xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Nam Bộ dạy con

NGUYỄN THÀNH NAM

Hơn ba trăm năm xây dựng và phát triển, cư dân Nam Bộ sớm tiếp thu văn hóa Âu Mỹ song cốt lõi vẫn dựa trên tinh thần “trung hiếu, tiết hạnh”

Từ xưa tới nay, đã làm cha làm mẹ thì ai cũng quan tâm đến việc chăm sóc, dạy dỗ con cái từ lúc mới tượng hình (thai giáo) cho đến lúc trưởng thành, thậm chí còn theo dõi từng bước vào đời của con cho đến khi nhắm mắt xuôi tay mới hết lo. Sự chăm sóc, dạy dỗ con cái được nối tiếp hết đời này tới đời khác, tạo thành một nếp riêng của mỗi gia đình/ dòng họ gọi là gia lễ.

Trong lịch sử, Nam Bộ là vùng đất nhà Nguyễn dựng nghiệp nhưng chưa khi nào trở thành kinh đô của nhà Nguyễn. Vì thế, người dân Nam Bộ ít bị các quan điểm, luật lệ, lễ giáo chính thống chi phối. Hành trang văn hóa của những người buổi đầu mở nước là chút ít hiểu biết về đạo làm người mà họ học hỏi từ quê hương bản quán của mình, nhất là qua ca dao, tục ngữ. Trên tinh thần “Thi giáo” (dùng thơ để giáo hóa), qua các thời kỳ lịch sử, những nhà nho từ Bắc chí Nam, như: Nguyễn Trãi (có tư liệu nói không phải), Bùi Dương Lịch, Đặng Xuân Bảng, Trần Phong Sắc... đã biên soạn các loại sách Gia huấn, Nữ huấn bằng văn vần, thể loại lục bát dễ nhớ, dễ truyền khẩu để giáo dục con cái trong gia đình, góp phần đáng kể vào quá trình giáo dục, đào tạo nhân cách con người.

 

Ảnh: Vĩnh Hiền
Ảnh: Vĩnh Hiền

Đến trước ngày giải phóng, không ít người dân Nam Bộ một chữ bẻ đôi cũng không có nhưng hầu như ai nấy đều có con cái đề huề và nuôi dạy con trở thành người hữu dụng cho xã hội. Nhờ đâu? Nhờ ca dao - tục ngữ, nhờ những câu nói vần vè được truyền khẩu trong dân gian. Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Với câu ca dao này, đã là người Việt Nam thì từ người văn hay chữ tốt đến người mù chữ đều thuộc và hiểu. Đó là bài học căn bản đầu tiên của mỗi con người.

Đã là người dân Nam Bộ thì không ai không thuộc nằm lòng câu thơ của cụ Đồ Chiểu: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình. Trong dân gian hiện nay còn lưu truyền câu hát đối đáp: Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa/ Đố anh ba chữ thờ cha chữ nào? - Chữ trung anh để thờ cha, chữ hiếu thờ mẹ, chữ hòa cho em. Có lẽ vì phương Nam xa “mặt trời” nên họ thấy những người mà họ cần quan tâm là cha mẹ, vợ con..., còn chuyện xa vời thì “xin nhường” cho những người chữ nghĩa.

Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình được học hành song cái nghèo cứ đeo đuổi nên đành tới đâu hay tới đó, chứ họ đều biết Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài/ Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi, thậm chí cô hàng xóm cũng động viên người mình rắp tâm để bụng: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về anh học chữ nhu (nho)/ Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

Dạy con từ thuở còn thơ nên ngay từ con mới chập chững biết đi, biết nói, cha mẹ đã dạy con việc chào, thưa... Chuyện này phải dạy tỉ mỉ theo tháng ngày cho đến khi con cái lập đời: Khi nghe tiếng gọi trên nhà/ Miệng thời thưa dạ, chân thời bước mau/ Cười vui mời nước, têm trầu/ Vội vàng vào bếp, không câu phiền hà/ Đường ăn ở có nết na/ Xóm làng khen ngợi, mẹ cha yên lòng...

Trước thói hư tật xấu của người đời, không có bậc cha mẹ nào không dặn con: Ở đời lắm việc phải đừng/ Đừng sa cờ bạc, đừng ham rượu chè/ Đừng nghe thuốc phiện mà mê/ Đừng gây oan nghiệt, đừng kề thanh lâu/ Tu thân tích đức làm đầu/ Đó chính là thứ phép mầu thế gian. Của phi nghĩa chớ dính vào, bởi Của phi nghĩa có giàu đâu/ Ở cho ngay thực giàu sau mới bền.

Nếu nhà có chút của ăn của để, có kẻ ăn người làm thì cha mẹ cũng dạy con nên biết thể hiện lòng nhân ái: Đến như đứa ở con hầu/ Khổ nghèo nó mới đem đầu làm tôi/ Bát cơm đổi lấy mồ hôi/ Nỡ nào đánh chửi dập vùi cho đương/ Ngày đêm dãi nắng dầm sương/ Nghĩ khi khó nhọc mà thương cho cùng/ Thịt da không phải sắt đồng/ Dẫu tay roi vọt cũng lòng từ nhân... và Không nên cậy thế, cậy tài/ Cậy giàu, cậy mạnh khinh người bần nhân. Con gái về làm dâu nhà người phải... Kính mẹ thờ cha/ Biết đường lui tới mới là đạo dâu, không nên Xui chồng chửi sớm, chửi trưa/ Để người nhục nhã cho vừa lòng ghen.

Từ những lời dạy cơ bản ấy, ai nấy đều vững lòng tin đời sau sẽ khá hơn đời trước bởi họ tin Ở có đức ráng sức mà ăn, Con hơn cha là nhà có phúc. Và nếu gia đình nào đạt được như thế sẽ tạo nên nền nếp riêng gọi là gia phong; và những lời dạy dỗ ấy đi vào quy củ hơn, bài bản hơn thì gọi là “gia huấn”, “gia giáo”, rồi hình thành “gia pháp”...

Hơn 300 năm xây dựng và phát triển, cư dân Nam Bộ sớm tiếp thu văn hóa Âu Mỹ song cốt lõi vẫn dựa trên tinh thần “trung hiếu, tiết hạnh”. Dẫu xã hội hiện đại không thể (và cũng không nên) giữ rịt khuôn mẫu gia đình kiểu cũ nhưng “gia huấn” vẫn còn cần thiết để góp phần làm nên nhân cách con người..

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo