Chị Hoàng Lan, có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3, TP HCM), cho biết ngoài thời gian học tiếng Anh tăng cường tại trường, chị còn cho con đến trung tâm ngoại ngữ để luyện thi các chứng chỉ theo hệ thống khảo thí Cambridge. Ngoài tiếng Anh thiếu nhi với các cấp độ Starters, Movers, Flyers, chị Lan còn cho con luyện thi chứng chỉ KET (trình độ A2) và PET (trình độ B1) dành cho học sinh THCS theo khung tham chiếu chung châu Âu.
Học cho yên tâm!
Các chuyên gia cho biết ở bậc tiểu học chỉ nên cho trẻ tập làm quen với tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện nay, hai chứng chỉ phổ biến cần và đủ để du học hoặc làm việc tại các nước nói tiếng Anh ngoài TOEFL và IELTS thì tùy từng ngành học, bậc học, các trường ĐH ở một số nước phương Tây và Mỹ còn yêu cầu sinh viên quốc tế có thêm các chứng chỉ như SAT I (Scholastic Assessment Test - Reasoning Test), SAT II (Scholastic Assessment Test - Subject Test).
Theo một chuyên viên tư vấn du học, xu hướng du học từ bậc phổ thông cũng sản sinh nhiều chứng chỉ tiếng Anh từ bậc THCS đến THPT. Cụ thể, ở bậc sơ cấp có Key English Test (KET), cao hơn là trình độ tiếng Anh trung cấp Preliminary English Test (PET) dành cho HS THCS. Theo cấp độ tăng dần có chuẩn tiếng Anh trung cao (First Certificate of English - FCE) dành cho HS THPT. Chính điều này khiến nhiều phụ huynh đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ săn chứng chỉ nhưng mục tiêu lấy chứng chỉ để làm gì thì nhiều gia đình không xác định được rõ ràng.
Quy trình ngược
Ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, cho biết thực trạng học tiếng Anh của HS hiện nay đang diễn ra theo quy trình ngược, tức là phụ huynh cứ cho con học “đại trà”. Các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học quảng cáo cần chứng chỉ gì thì săn cho bằng được mà không có mục đích rõ ràng. “Học ngoại ngữ yêu cầu sự tích lũy lâu dài và cần những sự chuẩn bị. Phụ huynh phải xem mục tiêu trong tương lai của con mình thế nào, có say mê tiếng Anh không, có quá tải với con không. Trường mà phụ huynh dự kiến cho con du học yêu cầu những gì… Ở bậc tiểu học chỉ nên tạo thói quen để các em làm quen với tiếng Anh, đừng đòi hỏi quá nhiều ở trẻ. Lên lớp 6 hãy có định hướng nghiêm túc. Nếu là mục đích du học thì cần nhiều yếu tố khác, ngoại ngữ chỉ là một phần” - ông Thảo nói.
Hiện nay, nhiều trung tâm ngoại ngữ ở TP HCM tổ chức các lớp luyện thi và kỳ thi chứng chỉ Cambridge. Theo lý giải của các trung tâm, đây là kỳ thi bắt buộc để đánh giá HS có khả năng tiếp tục theo học những lớp tiếng Anh tăng cường theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TP HCM hay không.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết trước đây, chương trình tiếng Anh tăng cường 1 tuần/8 tiết ban đầu lấy chuẩn A, B, C để đánh giá nhưng sau đó không còn phù hợp, do đó để Hội đồng Khảo thí Cambridge đánh giá thông qua một kỳ thi với các cấp độ Starters, Movers, Flyers. Sự kiểm tra này cũng chỉ nhằm đánh giá trẻ đã đạt hay chưa đạt theo một chuẩn quốc tế. Việc đánh giá là khách quan vì trước đó năm nào trẻ cũng lên lớp đều đều nhưng thực chất trình độ không tương xứng do nguyên nhân giáo viên tự đánh giá HS mình dạy.
Học trong chương trình là đủ Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh cho biết hiện nay, trẻ chỉ cần học tiếng Anh theo phân phối chương trình của Sở GD-ĐT TP HCM là đủ. Thực tế, rất nhiều trường tiểu học tại TP HCM thuộc địa bàn dân cư khó khăn vẫn đạt kết quả cao trong kỳ thi. Bà Huỳnh Lê Anh Thy - tổ trưởng tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8), một trong những trường thuộc địa bàn khó khăn - cho biết không hề có giáo viên dạy thêm hay học sinh đi học ở các trung tâm nhưng trong 107 em vừa thi thì chỉ có khoảng 20 em chưa đủ chuẩn 10 shield. “Trong quá trình dạy, chúng tôi chỉ dùng 2 bộ giáo trình do sở cung cấp” - bà Thy cho biết. |
Bình luận (0)