xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thần đồng văn học

VU GIA

Cứ cho rằng Nguyễn Bình vào mạng “kéo” tất tần tật những kiến thức của nhân loại xuống rồi ghép lại thành một câu chuyện hấp dẫn như Cuộc chiến với hành tinh Fantom, đối với một cậu bé 9 tuổi đã là quá giỏi

Ngày 16-12-2011, Nguyễn Bình tròn 10 tuổi. Nếu con trai tôi chịu lập gia đình sớm thì cháu nội tôi cũng cỡ tuổi như Bình. Nhưng ở bài viết này, tôi xem Bình là một đồng nghiệp, vì cháu là tác giả của một tập sách đầy đặn về số trang lẫn nội dung: Cuộc chiến với hành tinh Fantom, do NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng vừa ấn hành.

Duyên khởi

Gặp nhau ở TPHCM, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị tôi tìm đọc Nguyễn Bình xem thử có giống suy nghĩ của anh không. Mới đầu, tôi tưởng đó là hồi ký của vị tướng nổi danh một thời ở Nam Bộ nhưng Trần Đăng Khoa cải chính: “Nguyễn Bình là một cậu bé đặc biệt!”. Thấy tôi chưa mấy hiểu, Khoa kể cho tôi nghe về Nguyễn Bình, con trai út của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa.

img

Nguyễn Bình dịch phụ đề phim tài liệu về người ngoài hành tinh. Ảnh: TRẦN ĐĂNG KHOA

Nguyễn Bình biết nói rành rọt từ khi mới mười mấy tháng tuổi; 3 tuổi đã đọc thông biết thạo và đã biết làm quen với máy vi tính, điện thoại di động; 4 tuổi đã biết nhắn tin cho bố mua cuốn từ điển Hán - Việt… “Nó còn tự học cả tiếng Anh mới khiếp chứ! Chiếc máy vi tính là ông thầy lớn của nó. Tớ chả biết trình độ tiếng Anh của Bình tới đâu mà nó dịch cả phim nữa kia. Hôm nào về, tớ gửi vào cho bác mấy cái phim nó download trên mạng xuống rồi dịch và thuyết minh. Tớ xem phim, nghe lời thoại và thấy hay. Thế là giỏi, bác ạ” - Trần Đăng Khoa thán phục.

Tôi hứa sáng mai đi mua cuốn Cuộc chiến với hành tinh Fantom và sẽ có ý kiến ngay. Lúc ấy, anh Nguyễn Hòa đến (Nguyễn Hòa và Trần Đăng Khoa cùng dự hội thảo ở TPHCM). Anh liền gọi xe ôm ra nhà sách mang về cuốn sách của con còn thơm mùi mực in và “Thay mặt cháu tặng bác Vu Gia”. Nói theo nhà Phật, đây là duyên khởi. Nhìn số lượng phát hành 5.000 cuốn, những người cầm bút trên đất nước này không ai không thèm.

Rất đáng trân trọng

Con cái là tương lai của cha mẹ nên tôi không chỉ trân trọng đón nhận tác phẩm đầu tay của đồng nghiệp nhỏ tuổi mà còn trân trọng đón nhận cả niềm vui làm cha của anh Nguyễn Hòa. Cháu Bình phát tiết anh hoa khi mới vài ba tuổi mà đến nay người ta mới biết đến, đủ thấy anh nén niềm vui ấy lâu lắm.

Đọc xong hơn 170 trang sách (khổ 13 x 20 cm), tôi thấy Nguyễn Bình dẫn dắt người đọc hết đi từ Hy Lạp đến Mỹ rồi sang Ý với những chi tiết hấp dẫn. Tên người, tên đất rất cụ thể và rất đúng. Nguyễn Bình dịch từ truyện nước ngoài ư? Nếu đây là bản dịch thì cũng là bản dịch hay. Nếu chuyển ngữ (hoặc phóng tác) mà diễn đạt như thế, không phải ai giỏi ngoại ngữ cũng làm được.

Bất đắc dĩ quá chúng tôi mới dùng máy bay. Từ lúc đi đến giờ, duy nhất một lần tôi đi tàu thủy, còn lại là máy bay. Chỉ tại mấy đứa bạn tôi. Tôi đã định đi tàu điện ngầm từ Greenland về mà bọn nó cứ khăng khăng nói rằng đi máy bay thích hơn. Mà cũng chỉ tại hết vé tàu điện ngầm, chứ không tôi cũng đi tàu điện ngầm từ lâu rồi!

“Này Frank! Ngẫm nghĩ gì thế?” – Philippe hỏi.

Tôi mặc kệ cậu ta, đẩy cái ghế về phía sau và nằm ngủ. Ánh trăng chiếu rọi vào chiếc máy bay, giống cái cảnh chiếc trực thăng Apache bị ánh sáng của mặt trăng chiếu trực tiếp vào” (trang 114).

Với cái tên Frank, Nguyễn Bình “giới thiệu” cũng khá thú vị: Tôi tên là Frank William Wells. Bạn biết không, tôi đã từng rất ghét cái tên của mình. Tại sao không phải là Harry như Harry Potter, George như George Washington, Christopher như Christopher Colombus mà lại là Frank, một cái tên cũng chẳng có gì đặc biệt? Tôi đã nhiều lần nài nỉ bố mẹ cho đổi tên, nhưng bố mẹ không chịu, vì bố là fan cuồng nhiệt của cầu thủ bóng đá người Anh Frank Lampard.
img

“Thần đồng” Nguyễn Bình (giữa - hàng đầu) giao lưu với độc giả tại TPHCM mới đây. Ảnh: TRẦN ĐĂNG KHOA

Còn mẹ luôn mơ ước tôi trở thành một người vĩ đại như tổng thống Franklin D. Roosevelt. Làm người lãnh đạo thì cũng sướng thật, (như hiện tại tôi cũng là thủ lĩnh này) nhưng lý do lớn nhất khiến tôi không ưa được cái tên Frank là vì nó làm tôi liên tưởng tới con quái vật Frankenstein. Tôi xem bộ phim về con quái vật đó năm 4 tuổi, dù chưa hiểu lắm nhưng tôi đã khóc thét lên trong phòng khách khi bộ mặt kinh dị của con quái vật hiện lên trên màn hình.
Mãi mấy năm sau, khi tôi tròn 7 tuổi, lần đầu đặt chân tới thành phố Los Angeles, tôi mới biết mình có cùng tên với kiến trúc sư Mỹ Frank Gehry, người đã thiết kế nhà hát có kiến trúc “kỳ cục” Walt Disney (Walt Disney Concert Hall), nhà hát nơi tôi suýt ngủ gật vì khúc dạo đầu (overture) của vở opera Romeo và Juliet. Từ đó, tôi hài lòng về cái tên của mình và bỏ hẳn ý định đổi tên (trang 18-19).

Cuốn sách này Nguyễn Bình viết từ đầu năm 2011 bằng máy vi tính của mẹ. Là một đứa bé bình thường như mọi đứa trẻ cùng độ tuổi ngày ngày ôm vở tới trường, Nguyễn Bình chỉ viết vào những ngày nghỉ và những lúc cả nhà bận bịu công việc. Người nhà thấy Bình ngồi vào máy không chơi game là vui rồi, chẳng ai quan tâm cu cậu làm gì. Đến lúc nhận bản thảo (Nguyễn Bình tự dàn trang và minh họa ra dáng một cuốn sách), anh Nguyễn Hòa mới ngớ người và cũng… không hiểu gì, bèn nhờ bạn bè đọc giúp, trong đó có cựu thần đồng Trần Đăng Khoa.

Không có gì khiên cưỡng

Với cách dựng truyện như thế, kiến văn như thế…, bản thân tôi không làm được, dù mang tiếng xuất bản gần 30 đầu sách, trong đó có nhiều sách biên khảo. Cứ cho rằng Nguyễn Bình vào mạng “kéo” tất tần tật những kiến thức của nhân loại xuống rồi ghép lại thành một câu chuyện hấp dẫn như Cuộc chiến với hành tinh Fantom, thế cũng là quá giỏi.
Chỉ cần cóp nhặt kiến thức để giới thiệu bản thân mình như đoạn trích ở trên, với tôi đã là giỏi lắm. Một luận văn thạc sĩ, về cơ bản chỉ yêu cầu học viên biết được cách tổng hợp và phân tích tư liệu cần thiết cho đề tài để chuẩn bị bước đường kế tiếp (nếu muốn), chứ đâu cần phải có độc sáng như yêu cầu của luận án tiến sĩ. Do đó, gọi Nguyễn Bình là thần đồng văn học cũng không có gì khiên cưỡng.

Đây mới là tập 1 của nhiều tập trong Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Những nhân vật người trái đất như Frank William Wells, Michael John Henderson, George Abraham Carroll, Sarah Margaret Adams, Nguyễn Bình đều cho sinh vào năm 2005, với địa chỉ và sở thích cụ thể. Người ở hành tinh Bóng Ma như Bejeweled, Cakkatge, Nguyễn Bình cho sinh vào khoảng năm 1940, với sở thích và kỷ lục khá hấp dẫn:

Sở thích của Bejeweled: “Lừa đảo (bằng chứng: từng bảo nhóm Earth tới Greenland chẳng vì mục đích gì); xâm chiếm một hành tinh có sự sống ở một thiên hà khác; những thứ trong truyền thuyết, ví dụ Chén Thánh và Hòm Giao Ước (đã từng nói: Nếu ta chiếm được Trái đất, ta sẽ bắt loài người các ngươi tìm đầy đủ những vật truyền thuyết đó cho ta, cộng với việc giao nộp hết tất cả số vàng bạc mà các người sở hữu từ buổi bình minh tới nay!); Kỷ lục: Đã từng chiếm được Sao Mộc, hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời và quay trở về thiên hà của hắn với hai bàn tay trắng. Kỷ lục của Cakkratge: Đã từng “bịp bợm” người Trái đất hết mức có thể bằng cách trở về quá khứ và gây ra vụ đụng độ UFO ở Roswll, New Mexico năm 1947” (trang 13)…

Cách lập lý lịch trích ngang này, tôi thấy Nhất Linh cũng thực hiện trong truyện dài Xóm Cầu Mới cách nay hơn nửa thế kỷ. Thế nhưng, tôi tin Nguyễn Bình không biết Nhất Linh là ai.

“Những cuộc khám phá cùng những trận chiến xảy ra ở địa chỉ cụ thể, với một thời gian cũng rất cụ thể là năm 2015. Nghĩa là chỉ còn 4 năm nữa thôi. Điều này rất thú vị nhưng cũng thật bất lợi cho tác giả. Nhưng như thế mới là Nguyễn Bình” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

9 tuổi sao viết được như thế?

Trần Đăng Khoa cho rằng Nguyễn Bình có “vong” nhà văn nước ngoài nào đó nhập, chứ làm sao đứa bé 9 tuổi viết được như thế? Gợi ý của Trần Đăng Khoa làm tôi phải suy nghĩ. Trong Phật thoại có nói: Dục tri tiền thế nhân/ Kim sinh thụ giả thị (Muốn biết kiếp trước, hãy xem đời sống hiện tại). Vậy anh hoa phát tiết của Nguyễn Bình do tiền kiếp ư?

Thượng tuần tháng 12-2011, nói chuyện với sinh viên ở Hà Nội, GS Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới, cho biết ông tin khi vật chất chết đi, linh hồn vẫn tồn tại nhưng tồn tại ở đâu thì ông không biết, vì ngay cả khoa học cũng không trả lời nổi. Tôi mang chuyện này đến gặp TS - Thượng tọa Thích Đồng Bổn, quyền trụ trì chùa Phật học Xá Lợi - TPHCM. Thượng tọa cho rằng Nguyễn Bình được như vậy là nhờ huân tập từ nhiều kiếp…

Là người cha, nay con cái cũng đã phương trưởng nên tôi rất hy vọng anh Nguyễn Hòa thừa khả năng giúp con mình suy nghĩ và hành động tích cực để cháu thấy vững vàng trong các tình huống gặp phải trên bước đường trưởng thành. Kinh Dịch có nói: Nhược yếu hữu tiền trình, mạc tố một tiền trình (Nếu thật có nẻo trước mặt ta, thì chớ nên làm mất nẻo ấy).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo