Công tác này đã được triển khai đến từng trường và giáo viên chủ nhiệm sẽ có trách nhiệm theo dõi học sinh qua Facebook nhằm ngăn chặn những tiêu cực không đáng có và phát huy những thế mạnh của trang mạng xã hội này mang lại trong việc dạy và học.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ có trách nhiệm theo dõi học sinh qua Facebook
Ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn, cho rằng học sinh hiện nay tiếp xúc với công nghệ thông tin rất sớm và đặc biệt là tham gia các trang mạng xã hội, game online. “Tác động của game online thì đã quá rõ còn việc nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội không đúng mục đích, gây nên những điều đáng tiếc thì cần phải quản lý chặt” - ông Hồng nói. Theo ông Hồng, ngành giáo dục không thể cấm học sinh sử dụng mạng xã hội và game online vì ngoài giờ học, các em còn thời gian ở nhà. Do đó, cần phải trang bị cho giáo viên sử dụng và quản lý học sinh qua Facebook bởi hiện nhiều giáo viên vẫn chưa hề tham gia Facebook.
Theo ông Trần Tân, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn), nếu không có sự giám sát chặt của giáo viên sẽ gây ra nhiều phiền toái khi học sinh sử dụng mạng xã hội. Việc quản lý học sinh qua Facebook sẽ giúp giáo viên và nhà trường có nhiều kênh để theo dõi học sinh hơn. Giáo viên phải nhanh chóng tiếp cận với phương pháp này và phải xem đây là nhiệm vụ, nghiệp vụ và là kỹ năng sư phạm mới mẻ nhất.
Ông Nguyễn Tiến Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa, cho hay nhà trường đã tuyên truyền cho giáo viên chủ nhiệm và bộ môn cách giáo dục học sinh qua Facebook đồng thời lập tổ tham vấn riêng để có những định hướng tích cực. Ông Hiệp cho rằng việc quản lý học sinh qua Facebook sẽ được kết hợp với trao đổi chuyên môn, học tập, tạo điều kiện cho học sinh trong trường giao lưu, học hỏi. Nhà trường đã lập ra các nhóm của từng bộ môn như toán, ngoại ngữ,… để học sinh có thể đặt câu hỏi, đưa ra những thắc mắc và giáo viên hay các học sinh trội hơn sẽ trả lời, thảo luận. Ngoài ra, nhà trường cũng định hướng cho giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng ngôn ngữ chuẩn tiếng Việt khi tham gia Facebook. Nếu học sinh sử dụng ngôn ngữ không đúng chính tả, giáo viên phải chấn chỉnh ngay để giúp các em tránh lệch chuẩn về ngôn ngữ.
Cô giáo Lê Thị Kim Vân, giáo viên Trường THCS Trần Đại Nghĩa, cho rằng sau một thời gian triển khai việc quản lý học sinh qua Facebook đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. “Cô trò đã có thể hiểu nhau hơn. Mọi chuyển biến tâm lý của học sinh cũng sẽ được phát hiện kịp thời và khắc phục sớm. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm lớp cũng không đơn điệu như trước mà có nhiều điều để bàn luận hơn” - cô Vân nói.
Bình luận (0)