Trong vai hiệu trưởng một trường tiểu học có 1.200 học sinh bán trú, PV liên hệ với các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn TP.HCM để ký hợp đồng.
Suất ăn càng cao, hiệu trưởng càng… “ấm”!
Nghe tôi trình bày mỗi suất ăn gồm trưa và xế của học sinh là 15.000 đồng thì ông V., trưởng bộ phận sản xuất Công ty TNHH Cung cấp thực phẩm V. (Phú Nhuận), bảo phải trích 20% (3.000 đồng) để đóng thuế và chi phí chất đốt, vị chi mỗi suất còn lại 12.000 đồng. “Hằng tháng chúng tôi sẽ gửi hoa hồng cho anh và trường 2,5%-3% trên tổng doanh thu. Nếu doanh thu mỗi tháng là 400 triệu đồng thì anh và trường nhận từ 10 đến 12 triệu đồng” - ông này đề nghị.
Nghe tôi hỏi liệu số tiền mỗi suất ăn còn lại khoảng 11.500 đồng sau khi trừ thêm chi phí vận chuyển, nhân công, nước, khấu hao dụng cụ… có cung cấp đủ dinh dưỡng thì ông V. quả quyết: “Anh yên tâm, chúng tôi đảm bảo vệ sinh lẫn chất lượng”.
Tại cơ sở cung cấp suất ăn GK (Bình Thạnh). Sau vài câu trao đổi, ông P., chủ cơ sở, đặt vấn đề hoa hồng ngay: “Với một phần ăn 15.000 đồng thì tiền dành cho riêng hiệu trưởng là 4%”.
Tôi giả vờ chê ít, đề nghị tăng thêm. Nghe tôi nói sẽ nâng mỗi suất ăn lên 16.000 đồng thì ông P. gút nhanh, gọn: “Nếu vậy tôi trích cho anh và trường mỗi suất 7%, tùy anh chia chác. Tiền sẽ được đưa đầu tháng”.
Nhẩm tính mỗi suất cơm tôi và trường “ăn” trên 1.100 đồng thì với 1.200 suất, một ngày tôi và trường bỏ túi hơn 1.300.000 đồng. Sợ tôi đổi ý, ông P. hứa sẽ tặng mỗi ngày 30 suất cơm cho bảo mẫu, lao công, bảo vệ.
Tôi gọi điện thoại đến cơ sở cung cấp suất ăn PP (Bình Chánh). Cơ sở này trích hoa hồng sộp hơn cả hai cơ sở trên. Với giá mỗi suất ăn là 14.000 đồng, ông H., chủ cơ sở, đề nghị khoản hoa hồng cho hiệu trưởng và trường là 1.000 đồng. Tôi không đồng ý, ông này liền tăng 1.500 đồng. “Anh yên tâm, gặp nhau trao đổi kỹ, nếu muốn tăng thêm hoa hồng cho anh, tôi sẽ tăng” - ông H. nói.
Món tráng miệng vào túi hiệu trưởng
Phải chăng bất kỳ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đều dành phần trăm hoa hồng cho hiệu trưởng để được ký hợp đồng?
PV tiếp tục gọi điện thoại gặp bà H., chủ cơ sở suất ăn công nghiệp K.Kh (Tân Phú). Nghe nói mỗi suất ăn 14.000 đồng, bà H. nói thẳng: “Theo quy luật làm ăn, mỗi suất cơm tôi sẽ trích hoa hồng cho trường 500 đồng, anh cũng 500 đồng”. Khi PV giả vờ chê ít, bà H. gút: “Thôi được, tôi chi cho cả anh và trường mỗi suất ăn là 1.500 đồng. Chia chác sao tùy anh vì chuyện này không ai biết”.
Bà H. còn nói ngoài chung chi cho trường và tôi, bà còn phải tốn chi phí này nọ mỗi suất lên tới 2.000 đồng. “Vị chi mỗi phần cơm chỉ còn 10.500 đồng nên tôi giảm món ăn tráng miệng, chỉ cho ăn món này vào ngày cuối tuần” - bà H. nói.
Cũng trong vai hiệu trưởng, PV gọi điện thoại gặp bà L., chủ cơ sở suất ăn công nghiệp Q. Cơ sở này cung cấp suất ăn cho khá nhiều trường học trên địa bàn quận 12. PV hỏi hoa hồng, bà cho biết: “Hiệu trưởng cao lắm cũng chỉ 7% mỗi suất thôi. Còn chi cho ban giám hiệu, thủ quỹ, kế toán… của trường nữa”.
PV giả vờ đồng ý vì với mỗi suất ăn giá 14.000 đồng, hưởng 7% sẽ được 980 đồng. Với 1.200 suất thì một ngày hiệu trưởng bỏ túi trên 1.170.000 đồng.
Để làm đẹp lòng bà hiệu trưởng một trường tiểu học đông học sinh bán trú đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn quận 12, cơ sở QM nhận hỗ trợ tiền nước uống đóng bình cho các em, đồng thời nhờ bà hiệu trưởng tìm mối giao nước. Cơ sở QM sộp đến mức thanh toán cả tiền nước uống… ảo. Cụ thể, năm học vừa qua, hiệu trưởng trường này kê khống 1.470 bình nước (thực sử dụng 4.000 bình nhưng ghi hóa đơn hơn 5.000 bình) và bỏ túi trên 17.600.000 đồng.
Chưa hết, giá mỗi bình nước chỉ 6.000 đồng nhưng bà hiệu trưởng yêu cầu đơn vị cung cấp nước uống ghi trong hóa đơn là 12.000 đồng. Cuối tháng đơn vị này mang khoản tiền chênh lệch 6.000 đồng/bình trao tận tay bà ta tại nhà riêng.
Năm học vừa qua trường sử dụng gần 4.000 bình nước, vị chi bà hiệu trưởng đã “ẵm” số tiền chênh lệch trên dưới… 24 triệu đồng. Liệu khoản tiền này có bị chủ cơ sở trích trong suất ăn vốn đã ít ỏi của học sinh? |
Bình luận (0)