Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận ngày 5-7 đã ký công văn khẩn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP dừng ngay việc triển khai thực hiện đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam” (còn gọi là chương trình tiếng Anh tích hợp - PV).
Ngưng là phải!
Ngay khi UBND TP có quyết định này, các chuyên gia giáo dục đánh giá đây là một quyết định phù hợp. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nói: “Chúng tôi không ngạc nhiên với chỉ đạo của UBND TP vì đây là việc phải làm trước áp lực của dư luận xã hội và trên hết là vấn đề về quy trình pháp lý của một chương trình - chưa đầy đủ thủ tục mà đã triển khai”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng công văn của UBND TP không hề nói gì đến EMG (đối tác của Sở GD-ĐT) tức là đặt sở trở lại đúng chức năng quản lý nhà nước, đó là phải giải quyết vấn đề này chứ không phải đẩy cho EMG và càng không thể là CIE (Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge). “Chưa nói đến những hậu quả mà phụ huynh và học sinh còn phải tiếp tục chờ đợi hướng giải quyết như thế nào, chỉ tiếc là cách xử lý của Sở GD-ĐT đã ít nhiều tổn thương đến sự ủng hộ lâu nay của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP HCM cho các hoạt động giáo dục khi họ phải dùng thông cáo báo chí rồi đến công hàm để bày tỏ ý kiến. Đây cũng là kinh nghiệm trong việc xã hội hóa giáo dục sao cho các cơ quan nhà nước phải thể hiện năng lực tổ chức, quản lý và tự giám sát khi thực hiện nhiệm vụ của chính mình chứ không được giao khoán cho các đối tác” - TS Nghĩa nêu.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhìn nhận: “Sở GD-ĐT đã triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp khi chưa được UBND TP thông qua và chương trình này giao cho một công ty tư nhân thực hiện nên ngưng chương trình này phải rồi”. Theo PGS-TS Tống, cách tổ chức một chương trình kiểu như chương trình Cambridge hay chương trình tiếng Anh tích hợp trong trường công với mức thu học phí phân biệt giàu nghèo là không được vì học sinh ở lứa tuổi nhỏ có tâm lý hơn thua, sẽ rất nguy hiểm khi giáo dục lại khuyến khích hình thành tâm lý này sâu hơn. “Không thể mang tính chất độc quyền quốc tế đắt tiền vào chương trình giáo dục Việt Nam và phục vụ cho một số lượng rất ít học sinh có khả năng tài chính. Nâng cao năng lực tiếng Anh là việc phải làm cho đa số học sinh, làm vậy mới đúng”.
PGS-TS Tống cũng cho rằng nên tăng cường tiếng Anh theo cách trong chương trình giảng dạy của Bộ GD-ĐT có thêm một số giờ dạy một số môn bằng tiếng Anh như toán, lý…, mời các giảng viên nước ngoài giảng dạy vài giờ nghe, nói để nâng cao tiếng Anh cho tất cả học sinh và việc này nên để các trường tự chủ động làm. Sở chỉ nên khuyến khích tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực của học sinh để tạo sự cạnh tranh trong việc học tiếng Anh giữa các trường chứ không nên đứng ra thực hiện.
ThS Hồ Liên Biện, Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, cho biết điều cần thiết hiện nay là phải nâng cao trình độ giảng dạy của giáo viên người Việt. “Nhiều sinh viên tốt nghiệp tiếng Anh trường ĐH sư phạm ra không đi dạy mà đi làm cho công ty nước ngoài với mức lương cao gấp 5-10 lần lương giáo viên. Trong khi đó, lúc nào sở cũng kêu thiếu giáo viên tiếng Anh, phải tuyển nhiều đối tượng không từ trường sư phạm ra để dạy tiếng Anh. Cứ như vậy, giáo viên tiếng Anh không biết bao giờ mới đạt chuẩn!”.
Rút khỏi Cambridge thì học gì?
Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều phụ huynh đã không còn đủ kiên nhẫn cho con tiếp tục chương trình tiếng Anh Cambridge. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), cho biết đã có trường hợp phụ huynh rút con khỏi lớp Cambridge nhưng trong đó gồm cả nguyên nhân gặp khó khăn về tài chính hoặc trẻ không theo kịp chương trình. Một số phụ huynh tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cũng quyết định rút con khỏi lớp Cambridge và tình hình tương tự diễn ra tại Trường Tiểu học Hòa Bình. Theo chị Q., phụ huynh tại Trường Tiểu học Hòa Bình, đã có ít nhất hơn 20 phụ huynh trong lớp cùng ký tên rút con khỏi lớp Cambridge. “Chúng tôi đành chấp nhận mất tiền đầu tư vào tiếng Anh Cambridge suốt thời gian qua chứ không thể để con theo học trong trạng thái hoang mang, không còn tin tưởng” - chị Q. bày tỏ.
