Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa thành lập Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA) và sắp tới là Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, thuộc ĐH Quốc gia TP HCM (VNU-HCM EAC). Các trung tâm này được quyền đưa ra các quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH, các chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không bị can thiệp bởi bên thứ ba. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại liệu 2 trung tâm này có khách quan và thực sự độc lập trong việc đánh giá, công bố kết quả khi vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT.
Kiểm định theo tiêu chí của bộ
Cả nước có tới gần 500 trường ĐH, CĐ với chu kỳ 5 năm/lần kiểm định và bình quân mỗi năm, tổ chức này sẽ kiểm định 100 trường. Trong khi đó, dự kiến mỗi trung tâm kiểm định thuộc các ĐH quốc gia sẽ có khoảng 30 kiểm định viên và 25 nhân viên hỗ trợ. Trước khi có thêm các tổ chức kiểm định khác được thành lập sau năm 2015, 2 trung tâm này sẽ phải gồng mình để đảm nhận nhiệm vụ kiểm định 100 trường/năm.
Bộ GD-ĐT cho biết toàn bộ tiêu chuẩn kiểm định, quy trình kiểm định, đào tạo kiểm định viên, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên đều phải tuân thủ quy định của cơ quan này. Bên cạnh đó, việc cấp phép hoạt động 5 năm/lần, đình chỉ hoạt động hay giải thể các trung tâm kiểm định đều do Bộ GD-ĐT quyết định.
Cần khách quan
Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho rằng kiểm định là việc còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế, trong giai đoạn chuyển tiếp, cần có những chuyên gia kiểm định am hiểu về giáo dục, nếu không sẽ rất khó làm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, băn khoăn: “Không quan trọng đơn vị công lập hay ngoài công lập, điều cốt lõi là việc kiểm định có độc lập, khách quan hay không”.
Cần sớm có kiểm định tư nhân
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM Phóng viên:Việc thành lập 2 tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam là VNU-CEA và VNU-HCM EAC có vai trò như thế nào đối với giáo dục ĐH, thưa bà? - TS Nguyễn Kim Dung: Trước mắt, 2 tổ chức này sẽ có vai trò chuyên nghiệp hóa công tác kiểm định chất lượng. Đây là những đơn vị “giữ cửa” chất lượng các trường, công bố cho công chúng biết trường nào đáng tin cậy. Nếu 2 tổ chức này làm tốt, có uy tín thì là dấu hiệu đáng mừng. Bà đánh giá thế nào về sự độc lập của 2 tổ chức này? - Hai tổ chức này nằm trong các ĐH Quốc gia nhưng vẫn trực thuộc bộ nên có thể nói là tương đối độc lập chứ không hoàn toàn độc lập. Tại các nước ở Đông Nam Á, một số tổ chức, hiệp hội cũng trực thuộc bộ giáo dục. Có lẽ hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn muốn quản lý các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD-ĐT cho biết tổ chức kiểm định ngoài công lập chỉ có thể được thành lập tại Việt Nam sau năm 2015. Theo bà, vì sao cơ quan này chưa cho phép ra đời các tổ chức kiểm định tư nhân? - Trong điều kiện hiện nay thì việc tin tưởng vào khu vực công mà chưa tin tưởng vào khu vực tư nhân là điều dễ hiểu. Lĩnh vực giáo dục tương đối nhạy cảm nên trước mắt phải có sự giám sát của nhà nước, sau đó tạo điều kiện để các tổ chức tư nhân ra đời. Có lẽ cơ quan quản lý vẫn lo các tổ chức kiểm định tư nhân “bắt tay” với các trường để công bố kết quả có lợi cho trường, hiện trạng này vẫn tồn tại ở một số nước châu Á. Hiện việc kiểm định chất lượng được thực hiện chậm và chưa hiệu quả, làm thế nào để hoạt động này đi vào thực chất? - Công tác kiểm định tại nhiều trường còn mang tính đối phó nên chưa phát huy hiệu quả và sự chuyên nghiệp. Để hoạt động này đi vào thực chất và có hiệu quả, phải gắn kiểm định chất lượng với giải pháp. Ví dụ, khi không kiểm định thì vấn đề gì xảy ra? Trách nhiệm của đơn vị không thực hiện kiểm định trước xã hội thế nào?... Thực tế, thời gian qua có nhiều trường chất lượng không như sự quảng cáo rầm rộ của họ. Do đó, cần sớm cho phép hình thành các tổ chức kiểm định tư nhân hoạt động độc lập để tạo “sân chơi” cạnh tranh và giúp bức tranh giáo dục ĐH được rõ ràng, minh bạch. THÙY VINH thực hiện |
Bình luận (0)