xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà trí thức dấn thân

TRẦN HỮU TÁ

Sự đóng góp nổi trội, xuất sắc hơn cả của nhà khoa học Nguyễn Đình Đầu là các công trình nghiên cứu về sơn hà, cương vực nước ta

Đến và gắn bó với thành phố phương Nam lớn nhất nước, sinh hoạt văn hóa sôi nổi thuộc loại nhất nước từ 35 năm nay, tôi may mắn được tiếp xúc nhiều bậc trí thức cao niên nổi tiếng. GS Nguyễn Đình Đầu, SN 1920, thuộc số các vị đáng quý trọng ấy. Với tôi, ông thuộc thế hệ đàn anh, không có điều kiện rảnh rỗi để thường xuyên gặp gỡ nhưng giữa 2 người dường như đã có tình tri kỷ.

Điềm đạm, nhã nhặn

Tiếp xúc GS Nguyễn Đình Đầu, thoạt tiên tôi có cảm giác hơi lạ lẫm. Bởi lẽ, đã 60 năm kể từ lúc học xong ĐH ở Paris - Pháp (1951-1955), trở về nước chỉ sống ở Sài Gòn - mảnh đất vốn mang phong cách bộc trực, “thẳng đuột” của Hớn Minh - Tử Trực - vậy mà ông vẫn giữ nguyên cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Trong các cuộc hội thảo, gặp gỡ, ông luôn như muốn tự giấu mình đi, ít phát biểu mà lắng nghe là chính. Khi cần, ông phát biểu ngắn gọn, từ tốn, ngôn từ chắt lọc, rất tự tin, có chủ kiến nhưng không chủ quan. Quan hệ với bất cứ ai, không kể thân sơ, ông luôn thể hiện một phong thái điềm đạm, nhã nhặn, một cách ứng xử tế nhị, lịch thiệp.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu Ảnh: Tư liiệu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu Ảnh: Tư liiệu

 

Sống trong giai đoạn lịch sử 1945-1975 hết sức căng thẳng quyết liệt, Nguyễn Đình Đầu vừa là một chứng nhân đáng tin cậy vừa là người nhập cuộc, chí ít là ở 2 thời điểm rất có ý nghĩa. Thời điểm thứ nhất là những ngày đầu của kỷ nguyên độc lập. Ông được giao trọng trách là bí thư phụ tá cho Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà. Mới 25 tuổi, chưa va chạm với đời nhiều mà phải gánh vác công việc phức tạp, ông đã cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

30 năm qua đi với biết bao biến động chính trị - xã hội dữ dội, cuối tháng 4-1975, khi sắp kết thúc cuộc chiến chống ngoại xâm khốc liệt, do sự đưa đẩy của tình thế, Nguyễn Đình Đầu lại xuất hiện trên chính trường. Ông cùng một số bằng hữu trí thức và tu sĩ đã tác động đến luật sư Nguyễn Văn Huyền - phó tổng thống chính quyền Sài Gòn lúc ấy, để từ đó tác động đến tổng thống Dương Văn Minh, xúc tiến mạnh hơn chủ trương ngưng bắn và “bàn giao quyền hành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời”. Ông đã nhận lời tham gia nhóm đại diện chính thức cho ông phó tổng thống đến trại Davis (trong sân bay Tân Sơn Nhất) để thương thuyết với phái đoàn cách mạng.

Sau những hoạt động chính trị mang tính “tình thế” đột xuất ấy, ông lại lui, một cách tự nhiên nhẹ nhàng, về “pháo đài chuyên môn” học thuật riêng của mình.

Nguyễn Đình Đầu tham gia hoạt động giáo dục, vừa là GS sử địa vừa là giám học Trường Trung học Nguyễn Bá Tòng (1957-1959) - nay là Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM; sau đó dạy ở một số trường trung học tư thục khác. Ông được học trò kính trọng vì sự tận tâm, kiến thức uyên bác, cách giảng cuốn hút và phong cách sống mẫu mực. Ông cùng vài đồng nghiệp hợp tác viết sách giáo khoa sử địa từ đệ thất đến đệ nhị chuyên khoa (tương đương lớp 6-11 hiện nay).

