xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

SGK điện tử: Sai lầm!

ĐẶNG TRINH - HUY LÂN

Đề án sách giáo khoa điện tử dự tính triển khai trên 300.000 học sinh tiểu học tại TP HCM đưa ra nhiều chi tiết phi lý đến khó tin. Nhiều ý kiến cho rằng trong đề án không thấy cái tâm, cái tầm của người làm giáo dục

Đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cùng các đơn vị phối hợp thực hiện đưa ra hàng loạt tính toán về kinh phí, cách thức tổ chức thực hiện… nhưng cốt lõi của một đề án về giáo dục là ý tưởng, mục tiêu giáo dục lại không được đề cập.

Nhiều khoản “trời ơi”

Đề án có nhiều chi tiết hết sức vô lý. Một chuyên gia về giáo dục phân tích vô lý ở chỗ giáo viên là người trực tiếp đứng lớp, giảng dạy mới chính là những người cần được bồi dưỡng, tập huấn nhưng đề án lại nêu rõ: Chọn các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản để bồi dưỡng… đội ngũ hiệu trưởng trong 4 tuần với kinh phí 250 triệu đồng/người/khóa học. Trong khi đó, hiệu phó và giáo viên trực tiếp giảng dạy thì bồi dưỡng tại chỗ bằng nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị, đồng nghĩa khi phụ huynh cho con đi học, ngoài trang bị máy tính bảng thì phải đóng luôn tiền mua sắm các bộ thiết bị và tiền để giáo viên được bồi dưỡng.

Thuyết trình về sách giáo khoa điện tử tại hội thảo về chủ đề này được Sở GD-ĐT tổ chức ngày 18-8                                                            Ảnh: MINH TRUNG

Thuyết trình về sách giáo khoa điện tử tại hội thảo về chủ đề này được Sở GD-ĐT tổ chức ngày 18-8

Ảnh: MINH TRUNG

Ngoài ra, đề án về SGK điện tử nhưng lại lấn sân, tổ chức bồi dưỡng thêm giáo viên dạy tiếng Anh trong nước theo hình thức mời giáo viên bản ngữ đào tạo thời hạn 3 tháng, chi phí 55 triệu đồng/người/giáo viên.

Đề án cũng “đẻ” ra rất nhiều khoản dùng ngân sách để chi trả như hỗ trợ giáo viên mỗi người 1 máy tính, trị giá hơn 16 triệu đồng, lắp camera quan sát lớp học, trong khi nhiều giáo viên cho là không cần thiết. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết đề án đưa ra cần làm rõ các khoản tiền trang bị cho lớp học như hệ thống âm thanh, bảng viết. Bên cạnh đó, đề án có nhất thiết phải trang bị cho mỗi giáo viên 1 máy tính hay không.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho rằng dường như những người làm đề án này có suy nghĩ là cứ chi nhiều tiền là sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục mà không thấy được rằng đề án này tốn kém và không có khả năng nhân rộng. Cái chính là SGK điện tử có nâng cao được chất lượng giáo dục hơn là SGK và cách dạy học truyền thống? Điều này không thấy những người soạn thảo đề án đưa ra.

“Đề án không có những cơ sở về mặt pháp lý và không có cơ sở khoa học, tôi coi việc họ dẫn những căn cứ ra chỉ nhằm bảo vệ cho đề án mà thôi. Lướt qua đề án, tôi chỉ thấy đó là sự đua đòi, bắt chước một bộ phận khá giả chứ không thấy cái tâm, cái tầm của người làm giáo dục”- PGS Tống bức xúc.

TS Nguyễn Cam, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học - Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thổ lộ rằng ông ngạc nhiên khi Sở GD-ĐT đưa ra đề án SGK điện tử cho học sinh lớp 1, 2, 3 một cách vội vàng. “Trong đề án thí điểm này, Sở GD-ĐT đã không đưa ra được bất kỳ cơ sở khoa học nào nhưng tác hại của nó về mặt sức khỏe thì ai cũng thấy trước được khi học sinh tiếp cận nhiều với màn hình điện tử của máy tính bảng. Sẽ là hoàn toàn sai lầm khi cả giờ học, học sinh chỉ sử dụng máy tính bảng và tôi có cảm nhận là họ làm tay ngang” - TS Cam lo ngại.

Không vì giáo dục thì đừng triển khai

Ông Lê Hùng Sen, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, cho biết xem mẫu một lớp học thông minh tại Hàn Quốc, trong đó học sinh sử dụng SGK điện tử thì ông mê lắm nhưng nghĩ đến số tiền nhiều hàng ngàn tỉ đồng, ông rất ngại. Ông Sen cho biết nếu đề án được thông qua, huyện cũng chỉ dám triển khai ở một số trường, mỗi trường vài lớp, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm, lấy ý kiến phụ huynh. “Nếu có thí điểm triển khai cũng chỉ làm ở những trường chuẩn quốc gia nhưng lo ngại nhất là những giáo viên lớn tuổi, thuyết phục họ và để họ rành về công nghệ không phải chuyện dễ” - ông Sen nói.

Hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP HCM cho biết ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, họ cũng không làm như đề án. Ở Singapore, Bộ GD-ĐT Singapore sẽ thẩm định, cấp phép nhiều bộ SGK, sau đó đưa lên mạng của bộ. Giáo viên biên soạn bài giảng theo từng chủ đề để truyền tải đến học sinh. Học sinh dựa vào chủ đề đó và dùng iPad như là công cụ hỗ trợ tìm dữ liệu để thuyết trình. Học sinh 8 tuổi trở lên mới được sử dụng vài giờ/ngày, còn học sinh lớp 1 hầu như không sử dụng.

Theo vị hiệu trưởng này, ở nước ngoài có điều kiện dạy học tốt hơn, phụ huynh đầu tư cho con cũng tốt hơn nhưng họ xem công nghệ cũng chỉ là phương tiện dạy học. “Đề án mà sở vừa công bố chỉ đề cao về công nghệ, hướng phụ huynh quan tâm vào chuyện cái máy tính bảng, giá thành… như vậy rất nguy hiểm vì giá thành có thể giảm, kể cả có giảm nhiều thì nhà cung cấp vẫn có lời” - vị hiệu trưởng này nói.

Các chuyên gia cho rằng nhiều quốc gia đã hạn chế thấp nhất việc cho trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ vì giao tiếp giữa người và người hiện nay đã rất yếu. Nếu tuyệt đối hóa công nghệ thông tin thì sớm muộn gì trẻ cũng đắm chìm trong đó. Một dự án giáo dục không phải xuất phát từ ý tưởng giáo dục thì không thể triển khai.

Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo về đề án

Liên quan đến đề án SGK điện tử của Sở GD-ĐT TP HCM, chiều 21-8, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho biết việc thực hiện đổi mới giáo dục có thể có những nghiên cứu, thực nghiệm đi trước một bước nhưng việc thực nghiệm bất cứ nội dung nào cũng phải có được sự đồng tình của phụ huynh và các cấp có thẩm quyền cho phép. “Đề án này liên quan đến SGK, nhất thiết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT và UBND TP HCM” - ông Định nói.

Ông Định cũng cho biết hiện nay, Sở GD-ĐT TP mới xây dựng đề án và đưa ra hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, phụ huynh học sinh cũng như xã hội. Nếu đề án này tác động tích cực, hiệu quả, có tính khả thi thì Sở GD-ĐT TP sẽ xin phép UBND TP và Bộ GD-ĐT để thực hiện. Nếu không hiệu quả, không nhận được đồng tình thì sẽ bị dừng lại.

“Vì Sở GD-ĐT TP HCM chưa báo cáo, chúng tôi cũng chưa nhận được đề án nên Bộ GD-ĐT chưa có ý kiến về việc này” - ông Định cho biết. Vị này cũng cho biết lãnh đạo Bộ GD-ĐT ngày 20-8 đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP báo cáo về đề án này.

Trước câu hỏi của các phóng viên về những đánh giá xung quanh đề án gây sốc của Sở GD-ĐT TP, ông Định từ chối trả lời và cho rằng cần phải có thông tin cụ thể mới có thể đánh giá được chính xác. Trả lời câu hỏi đã có địa phương nào tiếp theo dự kiến áp dụng phương pháp này, ông Phạm Ngọc Định cho biết: “Chưa có địa phương nào mà nếu có nơi nào dự định lựa chọn phương pháp này thì sau những phản hồi vừa qua chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại”.

Khẳng định một lần nữa rằng đề án này chưa thể áp dụng được ngay, ông Phạm Ngọc Định nói đây là đề án liên quan đến SGK, kinh phí nên không thể thực hiện một cách đơn giản, người dân có thể yên tâm là không bị áp đặt. “Đề án còn phải xin phép, qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt, quan trọng nhất là phụ huynh có đồng tình hay không vì liên quan đến túi tiền của họ” - ông Định khẳng định.

Y.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo