĐQT, cổ phần đã được mua bán và người ngoài mua cổ phần rất nhiều. Người trong trường cũng chuyển nhượng cho người khác. Hiện một số lãnh đạo và một số CBCNV chỉ là người đứng tên cổ phần giúp. Trong 5 công ty góp vốn ban đầu, có công ty thoái vốn, bán lệch cho cá nhân. Điều đó khiến cho cơ cấu cổ đông thay đổi. Có cổ đông trở thành người nắm cổ phần lớn”  - TS Phượng chua xót.

Chính vì bị đe dọa quyền lợi, cổ đông nhà trường mới phản ứng, dùng chương trình Vatel, nghi ngờ tài chính… để tố cáo với mục đích có thể thay đổi HĐQT, sau đó xóa bỏ mô hình phi lợi nhuận. “Tôi không bao giờ đi ngược lại lợi ích của nhà đầu tư nhưng lợi ích đó phải lâu dài, bền vững của một người đầu tư vào giáo dục. Thực tế là nhiều trường đã phá sản, mất vốn vì đi theo lợi nhuận” - bà Phượng lo ngại. 

“Sóng gió dữ dội”

Là một diễn giả của Đối thoại giáo dục do GS Ngô Bảo Châu chủ trì được tổ chức ngày 31-7 và 1-8, TS Bùi Trân Phượng đã có bài phát biểu và cho biết: “Con tàu mà tôi là thuyền trưởng đang tròng trành trong sóng gió dữ dội”.

Bà Phượng đã nêu sự bất cập trong cơ chế pháp lý của trường tư thục và cho rằng dù đã có thay đổi tích cực hơn nhưng chỗ đứng của phi lợi nhuận vẫn còn khiêm tốn, chông chênh so với quyền lực bất khả xâm phạm của nhà đầu tư, cổ đông. Theo TS Phượng, giáo dục ĐH tử tế, có chất lượng chỉ có phi lợi nhuận. Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay thì giá trị nhân bản của phi lợi nhuận đang chao đảo.

Ngày 30-7, tại cuộc gặp gỡ với CBCNV của trường, TS Phượng nhận định: “Nhà trường đang đứng trước tình hình rất nghiêm trọng, cần phải giải quyết”. Tại cuộc gặp này, nhiều giảng viên cho rằng trường đang có thành quả, sinh viên ghi danh ngày càng đông, do đó cần phải suy nghĩ quyền lợi chung để tìm giải pháp xây dựng ngôi trường đàng hoàng, có chất lượng.

 

Năm 1991, Trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen được thành lập theo quyết định của UBND TP HCM. Dưới sự bảo trợ mạnh mẽ từ UBND TP, trường được phép thí điểm đào tạo mô hình kỹ thuật viên và kỹ thuật viên cao cấp với thời gian 2 năm (sau khi tốt nghiệp THPT). Chủ đầu tư, cũng là người sáng lập trường - TS Trần Hà Nam, Giám đốc Công ty Scitec - tự nguyện bỏ vốn thành lập trường với mong muốn phi lợi nhuận, phục vụ lợi ích công.

Năm 1994, UBND TP HCM quyết định chuyển trường này thành trường bán công. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ công nhận trường là CĐ bán công. Năm 2006, Hoa Sen được công nhận là trường ĐH tư thục.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo