xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cụm từ "đào tạo lại" nghe rất đau lòng!

Nhóm PV Giáo dục; Ảnh: Tấn Thạnh

(NLĐO) – Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM - tại hội thảo Tiếp sức hướng nghiệp do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương tổ chức đã diễn ra sáng 17-1.

 

img

Hơn 120 giáo viên làm công tác hướng nghiệp và chủ nhiệm lớp tại các trường THPT ở Bình Dương; các chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh, tâm lý, nghiên cứu thị trường lao động, doanh nghiệp… sẽ cùng trao đổi, chia sẻ công tác hướng nghiệp; đưa ra những tri thức, kỹ năng cần có đối với người làm công tác hướng nghiệp, cung cấp những trắc nghiệm cần thiết trong lựa chọn ngành nghề; nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2015, để đành giá sự ảnh hưởng đối với công tác hướng nghiệp; phân tích xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh tại tỉnh Bình Dương…

img

Chương trình được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động Online từ 8 giờ ngày 17-1.

Trước đó, ngày 10-1, hội thảo Tiếp sức hướng nghiệp 2016 đã được tổ chức tại TP HCM, là chuỗi hoạt động khởi đầu cho chương trinh Đưa trường học đến thí sinh lần thứ 15-2016 do Báo Người Lao Động tổ chức (chính thức bắt đầu từ ngày 23-1).

Chuyên gia tham gia chương trình gồm:

- TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM

- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM

- TS tâm lý Lê Thị Linh Trang, Học viện Cán bộ Thành phố TPHCM

- TS Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình

Khách mời chương trình: Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương; Ông Lê Thanh Tùng - Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH tỉnh Bình Dương. Đại diện Trường ĐH Kinh tế Kỹ Thuật Bình Dương có TS Lê Bích Phương – Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu Trưởng nhà trường; Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; Doanh nghiệp: đại diện Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank.

Lúc 8 giờ: Chương trình văn nghệ của Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương.

img

Người dẫn chương trình - ThS Dạ Thy

Người dẫn chương trình - ThS Dạ Thy

8 giờ 30, Ông Nguyễn Văn Tín – Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động gửi lời cảm ơn chân thành đến sự có mặt của quý vị đại biểu, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp, đặc biệt thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp đến từ vùng xa… Ông Tín cho biết sau khi tham gia nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh, ông nhận thấy nhiều thầy cô giáo còn lúng túng trong công tác triển khai hướng nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Bộ GD-ĐT thay đổi chính sách thi cử. Ông hy vọng chương trình sẽ hâm nóng những vấn đề về hướng nghiệp, thực trạng của tỉnh, định hướng trong thời gian tới và đưa ra những giải pháp thích hợp. Ông hy vọng các thầy cô giáo mạnh dạn đưa ra ý kiến, đồng thời các doanh nghiệp cũng lên tiếng về yêu cầu nhân lực hiện tại.


Ông Nguyễn Văn Tín - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động

Ông Nguyễn Văn Tín - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động

Lúc 8 giờ 45: Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương: Về đặc điểm tình hình chung, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó, nguồn nhân lực phải dồi dào nhằm đáp ứng nền kinh tế đang phát triển mạnh. Tỉnh thực hiện chủ trương tư vấn, hướng nghiệp đào tạo nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT và chọn ngành, nghề phù hợp nhu cầu góp phần giải quyết nguồn lao động cho các khu công nghiệp. Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương hy vọng chương trình sẽ cung cấp kiến thức cho các cho các giáo viên trong công tác hướng nghiệp, giúp học sinh chọn ngành, nghề đúng đắn.

img

Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương

Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương

Ông Nam lời cảm ơn Báo Người Lao Động, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương phối hợp tổ chức, các đại biểu, doanh nghiệp… đã nhiệt tình tham gia.

8 giờ 50: TS Lê Bích Phương – Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu Trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, cho biết trường đào tạo nguồn nhân lực đa hệ, đa ngành, ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.. Qua nhiều năm hoạt động, công tác hướng nghiệp tuyển sinh của trường ngày càng được đẩy mạnh. Bà Phương hy vọng chương trình sẽ đưa thông tin và các nguồn dữ liệu 2016 đến thí sinh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương sẵn sàng đón tiếp học sinh khi trúng tuyển, đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra không thua kém các trường khác, đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng, có kỹ năng sống, giải quyết các vấn đề phát sinh chuyên ngành…

img

TS Lê Bích Phương – Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu Trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương

TS Lê Bích Phương – Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu Trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương

 

9 giờ: Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH tỉnh Bình Dương - cho biết: Về quy mô phát triển các trường chuyên nghiệp, địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 18 đơn vị gồm 18 trường ĐH, 1 trường CĐ, 9 trường trung cấp chuyên nghiệp. Ngoài những thuận lợi như nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, Sở GD-ĐT, UBND tỉnh… , sở triển khai, hướng dẫn chỉ đạo tới các cơ sở giáo dục về công tác hướng nghiệp sau THCS và THPT… tình trạng công tác hướng nghiệp tại tỉnh gặp những khó khăn như: Nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đúng mức, chưa có sự phối hợp và huy động tất cả các lực lượng xã hội tham gia; thông tin thị trường lao động ở tỉnh còn hạn chế, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông còn thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp và nhu cầu ngành nghề ở các khu công nghiệp, các trường phổ thông chưa làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, chưa tăng tiết giảng hoặc ngoại khóa, cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trường trung cấp, CĐ, ĐH, gia đình, học sinh chưa nhận thức tầm quan trọng việc chọn ngành, nghề phù hợp năng lực, điều kiện bản thân, nhu cầu xã hội…

Vượt qua những khó khăn nêu trên, thời gian qua, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục thực hiện công tác hướng nghiệp tại các trường THCS và THPT đạt hiệu quả cao. Từ đó, Sở GD-ĐT đề xuất các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. THCS, THPT có sự phối hợp trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho cả học sinh và phụ huynh thường xuyên, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo phối hộ cựu học sinh đã có việc làm, phụ huynh học sinh và doanh nghiệp, từ đó giúp học sinh chọn ngành, chọn trường đúng đắn… Đối với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Dương kiến nghị bộ nên có mã ngành đào tạo giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong các ngành đào tạo khối sư phạm, tăng cường chế độ chính sách đối với người làm công tác hướng nghiệp, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nghề nghiệp…

9 giờ 15: TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM, hiện nay các hình thức tổ chức  tư vấn hướng nghiệp rất phong phú, gồm: Qua báo, đài, ngày hội, online... Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo phàn nàn việc tư vấn hướng nghiệp hiện nay sợ bị biến tướng thành quảng cáo tuyển sinh. Vì thế, vai trò của thầy cô giáo làm công tác tư vấn cực kỳ quan trọng, vì hạn chế bớt những thông tin nhiễu trước khi đến với thí sinh. Vậy để hạn chế những thông tin nhiễu thì các thầy, cô làm công tác tư vấn phải làm gì? Đó là nắm những yêu cầu đầu vào của các trường để nắm các thông tin. Ngoài ra, các trường ĐH mới chỉ nói được 1 phần, cơ hội đầu ra thì các doanh nghiệp sẽ có đánh giá chính xác nhất.

img

 


 TS Nguyễn Quốc Chính -  Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM

 TS Nguyễn Quốc Chính -  Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM

Những chương trình ý nghĩa như Tiếp sức hướng nghiệp trong chuỗi Đưa trường học đến thí sinh do Báo Người Lao Động tổ chức chính là kênh chọn lọc, hạn chế những thông tin "nhiễu" đến với thí sinh.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, đối với công tác hướng nghiệp, nếu chỉ làm các hoạt động gần kỳ thi chỉ là góp phần trong khi tư vấn hướng nghiệp là cả một quá trình. Tốt nhất là thực hiện từ lớp 6, còn khoa học hơn nữa là từ lớp 1. Trong khi đó, hiện nay đối tượng tư vấn thường là học sinh lớp 12

TS Nguyễn Quốc Chính cũng khái quát về kỳ thi THPT Quốc gia 2015 như sau. Đánh giá về kỳ thi: Có những ưu điểm như đánh giá được năng lực thí sinh, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chấp nhận được. Tuyển sinh ĐH, tạo nhiều thuận lợi cho các trường ĐH tuyển sinh được thí sinh. Năm 2015, công tác tuyển sinh tốt hơn năm 2014. Tuy nhiên, có những hạn chế như đợt xét tuyển thứ 1 quá dài, tạo ra tâm lý bất ổn, nhiều người so sánh việc xét tuyển như một sàn chứng khoán. Có 8,7% số thí sinh thay đổi nguyện vọng, tập trung ở 1 số điểm, 1 số ngành, một số trường. Kinh phí nhà nước tiết kiệm được 315 tỉ đồng, số thí sinh bị kỷ luật tăng lên chứng tỏ kỷ luật không bị buông lỏng; Đề thi: Giúp đánh giá năng lực thí sinh, giúp cho trường ĐH tuyển sinh được.

img

Tuy nhiên, chủ trương tạo tối đa điều kiện cho thí sinh đã phá vỡ đi định hướng của thí sinh với ý nghĩ phải có một chỗ học ĐH. Vì thí sinh dung NV4 để tạm trú 1 trường ĐH nào đó sau đó có khả năng sẽ thi lại. Đề thi năm 2015 được đánh giá là dễ vì nó phục vụ hai mục đích. Năm 2015, điểm trúng tuyển của thí sinh vào các trường ĐH cao hơn những năm khác.

TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, một sự thay đổi của quy chế ảnh hưởng đến rất nhiều điều khác, nhất là việc tư vấn hướng nghiệp. Xu hướng kỳ thi năm 2016: Kỳ thi THPT Quốc gia hầu như không thay đổi, chỉ thay đổi phương án xét tuyển, chủ trương của bộ là mở rộng quyền tự chủ cho các trường.

10 giờ: TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - cho biết 60% sinh viên tốt nghiệp cần được đào tạo bổ sung, đào tạo tiếp tục.

Theo TS Lý, các dạng sai lầm khi học sinh chọn nghề gồm:

1. Chọn nghề sai lầm: Thí sinh cứ tưởng mình phù hợp nhưng thích chưa hẵn đã hợp. Một người có năng khiếu về nghệ thuật lại chọn ngành kế toán, nhảy múa với các con số, trong khi một người, lẽ ra họ là một kế toán trưởng giỏi lại thích trở thành người nổi tiếng: Muốn làm diễn viên nhưng lại hay hay mắc cỡ, muốn làm MC nhưng lại nói ngọng, cà lăm…; 1 người thiên hướng nghệ thuật, lại học ngành y (nhân y, thú y) sẽ rất nguy hiểm cho đối tượng…Cần xem lại cái gốc: Mình là ai? Mình phù hợp nghề gì chứ không phải thích gì?


TS Trần Đình Lý

TS Trần Đình Lý

 


TS Trần Đình Lý giao lưu cùng các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp

TS Trần Đình Lý giao lưu cùng các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp

2. Chọn đúng nghề, đúng ngành nhưng sai bậc/trình độ. Nhiều người thường nghĩ rằng ThS hơn ĐH, ĐH hơn CĐ, TCCN, do đó họ xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc ĐH, sau ĐH nhưng có nghề chỉ cần ở trình độ TCCN. Học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH.

3. Phổ biến nhất là cố tình chọn sai nghề vì những lý do kinh tế, đặt nặng vấn đề kinh tế, chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp để lựa chọn theo hướng có thu nhập cao hơn. Sau cùng, họ lấy tiền đóng học phí đi học lại ngành phù hợp.

4. Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều bạn học sinh ngay đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi.

Cũng qua chương trình, TS Trần Đình Lý giới thiệu trắc nghiệm - khám phá năng lực bản thân John Holland.


Một thầy giáo trả lời bảng câu hỏi trắc nghiệm - khám phá năng lực bản thân

Một thầy giáo trả lời bảng câu hỏi trắc nghiệm - khám phá năng lực bản thân

 


Các thầy cô chăm chú theo dõi hội thảo

Các thầy cô chăm chú theo dõi hội thảo

 

10 giờ 30: Theo TS Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TP HCM, tư vấn hướng nghiệp là sự trợ giúp thông tin, hướng dẫn, cho lời khuyên và tương tác tâm lý của một người có kinh nghiệm, hiểu biết, có năng lực chuyên môn nhằm giúp cho học sinh có thêm thông tin, nhận thức đúng về bản thân, về nghề nghiệp, có thái độ tích cực trong việc chọn nghề và có sự lựa chọn nghề phù hợp.

Để làm tốt điều này, người làm tư vấn hướng nghiệp cần có những kỹ năng cụ thể:

- Kỹ năng giao tiếp bằng lời

+ Kỹ năng hỏi: Hỏi là một hình thức thu thập khám phá thông tin một cách chi tiết về vấn đề đang tồn tại, về mối quan hệ xã hội cũng như những mong muốn của học sinh. Hỏi là hình thức gợi mở không mang tính áp đặt. Người tư vấn sử dụng hỏi để hướng tới phản hồi hay khích lệ quá trình tự nhận thức và tự thay đổi ở học sinh. Cách thức hỏi hữu hiệu chứa đựng tiềm năng cho việc tạo lập mối quan hệ tương tác tích cực. Hỏi được coi là một trong những kỹ năng cơ bản có ý nghĩa quan trọng của tư vấn nói chung và của tư vấn hướng nghiệp nói riêng.

 


TS Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TP HCM

TS Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TP HCM

+ Kỹ năng phản hồi, cung cấp thông tin, truyền đạt thông tin: Là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của người làm tư vấn hướng nghiệp vào việc truyền đạt cho học sinh những thông tin có chất lượng, chính xác với thái độ tôn trọng, nhằm mục đích giúp học sinh nâng cao nhận thức và tự giải quyết vấn đề của mình trong quá trình định hướng học tập và lựa chọn nghề nghiệp.

- Kỹ năng lắng nghe: Là kỹ năng lĩnh hội thông tin một cách hiệu quả nhất. Sự tổng hợp những câu trả lời giúp tư vấn viên và học sinh có được bức tranh toàn cảnh về mối quan tâm và vấn đề lựa chọn nghề để học, trường để thi của học sinh. Lắng nghe là một hoạt động tâm lý tích cực có sự tham gia của ý thức, đòi hỏi người nghe tập trung chú ý cao độ để tiếp nhận và hiểu được ý nghĩa của thông tin.

- Kỹ năng động viên khích lệ: Thể hiện sự thấu hiểu và khuyến khích học sinh tự tin, bày tỏ và thể hiện những hiểu biết, tâm tư tình cảm, những ưu điểm hạn chế của bản thân, giúp học sinh nâng cao nhận thức và năng lực tự giải quyết vấn đề của mình trong quá trình hướng nghiệp. Lắng nghe và chú ý quan sát những phản ứng của học sinh. Tôn trọng sự im lặng, giành thời gian cho các em suy nghĩ, không phê phán. Có hành vi khích lệ như phản hồi, tóm lược, khen ngợi…

- Kỹ năng hỗ trợ giải quyết vấn đề: tóm lược thông tin, gợi ý, phân tích các giải pháp, chia sẻ các tiêu chí để học sinh có cơ sở đưa ra quyết định

- Kỹ năng giao tiếp không lời: Kỹ năng giao tiếp bằng mắt, nét mặt, khoảng cách, tư thế

Kỹ năng sử dụng các công cụ đo lường tâm lý, hướng dẫn học sinh thực hiện các trắc nghiệm (trắc nghiệm nghiên cứu hứng thú của học sinh, trắc nghiệm nhân cách, trắc nghiệm thương số trí tuệ, trí tuệ cảm xúc, trắc nghiệm chìa khóa nghề nghiệp … )

- Kỹ năng sử dụng các phương tiện hỗ trợ khác

- Kỹ năng lập hồ sơ tư vấn cho học sinh

11 giờ 45, TS Trần Thanh Vũ - Phó Hiệu Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương (BETU) - cho biết hướng nghiệp được tiến hành qua 4 giai đoạn: Giáo dục nghề, tư vấn nghề, tuyển chọn nghề, thích ứng nghề. Trách nhiệm chính ở 2 giai đoạn đầu là nhà trường phổ thông, còn 2 giai đoạn cuối là trách nhiệm của các trường dạy nghề, TCNN, CĐ, ĐH và các đơn vị sử dụng nhân lực. Tuy nhiên, các trường dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH và các đơn vị sử dụng nhân lực và toàn xã hội phải có trách nhiệm phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo nói chung, trường phổ thông nói riêng làm công tác hướng nghiệp.

 


TS Trần Thanh Vũ - Phó Hiệu Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương 

TS Trần Thanh Vũ - Phó Hiệu Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương 

 

Các phương pháp hướng nghiệp gồm: Phương pháp tích lũy kinh nghiệm, học nghề phổ thông, tham gia hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, cán bộ hướng nghiệp phải hiểu về thị trường tuyển dụng, kiến thức về thị trường tuyển dụng.

Theo TS Vũ, sau 1 năm thí điểm áp dụng đề án tuyển sinh riêng, năm 2015 BETU đã hoàn thiện đề án tuyển sinh của mình và sẽ tiếp tục duy trì đề án này trong năm 2016, cụ thể BETU xét tuyển đại học và cao đẳng chính quy năm 2016 theo 02 phương thức như sau:

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đúng bằng ngưỡng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo tổ hợp các 03 môn xét tuyển;

Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học tập ở bậc THPT (xét tuyển theo học bạ lớp 10,11 và 12).

11 giờ, bắt đầu phần THẢO LUẬN:

Chia sẻ khó khăn khi hướng nghiệp, thầy Trần Văn Hai, Hiệu trưởng Trường THPT Dĩ An cho biết những năm 80 hướng nghiệp rất đơn giản với những câu như mục đích của nghề là gì, nghề đó học gì? Ở trường THPT còn những bất cập: Có chương trình, có thời gian nhưng người thầy làm đa số là giáo viên chủ nhiệm. Thiếu nhất là kiến thức về hướng nghiệp, đó là những kiến thức rất quan trọng mà không phải ai cũng biết. Nên chăng chúng ta có một trang web nói về những kiến thức mà các thầy cô có thể lấy về, tải về để truyền bá. Hướng nghiệp 1 tháng/13 tiết, nếu nói không hay thì học sinh không tiếp thu được. Có học trò năm thứ 4 về trường tâm sự mà nói chọn ngành lầm rồi. Có em chọn ngành sư phạm, đến năm thứ 3, thứ 4 không ổn. Kỹ năng không thể tự nhiên mà có được mà đòi hỏi phải có người làm, người làm hướng nghiệp phải có cái tâm, cái tâm để hướng dẫn học trò mình chọn nghề cho đúng.

 


Thầy Hồ Tấn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi Tây Ninh

Thầy Hồ Tấn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi Tây Ninh

 

Ông Phan Trọng Nghĩa, Giám đốc BIDV chi nhánh sông Bé, là một đơn vị sử dụng lao động, chia sẻ: 60% sinh viên ra trường phải đào tạo lại, ở BIDV để người đó làm được việc ít nhất phải đào tạo thêm 12 tháng. Qua đây, ông đề nghị trong quá trình đào tạo kết hợp với các doanh nghiệp, chẳng hạn như chương trình thực tập sinh, cho sinh viên làm việc như cán bộ ngân hàng để biết được vị trí đó phù hợp với mình như thế nào và yêu cầu gì.

Theo Ông Nguyễn Đăng Quang BIDV chi nhánh Mỹ Phước, Kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay rất hạn chế như: kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp... Ông Quang cho biết hiện nay, những kỹ năng tưởng chừng bình thường nhưng lái xe cũng giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, cho biết 1 năm Bình Dương thiếu hụt 40-60.000 lao động/năm, lao động kỹ thuật chiếm 20%, dự báo khoảng 2-3 năm nữa, các doanh nghiệp cần nhiều lao động kỹ thuật hơn, với khoảng 15-20.000 người. Ông Phương cho biết đa phần những người tới tìm việc đã tốt nghiệp ĐH, CĐ. Theo đó, đa số doanh nghiệp phản hồi rằng sinh viên tốt nghiệp, trình độ chuyên môn chưa áp dụng được trên thực tế, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại hoặc trả mức lương thấp hơn lương người lao động yêu cầu. Ngoài ra, kỹ năng sống, giải quyết các vấn đề theo các chuyên ngành được đào tạo của nhân lực chưa đáp ứng, trình độ chuyên ngành chưa được đặt nặng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Phương cho biết từ nay đến năm 2020, Bình Dương cần nguồn lao động trình độ cao và lao động có tay nghề.

Đại diện một công ty cổ phần trên địa bàn Bình Dương cho biết sau hơn 4 năm tìm kiếm, doanh nghiệp này mới tìm được quản đốc đáp ứng yêu cầu.

Thầy Hồ Tấn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi Tây Ninh: "Chúng tôi vừa làm quản lý, vừa làm hướng nghiệp, nên cái gì cũng biết, cái gì cũng làm nhưng không chuyên sâu cái nào".

Ông cho biết về cái tâm, tinh thần đam mê, trách nhiệm các thầy cô đã có, nhưng về mặt kiến thức chưa sâu… Tại một hội thảo, đa phần các thầy cô hướng nghiệp cho biết họ nhận nhiệm vụ theo sự phân công của ban giám hiệu rồi về tự học chứ không có có tài liệu, hướng dẫn nào. Qua đây, thầy Đức đề nghị nếu có điều kiện, cấp trên, các trường ĐH, CĐ hãy tạo điều kiện giúp các trường THPT đào tạo giáo viên về kiến thức hướng nghiệp… Những câu hỏi được học sinh đặt ra nhiều là: Ngành nghề nào làm việc nhẹ lương cao? Chon  ngành nào để sau này ra trường không thất nghiệp? Thầy Đức nêu thí dụ về nhiều trường hợp các cử nhân thất nghiệp, học lên thạc sĩ nhưng vẫn không xin việc được, cuối cùng về quê mở quán cà phê bán. Ông cho biết tại các khu công nghiệp lân cận, sinh viên tốt nghiệp nộp bằng ĐH các doanh nghiệp nhận, chỉ nhận bằng trung cấp trở xuống.

 


Một thầy giáo phát biểu ý kiến về thực trạng sinh viên ra trường không tiếp cận được việc làm

Một thầy giáo phát biểu ý kiến về thực trạng sinh viên ra trường không tiếp cận được việc làm

 


Doanh nghiệp nêu những hạn chế của ứng viên mới tốt nghiệp

Doanh nghiệp nêu những hạn chế của ứng viên mới tốt nghiệp

TS Nguyễn Quốc Chính: Để hỗ trợ các thầy cô làm công tác hướng nghiệp, tôi đề xuất: Cần thái độ, kiến thức, kỹ năng. Cái chúng tôi có được là chia sẻ thông tin cho các thầy cô vì chúng tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin. Ví dụ: Những công cụ trắc nghiệm tâm lý, hệ thống các trường ĐH… rất mong có một đơn vị nào đó gắn kết để chúng tôi có dịp được chia sẻ.

Chúng ta thường nghe cụm từ đào tạo lại, chúng tôi nghe rất đau lòng, nếu có một từ như đào tạo thêm thì nghe dễ chịu hơn, vì không thể một trường 1 trường ĐH đáp ứng tất cả các doanh nghiệp A,B,C…tất nhiên các trường ĐH cũng phải thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng chuẩn đầu ra của doanh nghiệp.

Khi nói sinh viên thiếu kỹ năng sống người ta lại nhìn vào ĐH, như thế tội các trường ĐH lắm! Nhưng sự yếu kém này không phải là quả bóng đẩy qua đẩy lại, nếu ở các trường phổ thông mà thầy cô hướng dẫn, đào tạo cho các em thì khi vào ĐH các em cũng thích ứng nhanh hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo