xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảng đường lộng gió

HUỲNH NGỌC LAN

Giảng đường lớp tôi học ngày đó là căn nhà dài rộng chứa gần một trăm sinh viên dựng bằng tranh, tre, nứa giữa cánh đồng lúa huyện Đông Anh (Hà Nội). Ngành chúng tôi học thuộc môn khoa học tự nhiên nên “sở trường, sở đoản” là công thức và phương trình.

Mỗi khi thi đua viết báo tường, đến mục sáng tác thơ, đa số đều bí, vần được như vè là cũng… đẳng cấp rồi. Hai chàng N. và K. trọ chung một nhà, đến ngày chót nộp bài năn nỉ chàng T. sáng tác giùm… có thưởng. T. chia bài Gửi em dưới quê làng thành hai khúc, N. chép từ câu “Khi chiếc lá xa cành… chảy theo anh khắp rừng”, K. chép từ câu “Anh đi xa càng xa…” đến hết. Tờ báo ra mắt được mấy hôm thì sáng đó, thầy chủ nhiệm đến giảng đường, xướng to tên N. và K.: “Mời hai anh lên đây”. Mắt thầy xoáy từng chàng: “Chuẩn bị hơn một tháng, các anh chỉ chép chung một bài thơ của người khác. Có biết hai khúc thơ đó đều là của tác giả Hồ Ngọc Sơn không? Đâu phải của hai anh mà ký tên mình cho thật to vào? Ai biên tập báo?”. Im, không ai dám nhận chức danh ấy, đành… sáng tác tập thể. Ngày ấy lời thầy tôi đã răn: “Lên đại học rồi mà tài năng các anh chị chỉ có thế thôi à? Việc gì cũng vậy, cứ qua loa cẩu thả, không xuất phát từ tâm, từ sức của mình thì khó thành”. Thầy bước nhanh ra khỏi lớp. N. và T. đứng ngây ra. Tiếng lao xao, rì rào tràn ra ngoài cánh đồng vi vút gió.

Tôi ở trọ trong ngôi nhà lợp lá, vách trát bằng đất sét trộn rơm, đôi chỗ đã “rách”, bà chủ nhà lại tên là… Vá. Bác Vá đối với chúng tôi thân tình, thơm thảo. Cơm tập thể sinh viên thời chiến chắc ai cũng biết, no là chính nhờ bắp độn nhiều hơn gạo. Sau ngày đi gặt lúa giúp dân về nhà, bác Vá cho mời nhóm bạn thân của tôi đến thưởng thức bữa cơm gạo mới ăn với cá khô nướng. Trong vòng “chưa đầy mấy nốt nhạc”, chúng tôi nhoáng sạch nồi cơm thơm lừng.

Tham gia hội diễn văn nghệ cùng khoa, lớp tôi tập vở kịch nói Ngọn lửa. Bùi Cường nhận đóng vai ông nội biết ca điệu Văn Thiên Tường. Tôi được phân vai Lập cháu nội. Dáng Cường đi lừ đừ như ông từ… nên ai cũng bảo: “Cường đóng vai ông già là đúng, đỡ mất công hóa trang”. Mấy đêm liền chúng tôi mò ra ngoài giảng đường tập thoại cho giống giọng Nam Bộ. Rồi lại về sân nhà bác Vá tập diễn. Chợt giọng Công tinh nghịch: “Hai ông cháu đẹp đôi quá”, thế là đến đoạn cháu nội quỳ xuống, ngước mắt nhìn ông nội là tôi nhe răng... cười. Giải lao, Thái kéo tôi riêng một góc đe: “Cường cáu rồi, nó mà bỏ tập, mày chết”. Khuya, mọi người đã về, Cường cố ý đợi tôi bên gốc bưởi ngoài ngõ, hoa bưởi đang bung trắng phủ kín thân cành, ngời ngợi màu tuyết lạnh, ngan ngát trăng đêm. Tôi đến gần hỏi: “Sao Cường chưa về?”. “Ngọc không muốn tập nữa thì nghỉ đi”. Giọng Cường rất trầm ấm và nghiêm: “Chúng ta được thay mặt truyền tải một phần nhỏ sự chịu đựng gian khổ và tinh thần bất khuất của nhân dân miền Nam thôi. Sao Ngọc không tập nghiêm túc? Sao cười?”. Ánh mắt Cường chiếu thẳng, tôi tỉnh ngay, vội vàng xin lỗi. Đến tận giờ tôi vẫn thuộc những dòng Cường viết lời giới thiệu cho vở diễn: “Vở kịch nói Ngọn lửa của Nguyễn Vũ viết về miền Nam trong những ngày đen tối nhất. Con người và đất nước của những câu vọng cổ đến nao lòng phải chịu bao đau thương. Trong những đêm dài ấy, khắp bưng biền miền Nam nổi lên những ngọn lửa căm hờn, hình ảnh của sự phẫn uất…”. Cường học rất giỏi ai cũng biết nhưng chạm vào cửa ngõ tâm hồn và những nghĩ suy của Cường, tôi càng kính nể.

Chuẩn bị nghỉ hè thì lớp nhận lệnh về Hưng Yên làm công trình thủy lợi lớn. Đào đất, đắp mương, công việc khá nặng nhưng tưng bừng sức sống trẻ. Khoảng hai tuần thì bộ đội về tận công trường tuyển sinh viên nhập ngũ. Cường, Công và nhiều bạn lớp tôi lên đường ngay tuần đó. Tôi không thể quên ngày đầu vắng họ, lưa thưa từng tốp nữ không ai nói với ai, lầm lũi đặt những gánh đất trên vai bước đi, trĩu nặng bao cảm xúc nhớ nhung. Rồi khoảng lặng đó trôi qua để hồn nhiên tươi tắn trở về. Và công trình được hoàn thành đúng thời hạn. Chúng tôi tiếp tục về Đông Anh bước vào năm học mới. Bác Vá thường nhắc về bạn bè tôi, hôm ngồi bên bậu cửa, bác hỏi vọng vào: “Chú Cường bị cận thị nặng thế thấy gì mà bắn? Sao chú trúng tuyển được nhỉ?”. Tôi trả lời: “Cháu nghe nói khi khám mắt, Cường đã nhờ Công chạy vào khám hộ nên họ cho đi bác ạ”. Trước khi vào chiến trường, nhận được thư Bùi Cường, có đoạn viết: “Đơn vị đang đóng quân ở ngoại ô. Cường thường hay xin chỉ huy cho mình đi gác đêm nên mắt bây giờ nhìn rõ bóng tối rồi. Đừng lo cho Cường nhé…”.

Sau hơn bốn mươi năm, mùa thu này tôi mới về thăm chốn trọ nơi có giảng đường xưa. Vui đến bất ngờ vẫn được gặp cụ Vá nay đã hơn chín mươi tuổi còn nhớ chuyện chúng tôi, chưa lẫn. Cảm xúc ấm áp như được về với mẹ: “Con không ngờ còn được ôm bác như thế này”. Cụ xoa xoa vào vai tôi bảo: “Năm nay về ăn Tết với u nhé, u không nghèo như xưa nữa. Con ở đây cho em nó nuôi”. Em, là cậu con trai xuất ngũ về xây dựng kinh tế tại thôn, đang sống cùng mẹ trong ngôi nhà xây khang trang trên nền đất cũ.

Đứng trên sân thượng nhà bác Vá, nhìn phía cánh đồng sau mùa gặt, tôi nhận ra vị trí nơi có giảng đường xưa. Phía ấy biết bao kỷ niệm khó thể nhạt nhòa, rưng rưng trong gió chiều thu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo