xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngôi trường của tình thương

Theo Thanh Niên

Phải lội hàng trăm mét đường ngập nước chúng tôi mới vào đến ngôi trường cần tìm. Một ngôi trường tiểu học chỉ có 2 phòng học với 61 học sinh. Giọng đọc ê, a say sưa vang lên từ những khuôn mặt đen nhẻm, sạm nắng mà đa số chỉ mới biết đến cây bút, quyển vở khi đã quá tuổi bắt đầu đi học, thậm chí có những "em" 20, 40 tuổi.

Nơi hội tụ những tấm lòng

Người dân sinh sống tại khu Hồ Cá, phường 21, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã không còn ngạc nhiên về ngôi trường "đặc biệt" nhưng có tên gọi thật giản dị "Trường phổ cập 19/5", nơi hội tụ tình thương của những cô giáo tận tâm và vị ni trưởng giàu lòng nhân ái Thích Nữ Như Dung. Ngôi trường có từ năm 1989, từ lời kêu gọi, chỉ đạo của Thành hội Phật giáo và Nhà nước "mỗi chùa thành lập lớp học để xóa nạn mù chữ cho trẻ em trong vùng". Ngôi trường lợp giấy dầu tránh mưa nắng tạm bợ đón học sinh với hai lớp học nắng xiên ngang dọc, ngăn cách bằng tấm ván gỗ đơn sơ. Thoạt đầu, ni trưởng Như Dung phải tháo bàn ghế, giường tủ gỗ trong chùa làm lại thành bàn ghế cho học sinh. Những ngày đầu, các ni cô trong chùa được "tận dụng" trong vai trò giảng dạy, ngày lên lớp đêm về trải chiếu ra sàn nhà ngủ.

Có trường, có lớp nhưng để có trò thì phải kêu gọi, mời mọc. Thậm chí có trường hợp ni trưởng còn phải trả tiền theo ngày công bán vé số để các em đến trường. Lớp học miễn phí từ cây bút, sách vở đến quần áo lên lớp. Học sinh giỏi cuối năm được thưởng 100.000 đồng - số tiền không phải nhỏ so với dân lao động nghèo ở đây. Ni trưởng đến tận nhà thuyết phục các học sinh đến lớp, nói rõ cho phụ huynh ý thức tầm quan trọng của con chữ. Kiên trì lặn lội đêm hôm đến từng nhà, cuối cùng cũng gom được 120 học sinh từ 10 tuổi đến 18 tuổi chưa từng biết chữ cho khóa đầu tiên của ngôi trường được dựng từ tấm lòng mình.

Chữ ở nơi vùng lụt

Cứ tới mùa mưa, Trường 19/5 có ít nhất hai ngày bị ngập nước trong tuần. Đó là những buổi đi học, lũ trẻ xắn cao quần lội vào lớp, ngồi học phải co chân lên cho khỏi ướt. Nhưng không vì thế mà mất đi sự nhiệt tình đến với con chữ.

Khu Hồ Cá phường 21, quận Bình Thạnh cách đây ba, bốn năm vốn là "điểm đen" tập trung buôn bán chích choác ma túy. Nhân thân của các em học sinh cũng phức tạp không kém: mồ côi, cha mẹ bỏ nhau, đi tù, bán vé số, chạy xe ôm... Cô Huỳnh Thụy Ngọc Mỹ nhớ lại: "Ngồi trong lớp học mà phải khóa trái cửa lại vì sợ dân ngoài nhảy vào phá phách ảnh hưởng các em. Mỗi lúc dọn vệ sinh trên nóc lớp học, thu gom được cả bao tải ống chích. Phải mất đến hai tuần đầu tiên dành để uốn nắn các em về những phép tắc cư xử thông thường nhất, đưa các em vào nề nếp". Lớp học ở ngay trong khu dân cư nên cần sai con cái bất cứ việc gì, phụ huynh lại đứng từ bên ngoài kêu toáng con về. Thậm chí, nếu đứa con sợ cô mà không dám bỏ lớp thì những lời lẽ rất vô văn hóa, dành cho cả cô lẫn trò "văng" ngay vào lớp học. Ni trưởng Thích Nữ Như Dung ở tuổi gần “thất thập” nhưng cũng chẳng được buông tha. Bà chỉ biết "cười" khi nghe họ gọi mình là con này, thứ nọ và cảm thấy quen dần trong suy nghĩ: "Ừ như là người ta cho, mình không nhận thì thôi, chửi riết rồi họ cũng nản".

Bây giờ, lớp đã ổn định, khu vực lối phố cũng an ninh hơn, học sinh có thể an tâm ngồi tập trung học bài mà không sợ nước dâng lên hay có kẻ vào phá phách nữa. Nhưng điều quan trọng là dân trong vùng đã có ý thức hơn về sự học của con cái vì tấm lòng những cô giáo ở đây. Lúc cao điểm, trường đón tới 200 em, lương của thầy cô giáo hiện tại chỉ hơn 200.000 đồng mỗi tháng. Cô Huỳnh Thị Thanh Xuân đã gắn bó với ngôi trường từ ngày đầu, hiện cô là khối trưởng của bộ môn văn ở một trường học khác nhưng vẫn đảm nhiệm công việc ở đây. Cô Huỳnh Thụy Ngọc Mỹ hằng ngày vẫn đạp xe từ bên quận 2 qua tận Bình Thạnh đi dạy ở trường cũng đã 14 năm. Cô cũng từng được ni trưởng giúp đỡ khi còn là học sinh rồi là sinh viên Trường trung học sư phạm, mồ côi mẹ từ sớm nên cô thấu hiểu sự thiếu thốn của các em nhỏ, cô "từ chối" về dạy ở một trường công vì "không thể rời xa các em ở ngôi trường phổ cập thân thương này". Cô lặn lội đến từng nhà học sinh dù ở bất cứ ngóc ngách nào để thăm hỏi gia đình.

Cô Ngọc Mỹ kể lại: 20/11, cả lớp chung nhau một gói quà bọc những... chiếc kẹo tặng cô. Cô ốm, học trò đi bộ đến thăm vì toàn bộ số tiền là những 500 - 1.000 đồng đã góp lại mua tặng cô trái cây, khăn giấy để cô dùng khi sổ mũi. Chính vì sự "dễ thương" đó của các em mà cô giáo không quản ngại dạy cả những ngày thứ bảy, chủ nhật để phụ đạo trong những kỳ thi. Món quà lớn nhất mà các cô giáo và ni sư trong chùa Châu Lâm nhận được là năm nào trường cũng đạt thành tích thi đậu tốt nghiệp 100%.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo