Phóng viên: Thưa giáo sư, cổ phần hóa (CPH) các trường công lập có phải là bước tiếp theo của việc xã hội hóa giáo dục?
- GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: Trong tổng kết Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa một số lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo không CPH trường học và bệnh viện. Gần đây nhất, kết luận của Bộ Chính trị về 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục, cũng như đề án về đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008-2012 sắp trình Quốc hội cũng không có câu nào về CPH các trường học.
Tôi nghe nói một số cán bộ Bộ Tài chính thanh minh không có chuyện CPH trường học, nhưng trên giấy trắng mực đen rõ ràng không thể hiểu khác được: “CPH các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong lĩnh vực đào tạo” thì chắc chắn phải có trường học hoặc ít nhất là cũng bao gồm trường học.
Xã hội hóa giáo dục khác với CPH. CPH là cách nói khác của tư nhân hóa, dù cũng có trường hợp Nhà nước nắm cổ phần chi phối nhưng cũng chỉ là một cổ đông. Xã hội hóa là nhằm huy động nhiều hơn sự đóng góp của xã hội vào giáo dục, sau một thời gian đã có kết quả nhất định, ít nhất là mặt số lượng. Các trường dân lập từ mầm non đến ĐH đã giải quyết phần nào nhu cầu học tập của người dân.
Nhưng theo tôi, không cần thiết phải có bước tiếp theo là tư nhân hóa các trường học, bởi cần có biện pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mở trường ở VN. Nhưng các trường công vẫn phải đóng vai trò nòng cốt để thực hiện chính sách Nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội. Hiện nay đã có trường tư, tại sao lại phải CPH trường công?
|
Việc CPH các trường có phải là cách thức để nâng cao chất lượng và khả năng tài chính của các trường?
- Không, CPH không thể là con đường để nâng cao chất lượng đào tạo, thậm chí còn làm tệ hại hơn. Đấy là cách làm tăng thêm tài chính của nhà trường nhưng không phải là cách duy nhất. Và cách này là tệ hại nhất. Cứ nhìn vào các trường tư chi thế nào, có mấy ai đầu tư trở lại cho việc nâng cao chất lượng đâu, phần lớn để chia lợi nhuận. Đây là sự khác nhau căn bản giữa các trường hoạt động phi vụ lợi và các trường hoạt động vì lợi nhuận.
Cũng không thể lấy lý do CPH là san bớt gánh nặng ngân sách giáo dục được bởi theo tôi, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phúc lợi xã hội, Nhà nước phải gánh vác. Thu thuế và chi cho giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng là công việc cơ bản của Nhà nước, thể hiện trách nhiệm với công dân của mình. Dù là gánh nặng thì Nhà nước vẫn phải gánh.
Trường hợp dứt khoát vẫn phải CPH một số trường học, theo ông, những trường nào có thể chấp nhận việc CPH?
- Theo Luật Giáo dục, các trường bán công phải chuyển đổi sang các loại hình khác, hoặc công lập hoặc ngoài công lập. Nhưng hiện nay, các trường bán công lúng túng trong việc chuyển đổi mô hình, phần lớn nằm ở các địa phương nghèo, nếu CPH thì có tư nhân nào đầu tư vào? Nếu có thì con em nhân dân ở các địa phương đó có được hưởng lợi không.
Đối với các trường nghề, hiện VN mới có 2 loại hình hoặc của Nhà nước hoặc của tư nhân mà chưa có loại hình trường hỗn hợp. Tôi đã tham khảo mô hình trường nghề hỗn hợp tại Liên bang Đức, doanh nghiệp và nhà nước cùng đào tạo. Trong đó doanh nghiệp đầu tư 70%. Học sinh sẽ dành 70% thời gian học tại doanh nghiệp, 30% tại trường. Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp có thể cập nhật tất cả các kiến thức, công nghệ mới và đồng thời doanh nghiệp sẽ chọn luôn những người có trình độ phù hợp cho mình.
Nhưng mô hình này thì mục tiêu cũng không nhằm kinh doanh?
- Đúng vậy! Cách làm này nhằm phân luồng học sinh sau THCS và để gắn kết đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội, với thị trường lao động. Tự thân thị trường sẽ tác động ngược lại để đổi mới nội dung chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo. Đây chỉ là một gợi ý trong trường hợp cực chẳng đã phải CPH các trường học.
Đã đến lúc Bộ Tài chính phải lên tiếng trên báo chí. Hiện nay dư luận bàn tán rất nhiều, trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải giải thích. Nếu không, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội tới xem có đúng là CPH trường học không, định đưa các trường đi đến đâu?
Nguyện vọng của ai?
|
Bình luận (0)