Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết năm nay học sinh TP HCM được nghỉ dài hơi, từ 15 đến 16 ngày, số ngày nghỉ quá nhiều, sau Tết sẽ bắt đầu học kỳ mới, nên các em sẽ quên kiến thức, thầy cô cho bài tập về nhà dịp này cũng là để củng cố kiến thức cho các em.
Theo cô Vân, tại trường phần lớn giáo viên sẽ không ra bài tập Tết, nếu có thầy cô ra bài tập thì cũng chỉ ở mức luyện tập cho học trò, khi đi học lại sẽ không bị quên bài. "Nếu như môn nào thầy cô cũng cho bài về nhà thì học sinh sẽ bị quá tải, lượng bài tập quá nhiều, dồn dập, học sinh sẽ không đủ thời gian giải bài, thời gian dành cho gia đình. Học trò cũng cần có lúc học, lúc nghỉ ngơi" – cô Vân nói thêm.
Được biết, khi họp liên tịch lãnh đạo Trường THPT Gia Định đã có định hướng cho giáo viên nên giao bài tập dịp Tết nhẹ nhàng với học sinh, không gây ấp lực, giáo viên sẽ tự ý thức đều chỉnh sao cho phù hợp. Không nên chấm điểm quá gắt gao với bài tập Tết, cũng không tạo áp lực điểm số cho các em. Cho bài tập nhiều quá và quá khó thì học sinh sẽ chẳng nghỉ ngơi được gì, như vậy rất có thể sẽ biến dịp Tết thành nỗi "ám ảnh" với học sinh. Ai cũng phải có một khoảng thời gian để tái sản xuất sức lao động.
"Nên giao cho học sinh những bài tập thực tế, tìm hiểu thêm về cuộc sống xung quanh, về những tập tục của Tết cổ truyền. Có thể các em sẽ lên mạng đọc sách, hoặc tìm hiểu về những câu hỏi thực tế của thầy cô sẽ tốt hơn cho học sinh. Nên có sự sáng tạo, đổi mới trong cách giao bài tập Tết, sẽ tạo sự hứng thú hơn cho học sinh" – cô Vân nhận định
Học sinh thích thú với bài tập Tết độc, lạ của giáo viên một trường ở tỉnh Nam Định
Đối với học trò của mình, thầy Nguyễn Đức Tấn, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (quận 1), chỉ nhắc học sinh xem lại những bài đã học chứ không giao bài về Tết. Theo quan điểm của thầy Tấn, giáo viên giao bài tập về nhà dựa trên tinh thần tự giác của các em, và thấy lượng kiến thức đó cần thiết, chứ dọa học sinh, bắt buộc nộp bài tập Tết để lấy điểm chính thức thì sẽ làm học sinh hoang mang, "mất" tết. Giáo viên ra bài tập Tết nên dừng ở tiêu chí, các em sẽ được thưởng, được lì xì, cộng điểm khuyến khích đầu năm mới. Còn nếu giáo viên khó khăn bắt buộc học sinh hoàn thành bài nếu không sẽ cho điểm 0 thì không nên.
Thầy Tấn cho biết, có trường giao bài tập Tết cho các em một bài toán về tính khẩu phần thức ăn, sau đó bắt buộc bố mẹ phải ký tên vào bài làm. Như vậy gây khó chịu cho phụ huynh, gây tâm lý lo sợ cho học sinh, Tết sẽ không còn niềm vui trọn vẹn.
Theo thầy Nguyễn Đức Tấn, nếu giao bài tập về Tết thì nên cho những bài tương tự SGK để học sinh rèn luyện, dĩ nhiên phải có những bài toán khó để học sinh khá giỏi tìm kiếm, suy luận thêm.
Học sinh tại một trường ở quận 5 chia sẻ, sau Tết sẽ có bài kiểm tra môn lý, hóa, nhưng thầy cô cũng không bắt ép học sinh phải học, nếu bạn nào thấy mình thiếu chỗ nào thì ôn tập thêm. Tết là thời gian duy nhất trong năm cả gia đình được bên nhau, nên để học sinh có cái tết trọn vẹn bên gia đình.
Bình luận (0)