Nếu hỏi học sinh: “Bột giặt là gì?”, “kem đánh răng làm bằng chất gì?”, “bột ngọt là gì?” sẽ ít em nào biết. Có thể nói chương trình hiện tại nặng về hàn lâm cổ điển, là nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của giáo dục phổ thông.
Mù mờ kiến thức thực tế
Đối với 2 môn học thực nghiệm: Vật lý và hóa học, chương trình lại nặng về “lý thuyết toán học”. Ví dụ hóa học cứ làm hoài những bài toán “lọ mất nhãn” (mà trong thực tế thì người ta vứt đi) để cuối cùng đưa đến một hệ thống 5, 6 phương trình toán học. Trong vật lý, “con lắc đồng hồ” chỉ có giá trị lịch sử thì làm những bài toán cực kỳ hóc búa. “Điện một chiều” thực tế sử dụng rất ít thì lại kéo dài cả gần một năm học với bài tập đánh đố cực khó. Trong lúc các kiến thức hiện đại về điện tử, chip, tia laser, phi thuyền, vệ tinh... thì học sinh rất mù mờ.
Trong môn sinh vật, nếu hỏi gan nằm ở đâu, ruột thừa nằm bên phải hay bên trái thì rất ít học sinh biết. Chương trình môn này quá nặng về di truyền học; bài tập cũng nặng về toán học trong lúc kiến thức phổ thông lại quá hời hợt.
Riêng môn sử, môn địa, hai môn cực kỳ quan trọng để nuôi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu non sông gấm vóc... thì kiến thức dạy cho học sinh rất là mơ hồ. Nhiều địa danh trong nước học sinh không biết, cũng không biết non sông gấm vóc ở chỗ nào. Học sinh hiểu rõ lịch sử Trung Quốc (nhờ coi phim Tàu) hơn là hiểu biết về lịch sử Việt Nam.
Thiếu nhạc trưởng của các môn học
Có lẽ sự tụt hậu của chương trình thể hiện rõ nhất qua môn ngoại ngữ. Tại sao học sinh học 7 năm ngoại ngữ nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông, không thể giao tiếp với người nước ngoài, trong lúc học ở trung tâm ngoại ngữ khoảng 6 tháng là có thể giao tiếp được? Nguyên nhân là ở chương trình hay cách dạy?
Cũng cần phải nói đến một bộ môn thường được xem là môn phụ, môn không quan trọng: môn thể dục. Xem những học sinh giỏi Việt Nam khi lên lãnh thưởng với một thân hình ốm yếu, ta không khỏi băn khoăn, lo ngại rồi đây làm sao các em có đủ thể lực để cống hiến cho xã hội. Phụ huynh cũng đang nghi ngờ không biết chương trình thể dục thể thao trong nhà trường hiện tại có đem lại sức khỏe cho học sinh hay không? Trong khi đó ở các nước tiên tiến, đây là môn học quan trọng...
Ngoài ra, cách sắp xếp chương trình hình như “thiếu nhạc trưởng của các môn học”. Học sinh chưa học đạo hàm đã học vận tốc tức thời, chưa học logarit thì đã học pH...
Vấn đề đặt ra là phải cải cách chương trình một cách nhanh chóng và hiệu quả. Kiến thức khoa học được sắp xếp trong chương trình không phải là kiến thức riêng của các nhà viết sách sáng tác ra. Đó là tinh hoa, kiến thức của nhân loại. Vấn đề là chọn lọc sao cho phù hợp, sắp xếp hợp lý về mặt kỹ thuật giảng dạy; gạn lọc, chọn lựa cho phù hợp với thời lượng giảng dạy, kiến thức phải thực tế và có tính áp dụng. Do đó, chọn cách thực tiễn là tham khảo các chương trình hiện hành của các nước tiên tiến.
5 bước thiết kế một chương trình hiện đại Trình tự sẽ làm theo các bước sau: - Tập hợp tài liệu tham khảo là chương trình và sách giáo khoa (SGK) của các nước tiên tiến và thành lập một thư viện điện tử (e-library) cho các nhà viết sách trong tương lai tham khảo. Đồng thời kêu gọi mọi người tham gia phiên dịch để đưa vào thư viện điện tử. - Thành lập từng nhóm các bộ môn (toán, lý, hóa, sinh) để làm việc tập thể trong việc hình thành chương trình nhưng đứng đầu phải là một nhóm điều phối chương trình (như nhạc trưởng). - Sau khi Bộ GD-ĐT quyết định chọn một chương trình nào đó thì công khai trên mạng để các nhà giáo góp ý. Sau đó, sẽ ban hành quyết định về chương trình. - Có một điều thiếu sót hiện tại nên bổ sung: Trang đầu tiên của mỗi cuốn SGK phải đăng tải chương trình của Bộ GD-ĐT về môn đó, lớp đó: “Chương trình là pháp lệnh” chứ không phải “SGK là pháp lệnh”. - Sau khi có chương trình thống nhất, việc tiếp theo là biên soạn SGK. Nhiều vị viết sách hiện tại tuy có kiến thức uyên thâm nhưng có nhược điểm là không giảng dạy phổ thông. Do đó, học sinh khó có thể tự học được với SGK. SGK phải vừa là thầy vừa là bạn của học sinh khi không có thầy. Những nhà viết sách nói trên nên viết các sách để hướng dẫn cho thầy giáo về từng bộ môn thì tốt hơn. Thông thường, chính các nhà giáo phổ thông là người viết SGK thích hợp nhất. |
Bình luận (0)