Đề thi dành cho học sinh không chuyên vào lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM) ngày 31-5 vừa qua được xem là một trong những đề ra theo hướng đổi mới như Sở Giáo dục và Đạo tạo TP HCM đã công bố. Cho nên, rất nhiều giáo viên, học sinh quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, đề thi này theo chúng tôi là vẫn chưa phù hợp.
Vẫn biết rằng đề thi cho học sinh năng khiếu có thể theo cách phóng khoáng song đề thi vừa qua không chỉ quá sức mà còn “quá khủng” đối với học sinh và cũng chưa thể hiện được tính đổi mới.
Độ hay và sự sáng tạo ở câu 1 của đề thi năm nay không bằng đề thi của năm 2013 và 2014. Hơn nữa, văn bản được chọn là văn bản đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào đề mẫu cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Vấn đề đặt ra ở câu 2 có vẻ hơi đao to búa lớn so với trình độ của học sinh khi yêu cầu học sinh viết suy nghĩ của mình về ý kiến: “Táo bạo và trí thức là hai chiếc bánh xe của thành công. Hai chiếc bánh cân bằng thì xe mới đi nhanh hơn xa hơn”. Với học sinh lớp 9 nên ra những vấn đề thiết thực gần gũi để các em nêu ý kiến của mình một cách chân thực hơn là trình bày sự hiểu biết về một vấn đề lớn hay trình bày một quan điểm sống, triết lý sống. Câu này dành cho trình độ học sinh lớp 12 thì vừa sức.
Câu 3 cảm nhận về hai đoạn thơ, một đoạn các em đã được học trong chương trình lớp 9 và một đoạn trong chương trình lớp 12: Đất nước bốn nghìn năm/ Vất vả và gian lao/Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước (Trích “Mùa xuân nho nhỏ” - Thanh Hải). Nước chúng ta/ Nước của những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về (Trích “Đất nước” - Nguyễn Đình Thi).
Cái khó thứ nhất là đây không phải hai đoạn thơ hay của hai bài thơ. Tìm ra ý để phân tích đối với các em lớp 9 là điều rất khó và đề này dễ rơi vào tình trạng “chẻ sợi tóc làm tư”. Cái khó thứ hai là đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi thuộc chương trình lớp 12 - các em chưa được học mà đối với học sinh lớp 9 phân tích một đoạn thơ hoàn toàn mới là điều không dễ.
Phân tích một đoạn trích của một tác phẩm trong chương trình và một đoạn trích của một tác phẩm ngoài chương trình có cùng một đề tài dường như là một trào lưu đang diễn ra tại các trường THCS hiện nay ở TP HCM. Rất nhiều trường đang luyện cho học sinh dạng đề này. Học sinh và thầy cô vừa phải lo những bài trong chương trình vừa đi tìm những bài ngoài chương trình có chủ đề tương đồng.
Như vậy, cùng một lúc học sinh phải gánh hai gánh nặng. Đổi mới như vậy là đổi mới hay “đổ đầu”? Nếu đã xác định văn bản ngoài sách giáo khoa thì phải lấy một văn bản hoàn toàn mới để rèn luyện kỹ năng cho học sinh; còn đã lấy văn bản trong sách giáo khoa thì phải thống nhất để học sinh không phải đoán già, đoán non.
Đừng để áp lực thi cử đè nặng lên học sinh qua mỗi lần đổi mới.
Bình luận (0)