Tôi đến Viện Nghiên cứu John Von Neumann (JVN) thuộc ĐHQG TP HCM để gặp thần tượng của khá nhiều giảng viên, sinh viên ĐHQG TP HCM: GS Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện JVN. Vị GS nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học (NCKH) mặc sơ mi trắng, quần jeans và đôi giày thể thao màu vàng, trông khá trẻ trung, đầy lãng tử, khác xa một nhà NCKH theo hình dung của tôi. GS Vũ cười vui vẻ: “Tôi vẫn còn “teen” lắm, nhớ đừng hỏi tuổi tôi!”.
Kết nối nhân tài
GS Dương Nguyên Vũ nhiệt tình dẫn tôi tham quan Viện JVN. Tôi thắc mắc: “Tại sao trên mọi bức tường, trong các phòng học, phòng làm việc đều có đầy nét phấn ghi đủ loại công thức, từ ngữ gì thế kia?”, GS Vũ giải thích những người nghiên cứu, học viên và giảng viên nơi đây đều chú trọng ý tưởng. Ý tưởng xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Các bức tường là nơi lưu lại những ý tưởng của họ.
GS Dương Nguyên Vũ trao đổi bài học cùng các sinh viên, học viên trong nước.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trong một lớp học, các học viên đang chăm chú học trên máy chiếu, có tiếng giảng bài của giảng viên nhưng nhìn quanh không thấy ai ở trên bục giảng. GS Vũ cho biết đây là lớp đào tạo thạc sĩ ngành toán tài chính định lượng. Học viên đang được GS Phạm Hi Đức (GS đầu ngành về tài chính của ECE Paris Graduate School of Engineering) giảng bài trực tuyến từ Pháp. “Lúc này, ở Pháp là 5 giờ sáng, GS Đức đã giảng bài được hơn 1 giờ. Cũng như nhiều GS đang thành công ở nước ngoài khác, GS Phạm Hi Đức sẵn sàng đóng góp công sức để đào tạo nhân tài cho đất nước” - anh cho biết thêm.
Hiện Viện JVN đã thu hút được rất nhiều nhà khoa học người Việt xuất sắc trên khắp thế giới tham gia nghiên cứu và giảng dạy thường xuyên như GS-TS Vũ Hà Văn (GS toán học của ĐH Yale - Mỹ, từng đoạt các giải thưởng George Polya, NSF Career, Fulkerson), GS-TS Phạm Xuân Huyên (GS về toán kinh tế - ĐH Paris 7), GS-TS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhật Bản)… Đặc biệt, JVN đã thu hút rất nhiều tài năng trẻ về toán, công nghệ thông tin trở về và thành giảng viên cơ hữu của viện như PGS-TS Ngô Quang Hưng - giải nhất Olympic toán học năm 1990, giải thưởng NSF Career 2004-2009; TS Vũ Duy Thức - tốt nghiệp Trường ĐH Stanford và hiện đang làm việc tại Google; TS Trần Minh Triết - giải thưởng Quả cầu vàng về công nghệ thông tin 2009; TS Hứa Minh Đức - tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Paris...
GS Dương Nguyên Vũ là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM). Năm 1997, anh từ nước ngoài về Việt Nam để giảng dạy cho Viện Tin học Pháp ngữ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với tư cách thỉnh giảng. Từ năm 2005, làm giảng viên cơ hữu cho Trường ĐH Bách khoa TP HCM và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM. Lúc đó, anh vẫn là giám đốc nghiên cứu, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hàng không châu Âu (Eurocontrol). Anh quyết định ở lại Việt Nam từ năm 2010 khi ĐHQG TP HCM thành lập Trung tâm Xuất sắc JVN (sau này đổi thành Viện JVN). “Lúc về, tôi vẫn là một chuyên gia đầu ngành của tổ chức Hàng không châu Âu. Nhiều người hỏi tôi ở lại Việt Nam thì làm sao giải quyết được vấn đề tài chính? Nhưng tôi tự nhủ phải gạt vấn đề này qua một bên vì cuộc sống còn nhiều điều thú vị và làm việc trong môi trường nhiều đam mê thì tôi không thể nghèo được” - GS Vũ chia sẻ. Và Dương Nguyên Vũ đã ở lại với tinh thần đầy hứng khởi, mong muốn đóng góp để thay đổi giáo dục Việt Nam bởi anh nhận thấy sinh viên Việt Nam rất có tiềm lực và khả năng cạnh tranh. Nhưng hơn hết, anh muốn là một trong những người tiên phong trở về trong lúc ở đỉnh cao của sự nghiệp để chứng minh việc một nhà khoa học thành công tại nước ngoài như anh có thể trở về Việt Nam làm việc thì nhiều nhà khoa học khác cũng sẽ trở về.
Làm tất cả vì quê nhà
Khi ĐHQG TP HCM có ý tưởng thành lập Trung tâm Xuất sắc JVN với mục đích tạo môi trường cho nhân tài được học tập nghiên cứu, làm việc, GS Vũ đã nhận lời làm giám đốc trung tâm với mong muốn tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học cách tân, không nặng nề về cấu trúc hành chính, tự chủ về đào tạo và tài chính. Trước khi thành lập Trung tâm Xuất sắc JVN năm 2010, anh đã tiến hành khảo sát đối với 500 du học sinh, giảng viên, các nhà khoa học trẻ người Việt ở khắp thế giới để thăm dò xem họ muốn gì nếu trở về Việt Nam. Kết quả cho thấy ngoài mong muốn có môi trường làm việc thuận lợi và sự thăng tiến, 60% cho rằng nếu được trả lương mức 1.200 USD thì họ sẵn sàng trở về Việt Nam làm việc.
Muốn trả lương cao như vậy thì buộc phải xin cơ chế tự chủ tài chính. Nhưng được cơ chế này thì sẽ không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. GS Vũ đã thao thức suy nghĩ đến việc làm sao tạo nguồn thu để có thể trả lương cao, thu hút người giỏi trở về. Ngoài ra, anh cũng nghĩ cách làm sao để thu hút được học viên giỏi vào học bậc sau ĐH ở viện.
GS Vũ đã thực hiện nhiều đề án nghiên cứu với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, hỗ trợ tư vấn - quản lý - đào tạo cho doanh nghiệp, đồng thời ứng dụng NCKH của thầy và trò để duy trì quỹ lương 500 triệu đồng/tháng, đủ chi trả cho giảng viên mức lương từ 1.000 - 1.200 USD/tháng và có nguồn học bổng cho học viên xuất sắc của mình.
“Tôi phải tự đến các doanh nghiệp để kết nối. Nhưng cũng có chỗ người ta không hiểu mình là giáo sư ĐH mà nghĩ mình đi làm công. Họ nói xóc óc, tủi thân lắm. Có lúc tôi nản, muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến một nhà khoa học là ông Randy Pausch, Trường ĐH Carnegie-Mellon, có nói rằng “những bức tường xây không phải để cản đường mà để ta biết được ta đi tới cuối con đường như thế nào”, tôi lại hết buồn. GS Hồ Tú Bảo, một đàn anh của tôi, cũng hay nói với anh em rằng làm ở Việt Nam mà nếu có buồn thì buồn ít thôi, chứ nếu cứ gặp khó khăn là quay lưng thì còn ai đi cùng mình?” - GS Vũ chia sẻ. Để đến gần doanh nghiệp, GS Vũ nghiên cứu những vấn đề doanh nghiệp cần, từ đó hợp tác, xâm nhập và mở rộng bằng các sản phẩm mà viện nghiên cứu được.
Sau 3 năm thành lập, Viện JVN đã thu hút được 6 nghiên cứu sinh theo học bậc tiến sĩ, 70 học viên theo học bậc thạc sĩ ở hai ngành học là công nghệ thông tin và toán tài chính định lượng. Điều đáng nói là số học viên này đa phần là thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp giỏi của các trường ĐH. Với nguồn chất xám quý giá này, GS Vũ cho biết viện dành nhiều ưu tiên cho họ. Theo đó, nếu học viên theo định hướng NCKH sẽ được miễn học phí và được hỗ trợ 2,5-5 triệu đồng/tháng.
Trước đây, anh giành 60% -70 % thời gian NCKH, nay chỉ dành được 30%. “Lúc đầu về nước, tôi nghĩ sẽ tập trung để NCKH nhưng ngược lại bây giờ, tôi lại dành nhiều thời gian để lo tạo nguồn thu, cũng chỉ vì điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tôi mong rằng những việc tôi làm sẽ tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi, thu hút và đào tạo ra những người xuất sắc và đam mê NCKH thật sự, góp phần tạo vị trí nhất định cho giáo dục, khoa học Việt Nam” - GS Dương Nguyên Vũ đặt niềm tin.
Bình luận (0)