Chủ yếu ông viết báo, từ những năm 1960, đăng tải trên một số tờ báo đứng đắn ở Sài Gòn . Mấy chục năm gần đây, ông vẫn xuất hiện đều đặn trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Xưa và Nay... Rất tiếc, hầu hết các bài viết của ông xứng đáng được tập hợp in thành sách nhưng việc này chưa được ông để tâm thực hiện. Gần đây, mới chỉ có cuốn “Nguyễn Đình Đầu - Hành trình của một trí thức dấn thân” được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tập hợp 40 bài viết của ông trên Tạp chí Xưa và Nay ra mắt bạn đọc.

Bằng sự trải nghiệm của cả cuộc đời dài non một thế kỷ, Nguyễn Đình Đầu đã phát biểu rất thận trọng về một số nhân vật lịch sử “có vấn đề” từng bị định kiến như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký... hoặc mới đây thôi, về nguyên phó tổng thống chính quyền Sài Gòn - cố luật sư Nguyễn Văn Huyền.

Nguyễn Đình Đầu đã có những bài viết với niềm tâm phục, cảm mến sâu xa Chủ tịch Hồ Chí Minh (“Cụ Hồ đã giải cứu tôi” và “Nói rõ hơn về những người bên cạnh Bác Hồ trong chuyến thăm Pháp năm 1946”); về ông Phạm Văn Đồng - một trong các lãnh tụ tiêu biểu của cách mạng (“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Công giáo Việt Nam”).

Sự đóng góp nổi trội, xuất sắc hơn cả của nhà khoa học cao niên Nguyễn Đình Đầu là các công trình nghiên cứu về sơn hà, cương vực nước ta. Trong các bài viết được tập hợp trong tập “Hành trình của một trí thức dấn thân”, ông cho biết tên nước “Việt Nam” đã có từ cuối thế kỷ XIV. Ông khẳng định với những cứ liệu hết sức cụ thể và chính xác “Hoàng Sa - Trường Sa đích thực là của Việt Nam”...

Nhìn thẳng vào sự thật

Không kể các công trình viết chung với một số nhà nghiên cứu khác, riêng ông trong 2 năm 2013 và 2014, lúc đã quá tuổi 90, đã liên tiếp cho xuất bản 2 công trình quan trọng: “Việt Nam Quốc hiệu & cương vực: Hoàng Sa - Trường Sa” (NXB Trẻ, 2013) và “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Trường Sa - Hoàng Sa” (NXB Đại học Quốc gia, 2014). Đây là kết quả của nhiều chục năm nghiên cứu, tích góp tư liệu để làm rõ những vấn đề hết sức hệ trọng.

Trong cuốn thứ nhất, đó là quốc hiệu và cương vực nước ta qua 4 thời kỳ: dựng nước (Văn Lang, Âu Lạc); đấu tranh giành độc lập trong suốt 11 thế kỷ - từ thế kỷ thứ II Trước Công nguyên đến năm 907; độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến đầu XIX) và thời kỳ thống nhất lãnh thổ với quốc hiệu Việt Nam trong hơn 200 năm gần đây, tính từ đầu triều đại nhà Nguyễn với sự lên ngôi của Hoàng đế Gia Long.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, nhà nghiên cứu đã dành 3/5 công trình để làm rõ vấn đề chủ quyền biển đảo của nước ta qua 5 thời kỳ: thời các chúa Nguyễn (1500-1777), dưới triều Nguyễn (1802-1884), dưới thời Pháp thuộc (1884-1945), từ năm 1945 đến 1975 và từ năm 1975 đến nay. Bằng sự phân tích chặt chẽ, dựa trên hệ thống cứ liệu phong phú gồm 97 bản đồ, sơ đồ và nhiều công trình đã công bố qua các thời kỳ của Việt Nam và hàng chục cuốn sách (kèm theo nhiều bản đồ) của các học giả Pháp, Hà Lan, Mỹ..., ông đã có những kết luận hết sức thuyết phục.

Công trình “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” có thể coi là tập đại thành công phu sưu tầm tư liệu, suy nghĩ và hoàn chỉnh những kiến giải cần thiết về vấn đề rất “nóng” mà không chỉ dân tộc ta đang hết sức quan tâm. Cuốn sách dày hơn 368 trang in khổ lớn. Kênh chữ và kênh hình tương đương nhau. Tư liệu sách báo hết sức dồi dào, của cả trong nước và nhiều nước trên thế giới, từ 5-7 thế kỷ trước cũng như của hôm nay.