Theo bà Lê Thị Ngọc Điệp, nếu ngưng chương trình tiếng Anh tích hợp thì với những học sinh lớp 1 có thể theo học tiếng Anh tăng cường. Năm nay, trường tuyển sinh 6 lớp 1 và có thể đáp ứng hết nguyện vọng của phụ huynh nếu muốn cho con học tiếng Anh tăng cường. Thế nhưng, không phải trường nào cũng có điều kiện triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường bởi chương trình này cũng yêu cầu khắt khe về cơ sở vật chất và sĩ số. Vì thế, hàng loạt phụ huynh lại rơi vào tình trạng rút khỏi chương trình Cambridge thì không biết học gì.
Đơn cử như ở quận 5, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết hiện quận chỉ có 4 trường tiểu học và THCS thực hiện tiếng Anh tăng cường và không có trường nào thực hiện giảng dạy tiếng Anh theo đề án. Vì thế, nếu học sinh không chọn học tiếng Anh tự chọn (một chương trình bình dân, chỉ còn số ít trường ở vùng khó khăn thực hiện) thì không còn chương trình tiếng Anh nào để học sinh học cả.
Phải giải thích rõ lý do dừng chương trình Cambridge
Công văn của UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở GD-ĐT sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chương trình Cambridge triển khai trong các cơ sở giáo dục công lập tại TP trong thời gian qua. Báo cáo cần đánh giá kỹ kết quả từng mặt theo đề án thí điểm đã được phê duyệt. Báo cáo rõ vì sao ngừng triển khai chương trình này, ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của học sinh và phụ huynh. Thời gian báo cáo thực hiện trong tháng 7-2014. P.Anh
Mùi lợi nhuận
Chỉ đạo của UBND TP HCM yêu cầu dừng ngay việc triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp là quyết định hết sức đúng đắn cả về phương diện hành chính lẫn khoa học, được dư luận xã hội đồng tình.
Chưa có chương trình nào của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM bị tai tiếng như chương trình này. Một chương trình quan trọng như vậy mà trong khi UBND TP chưa phê duyệt thì sở và đối tác EMG lại sốt sắng triển khai rất nhanh. Cũng vì chương trình này mà lãnh đạo sở mất uy tín khi đôi co với Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP HCM về việc sở có thỏa thuận hay không với Bộ Giáo dục Anh hay Cơ quan Quản lý và Khảo thí quốc gia Anh.
Trong lúc dư luận đang lùm xùm mà Sở GD-ĐT lại tiếp tục triển khai chương trình và tất nhiên EMG tích cực nhất. Các phòng GD-ĐT phải “làm theo lệnh của sở”. Hoan nghênh Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp đã không đồng ý triển khai chương trình này, có lẽ đã thấy thấp thoáng bản chất của vấn đề.
Tại sao sở và EMG tích cực triển khai một chương trình thiếu minh bạch như thế? Ở đây người ta thấy “mùi lợi nhuận” phảng phất, ở cả chương trình Cambridge trước đó. Điều 20 Luật Giáo dục quy định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận” nhưng chương trình Cambridge và cả chương trình tích hợp có mục đích lợi nhuận. Chưa nói về chất lượng, về mặt xã hội, chương trình Cambridge làm cho sự bất bình đẳng trong giáo dục tăng lên khi mà học sinh có tiền được học trong một lớp có sĩ số thấp, ưu tiên được học bán trú, còn học sinh nghèo thì chen chúc nhau trong những lớp có sĩ số đông đảo. Các em đã không có sự bình đẳng về cơ hội học tập ngay từ khi bước chân vào lớp 1.
Giáo dục cần sáng tạo và trung thực. Sáng tạo trong lề lối, khuôn phép, vì chất lượng, vì học sinh; trung thực là điều thầy cô giáo phải dạy cho học sinh từ khi bước vào mẫu giáo. Do vậy không nên nói việc triển khai chương trình Cambridge, chương trình tích hợp là vì yêu cầu của phụ huynh. Sở GD-ĐT muốn “đi trước” thì với năng lực của mình hoàn toàn có thể xây dựng một chương trình tiếng Anh “phi lợi nhuận” hoặc với chi phí thấp mà đa số phụ huynh chịu đựng được, đừng để ám “mùi lợi nhuận”!
Sai lầm của Sở GD-ĐT TP có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi mà chính bộ trưởng đã phát biểu rằng chuyện học ngoại ngữ ở nước ta “chẳng giống ai” nhưng lại quá chậm chạp đổi mới. Ngay cả đề án tiếng Anh quốc gia 2020 vẫn ì ạch, điều chỉnh hoài không biết bao giờ mới xong. Trong khi đó, Sở GD-ĐT TP đi trước và lạc lối...
Lưu Nhi Dũ
Bình luận (0)