Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1, TP HCM nói rằng ngành giáo dục đang kêu gọi hạn chế dạy “chay”, tăng cường các hoạt động ngoại khóa; phụ huynh than phiền con thiếu kỹ năng sống… Nếu không nhờ đến quỹ phụ huynh thì trường lấy đâu kinh phí để lo các hoạt động trong năm học trong khi ngân sách cấp cho trường chỉ dành cho lễ khai giảng và lễ tổng kết?
Nếu không có quỹ phụ huynh…
ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), cho biết trong cuộc họp phụ huynh, ban giám hiệu nêu rõ điều kiện của trường hiện nay, còn việc phụ huynh đóng góp thế nào thì triển khai từ các lớp, nhà trường tuyệt đối không tham gia. “Phụ huynh đóng góp ra sao là tùy tâm, phụ huynh nào không có điều kiện thì không đóng vì có lớp chỉ khoảng 7-8 phụ huynh có điều kiện một chút đóng góp nhưng chẳng ai kêu ca phàn nàn gì. Vừa rồi, một vài mạnh thường quân của trường quyết định góp lại mua cho 2 lớp 10 tivi LCD và họ phối hợp tự thực hiện, chỉ xin phép trường cho họ làm” - ông Thạch cho biết.
Ông Thạch cũng nêu thực tế trước đây, phong trào đọc sách của học sinh rất kém, học sinh cũng rất yếu các kỹ năng như làm việc nhóm, sự tự tin, khả năng thuyết trình, nêu ý tưởng… Trường đẩy mạnh phong trào đọc sách cho học sinh bằng việc đầu tư lại thư viện. Nhưng nếu không có phụ huynh hỗ trợ thì nhà trường không thể có thư viện khang trang như hôm nay với hàng ngàn đầu sách các thể loại để học sinh lựa chọn.
“Có lần, đi ngang thư viện, thấy các cháu đọc sách mà phải đứng, một phụ huynh đã đặt 50 cái ghế cho thư viện; có phụ huynh mua máy chiếu, có phụ huynh khi tham quan lớp học thấy ánh sáng không tốt liền xin nhà trường được tài trợ bóng đèn, thấy thiếu quạt thì tài trợ quạt... Sự đóng góp của phụ huynh giúp cho học sinh được học trong điều kiện bảo đảm thì ai cũng mừng” - ông Thạch nói thêm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7, TP HCM cho biết trước đây, phía sau trường là khu vực đầm lầy, không có hàng rào che chắn, các hộ dân xung quanh thường xuyên vứt rác thải, thậm chí có người nghiện còn vứt kim tiêm bừa bãi, rất nguy hiểm cho học sinh. Nhờ có phụ huynh hỗ trợ mà trường xây được tường bê-tông kiên cố, che chắn, tách biệt hẳn; học sinh ra chơi được an toàn. Nếu không có quỹ phụ huynh hỗ trợ, trường cứ lo nơm nớp không biết đến bao giờ mới làm được.
Công khai các khoản đóng góp
Một chuyên gia giáo dục cho rằng nếu không có nguồn thu xã hội hóa thì giáo dục rất khó phát triển. Điển hình là nhiều học sinh sẽ không biết đến máy chiếu, tivi, máy lạnh… vì ngân sách nhà nước không cấp cho những khoản này. Trong khi những phương tiện trên hầu như trường học nào hiện nay cũng có, nếu không nhờ tiền trường, quỹ hội thì nhờ ai? Vấn đề là cách làm của từng trường như thế nào để phụ huynh thấy mình được tôn trọng.
Chuyên gia này phân tích: Khi huy động một khoản đóng góp, 1 lớp có 40 phụ huynh, 39 phụ huynh đồng ý nhưng chỉ một người phản đối là có chuyện. Lúc này, giáo viên, hiệu trưởng cần làm gì để phụ huynh không đóng góp không cảm thấy lạc lõng, tổn thương, con họ vẫn được đối xử bình đẳng như bao đứa trẻ khác? Nhiều phụ huynh không tiếc tiền nhưng nhà trường làm sao để họ tin tưởng. Một nhà vệ sinh giá hơn 1 tỉ đồng là chuyện vô lý hoặc tivi, máy chiếu mới mua năm học này, năm sau lại phải đóng góp mua cái mới thì khó thuyết phục. Nếu trường chi đúng thì không vấn đề gì vì chung quy lại, phụ huynh đều muốn tốt cho học sinh.
ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho rằng công khai và trân trọng phụ huynh là nguyên tắc quan trọng khi làm xã hội hóa giáo dục. Ở phương diện trường tư, phụ huynh cho trường vài máy tập thể dục cho học sinh nội trú là đã đáng quý lắm.
Theo ThS Hà Hữu Thạch, một số giáo viên chủ nhiệm bị áp lực với các lớp khác nên thường sốt sắng huy động phụ huynh đóng góp khoản này khoản kia. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, trường đã quán triệt giáo viên không được làm vậy. Chỉ khi công khai các khoản thu, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của học sinh, không có “lợi lộc” gì cho nhà trường và giáo viên mà tất cả chỉ vì học sinh thì phụ huynh ắt sẽ đồng tình.
Giáo viên, hiệu trưởng cần làm như thế nào đó để những phụ huynh không có điều kiện đóng góp vào quỹ phụ huynh không cảm thấy lạc lõng, tổn thương; con họ vẫn được đối xử bình đẳng như bao đứa trẻ khác.
Bình luận (0)