Sau khi báo chí đặt vấn đề có hay không “lò” đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, viện này đã tổ chức họp báo ngày 22-4 để giải đáp những thắc mắc của phóng viên và khẳng định không có luận án nào mông lung xa vời.
GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, cho hay hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu.
Con số này, theo GS Vinh là vẫn còn ít. "Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít ỏi" - ông Vinh khẳng định.
Về quy trình đào tạo tiến sĩ của học viện, GS Vinh nhấn mạnh quy trình rất chặt chẽ. Việc bảo vệ đề tài của nghiên cứu sinh phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm. Đó là thành công trong đào tạo tiến sĩ của học viện.
Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm là chất lượng đào tạo tiến sĩ ở học viện ra sao, GS Vinh nhấn mạnh, Học viện không du di, nhẹ tay với nghiên cứu sinh. “Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào các nhà phản biện kín, có những luận án phải sửa chữa, sau đó gửi lại những GS phản biện kín. Việc thực hiện các đề tài luận án tiến sĩ được công khai hóa trên web của học viện để xã hội giám sát, bảo đảm trải qua 3 bộ lọc: chuyên môn, xã hội, đạo đức. 412 người giảng viên từ Viện hàn lâm, đều là giảng viên cơ hữu. Chưa nơi nào mà có nhiều đề tài nghiên cứu được đưa vào giảng dạy nhiều như ở Học viện. Đặc thù của học viện là có rất nhiều GS, PGS, Tiến sĩ danh tiếng” - GS Vinh tiếp tục khẳng định.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho hay thêm trong số 10% luận án tiến sĩ được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn ngẫu nhiên chấm thẩm định lại, học viện không có luận án nào. Tới đây, học viện có phần mềm để có thể phát hiện những hiện tượng gian lận trong khi làm đồ án, coppy luận án người khác
Nói thêm về những luận án bị cho báo chí dẫn chứng những ngày qua, GS Vũ Dũng, Viện trưởng viện Tâm lý thuộc Học viện, cho rằng đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" là đề tài hay, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt, được các cấp hội đồng đánh giá là đề tài có ý nghĩa thực tiễn lớn. “Vì nếu không có giao tiếp thì không có con người. Từ trước đến nay chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, Việt Nam có 11.164 xã, đồng nghĩa có 11.164 chủ tịch xã, rất đáng để nghiên cứu. Vì sao đề tài nghiên cứu ở chủ tịch cấp xã?, vì đó là cấp chính quyền cuối cùng trong hệ thống chính trị của chúng ta, chính sách có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền cấp xã. Chủ tịch xã có hiểu được dân hay không, nắm được dân hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề giao tiếp. Vì thế, chúng tôi cho đây là đề tài rất thực tiễn. Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không, các bạn hãy tự trả lời?” - ông Dũng đặt câu hỏi.
GS Dũng cũng cho rằng trong suy nghĩ của nhiều người, luận án phải to tát, hoành tráng. “Hoàn toàn không phải vậy. Tôi đi 20 nước, đã tới hàng chục trường ĐH, ở các nước phát triển những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể. Ví dụ có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở Việt Nam sẽ thành vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, văn hóa lớn”.
Theo GS Dũng, các đề tài nghiên cứu của Học viện nói chung xuất phát từ yêu cầu gắn thực tiễn… Viện tâm lý học đi theo đường đó, nên không có đề tài nào mông lung xa vời. “Đề án được bảo vệ phải đi qua quy trình 8 bước, chặt chẽ như thế thì không có đề tài vớ vẩn, vô nghĩa nào được đưa ra bảo vệ” - ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)