Theo GS Nguyễn Đình Đầu, nếu sưu tầm đầy đủ ở mọi quốc gia số bản đồ về biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa phải đạt tới đơn vị ngàn. Bằng công sức cá nhân, nhà nghiên cứu họ Nguyễn có được hơn 200 bức của Việt Nam từ đầu thời Hậu Lê (Hồng Đức bản đồ) đến đầu triều Nguyễn (Đại Nam nhất thống toàn đồ).

Thật là quý, khi ông cho công bố cả những bản đồ của Mateo Ricci (Ý, năm 1602), Alexandre de Rhodes (Pháp, 1650), giám mục Taberd (1838). Thật là thú vị, khi ông giới thiệu với người đọc cả các bức bản đồ của những học giả Trung Quốc đứng đắn như Ngụy Nguyên (Hải quốc đồ chí, 1842), hoặc bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do NXB Thượng Hải in năm 1904... Những bản đồ ấy hoàn toàn không có Hoàng Sa - Trường Sa và đều ghi rõ đảo Hải Nam là giới hạn cuối cùng của Trung Quốc ở phía Nam, đúng với thực tế lịch sử và hoàn toàn thống nhất với bản đồ Trung Quốc trước đó của nhiều nhà bản đồ học phương Tây.

Đặc biệt hơn nữa, GS Nguyễn Đình Đầu đã cho in cả tấm bản đồ Sinae propriae (Trung Hoa riêng biệt) do nhà bản đồ học người Pháp Jean Baptiste Bourguignon (1697-1782) thực hiện năm 1735 và do một nhà xuất bản Đức ấn hành. Bản đồ cũng ghi rõ: đảo Hải Nam là tận cùng phía Nam của Trung Hoa. Chúng ta đều biết, ngày 28-3-2014, Thủ tướng Đức đã tặng Chủ tịch Trung Quốc tấm bản đồ cổ này.

Bước sang năm 2015, GS Nguyễn Đình Đầu đã tròn 95 tuổi. Theo cách tính dân tộc thì ông đã 96 tuổi - có thể coi là đại thọ - nhưng tôi lại muốn nương theo ý thơ của nhà thơ Hồ Chí Minh, chỉ xin phép đổi một từ “96 tuổi vẫn còn xuân chán” để hợp với người tri kỷ Nguyễn Đình Đầu. Theo thời gian, đương nhiên sức ông có thể giảm nhưng trí lực còn minh mẫn lắm, tình cảm dân tộc còn sâu nặng lắm, khát vọng cống hiến còn sục sôi lắm. Tôi tin chúng ta sẽ còn được đọc nhiều bài viết chất lượng cao của nhà học giả khả kính Nguyễn Đình Đầu.

 

Tặng nhà nước “kho báu”

Cách đây không lâu, có người lạ đến gặp GS Nguyễn Đình Đầu, đề nghị được mua số bản đồ mà ông đã sưu tầm và đang bảo quản. Giá cả bao nhiêu cũng được, tùy ông quyết định. Nhà học giả lão thành đã mỉm cười, lịch sự cám ơn và từ chối. Sau đó (năm 2013), ông đã quyết định tặng lại Bộ Ngoại giao gần như toàn bộ kho báu đó.

Tôi có may mắn được dự buổi họp mặt do Sở Ngoại vụ TP HCM tổ chức để trân trọng trao tặng bằng khen của Bộ Ngoại giao cho học giả Nguyễn Đình Đầu.

 

Kiên nhẫn và thận trọng

Nhiều năm gắn bó thân quen, mỗi lần đọc bài viết của Nguyễn Đình Đầu, tôi hình dung ra phong cách làm việc của ông: kiên nhẫn và thận trọng. Sự kiên nhẫn kỳ lạ của người bộ hành cô đơn trên - con - đường - thiên - lý - học - thuật và sự thận trọng trong mọi khâu từ ý tưởng ban đầu đến tổ chức bài viết, sắp xếp luận điểm, chọn lọc luận chứng. Hãy nói riêng đến khâu tư liệu, với ông phải là tư liệu gốc chứ không thể “nói dựa”, “ăn theo”...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo