xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TUYỂN SINH ĐH NĂM 2022: Điểm xét tuyển học bạ vượt trần: Có bất thường?

YẾN ANH - HUY LÂN

Điểm chuẩn xét học bạ của nhiều trường ĐH năm 2022 rất cao, thậm chí có trường đưa ra mức điểm cao nhất lên tới 30,5/30 điểm, tức vượt trần

Ngày 20-7, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển vào ĐH chính quy năm 2022 theo phương thức xét tuyển kết hợp 3 nhóm đối tượng.

Nhiều loại điểm cộng ưu tiên

Cụ thể, đối tượng 1 là những thí sinh có chứng chỉ năng lực quốc tế SAT 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên. Đối tượng 2 là thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực của 1 trong 2 ĐHQG Hà Nội và TP HCM, đạt tối thiểu 85 hoặc 700 điểm. Đối tượng 3 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội/ĐHQG TP HCM.

Theo công bố của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn với thí sinh nhóm 2 (sử dụng điểm thi đánh giá năng lực) thấp nhất trong 3 nhóm khi có nhiều ngành lấy ngưỡng trúng tuyển dưới 20 điểm. Trong khi đó, những thí sinh nhóm 3 (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và điểm thi đánh giá năng lực) được áp dụng mức điểm chuẩn cao hơn, phổ biến ở 24-26 điểm. Riêng ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC) lấy 28,33 điểm với thí sinh nhóm 3, cao nhất trong 60 ngành và chương trình ở cả 3 nhóm.

TUYỂN SINH ĐH NĂM 2022: Điểm xét tuyển học bạ vượt trần: Có bất thường? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Ảnh: HỮU HƯNG

Điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ của nhiều trường khác cũng tăng chóng mặt. Đáng chú ý, tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, tính theo thang điểm 30 có đến 3 ngành mức điểm chuẩn vượt trần với 30,5 điểm, bao gồm: báo chí, luật và quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Ngoài ra, chuyên ngành văn hóa học - văn hóa truyền thông có điểm chuẩn là 30. Trường này áp dụng phương thức xét tuyển học bạ kết hợp quy định cộng điểm ưu tiên của trường. Theo đó, những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế... được cộng 3-10 điểm vào điểm xét tuyển. Việc cộng điểm ưu tiên cùng điểm học bạ khiến điểm chuẩn xét học bạ của trường tăng cao.

Học viện Ngân hàng năm nay tuyển 3.200 sinh viên bằng 5 phương thức gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, dựa vào học bạ THPT, xét năng lực ngoại ngữ và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Ngày 19-7, trường đã thông báo mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển của 3 phương thức xét tuyển sớm. Trong đó, với phương thức xét học bạ, thí sinh cần thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện là có học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi và có điểm xét tuyển đạt 26-28,25. Điểm xét tuyển theo phương thức xét học bạ của Học viện Ngân hàng được tính theo công thức: M1 + M2 + M3 + điểm ưu tiên + điểm cộng đối tượng. M1, M2, M3 là điểm trung bình cộng 3 năm học THPT của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển, làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Điểm ưu tiên bao gồm cả khu vực, đối tượng theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, trường xét thêm 1,5 điểm cộng đối tượng với thí sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên và điểm cộng đối tượng, thí sinh cần đạt trung bình gần 8,7 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển mới đỗ vào ngành lấy điểm thấp nhất. Với ngành lấy 28,25 điểm, thí sinh cần đạt trung bình hơn 9,4 điểm/môn.

Nghịch lý trong xét tuyển?

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, đánh giá việc thí sinh đạt 30 điểm học bạ vẫn trượt ĐH nếu không có điểm cộng cho thấy sự bất thường trong tuyển sinh theo phương thức này. Theo ông, đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần thống kê, đánh giá tổng thể để có thông tin giúp các trường có cơ sở đưa ra giải pháp phù hợp. "Về mặt lý thuyết, xét học bạ nếu thực hiện nghiêm là tiện lợi nhất nhưng trên thực tế không hẳn đã nghiêm và trung thực. Vì vậy, dù các trường tự chủ tuyển sinh song nếu thấy có bất cập thì Bộ GD-ĐT phải có ý kiến" - TS Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ.

ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, phân tích về hình thức xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội: Đây là phương thức xét tuyển theo học bạ kết hợp với các giải thưởng, chứng chỉ quốc tế nên tính ra số điểm có thể lên đến trên 40. Như thế, thí sinh chỉ đạt 30 điểm thì rớt là bình thường. Một thí sinh đạt 30 điểm 3 môn sẽ không bằng em được 27 điểm cộng với giải thưởng hay điểm chứng chỉ quốc tế. "Phương thức xét tuyển ở Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng tương tự phương thức ưu tiên xét tuyển của các trường thành viên ĐHQG TP HCM. Em nào có giải thưởng cao sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, điểm chuẩn của trường ĐH cao hay không sẽ dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh, số thí sinh đăng ký và chất lượng thí sinh đăng ký" - ông Phùng Quán cho hay.

Cũng theo ThS Phùng Quán, chương trình THPT nhằm trang bị kiến thức cơ bản nên chỉ cần học sinh hoàn thành thì sẽ được đánh giá điểm cao. Tuy nhiên, việc cho điểm còn tùy thuộc quan điểm của người dạy, vùng miền, trường học...

ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên đã có từ lâu và hợp lý. Tuy nhiên, việc điểm học bạ cao cần được đánh giá thấu đáo vì điều này có thể thể hiện chất lượng thí sinh tốt nhưng cũng không loại trừ thí sinh được giảm độ khó của đề thi học kỳ để dễ trúng tuyển, hay còn gọi là "lạm phát điểm 30". "Nếu dùng kỹ thuật để thí sinh đạt điểm cao thì hoàn toàn không ổn vì sẽ dẫn đến thành tích ảo, cuối cùng các trường ĐH lại gặp khó vì tuyển đủ nhưng chất lượng đầu vào không biết đâu mà lần. Về lâu dài, các trường ĐH nên sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển cùng điểm học bạ. Thực tế cho thấy hiện nay điểm thi tốt nghiệp THPT có sự phân hóa trình độ học sinh khá tốt. Hay các kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG đang được sử dụng ngày một rộng rãi và chứng minh được đây là phương thức phù hợp với điều kiện của Việt Nam" - ông Nam nêu quan điểm. 

Học thực chất thì không lo!

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho hay phương thức xét tuyển học bạ thường có chỉ tiêu không nhiều so với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, các trường thường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Do vậy, nếu thí sinh có điểm học bạ cao và thực chất thì không khó để trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, lưu ý những em đạt nhiều tiêu chí xét tuyển nên tham gia xét hết, không bỏ qua phương thức nào để có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp. Nếu trúng tuyển ở nhiều phương thức, thí sinh cần lựa chọn ngành học yêu thích nhất để đưa lên nguyện vọng cao nhất khi đăng ký trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT theo thời gian quy định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo