Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự kiến bắt đầu từ năm 2018), đã có rất nhiều ý kiến cho rằng dự án hàng ngàn tỉ này khó khả thi bởi sự mơ hồ, thiếu thực tế. Nếu không cẩn trọng, lại thêm một đề án giáo dục nữa sẽ phá sản như không ít những đề án thí điểm tốn kém tiền bạc công sức trước đây. Cái giá phải trả cho sự thiếu cẩn trọng trong giáo dục không phải chỉ là cái nhìn thấy ngay trước mắt mà tồn tại sau đó rất lâu, có khi là ảnh hưởng lên cả một thế hệ.
“Đẽo cày giữa đường”, chạy theo thị hiếu
Có lẽ nhức nhối nhất là lứa “chuột bạch” của chương trình phân ban THPT. Được khởi xướng từ năm 1993, chương trình học phân ban được chia làm 3 ban: ban tự nhiên (A), ban xã hội (C) và ban kỹ thuật (B). Trong đó ban B khi triển khai đã không thành công. Năm 1998, toàn bộ phương án phân ban của Bộ GD-ĐT đã bị xóa bỏ khi Luật Giáo dục được thông qua.
Năm 2003, chương trình phân ban mới được khởi động lại, chỉ có 2 ban, dự kiến là tự nhiên A (60% học sinh) và ban xã hội C (40% học sinh). Khi triển khai vào thực tế, lượng học sinh theo học ban A chiếm khoảng 90%, trong khi ban C chỉ có 10%. Thậm chí, tại các vùng khó khăn ở các tỉnh phía Bắc, học sinh lại có nguyện vọng học một ban với một số môn tự chọn khác. Trước tình hình này, thay vì đến năm 2003 triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới đối với lớp 10 theo hướng phân ban thì Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ cho thêm 2 năm để nghiên cứu.
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong tiết học của chương trình phân ban.( Ảnh chụp tháng 4-2010) Ảnh: Tấn Thạnh
Sau 2 năm thí điểm không thành công, Bộ GD-ĐT đã phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh chương trình thí điểm phân ban THPT. Theo phương án này, lớp 10 và 11 phân thành 2 ban như hiện nay. Đến lớp 12 sẽ phân ban sâu hơn, thành 4 ban tương ứng với 4 khối thi ĐH: A, B, C, D. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phương án đến lớp 12 phân hóa sâu thành 4 ban chỉ là cách xoa dịu dư luận. Bốn ban này tương đồng với 4 khối thi ĐH. Nói cách khác, việc phân ban chỉ nhằm mục đích là ôn thi ĐH, chạy theo thị hiếu và mọi con đường đều dẫn đến ĐH.
Tuy nhiên, đến khi triển khai đại trà, việc phân ban lại được thiết kế thành 3 ban mới, gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và cơ bản (học theo chương trình “chuẩn” và tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, gọi là cơ bản A, C, D).
Nhận xét về sự thay đổi như chong chóng của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện phân ban, các chuyên gia giáo dục cho rằng chương trình phân ban qua các lần thí điểm thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt. Do thiếu lập luận khoa học vững chắc nên các nhà thiết kế chương trình vừa làm vừa nghe ngóng kiểu “đẽo cày giữa đường” và thất bại là điều được báo trước.
Một ví dụ cho cách làm chắp vá là tới tháng 9-2006 đã phải triển khai đại trà mà tháng 9-2005, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục mới đề xuất bổ sung ban cơ bản bên cạnh 2 ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn theo thiết kế ban đầu của thí điểm lần 3. Việc phân ban “không giống ai” của nước ta đã biến các trường thành lò luyện thi ĐH, học sinh thi khối nào sẽ chọn ban tương ứng để học nâng cao các môn của khối thi đó.
Phi giáo dục vì học lệch, quá tải
Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hồi tháng 8-2013, GS Đào Trọng Thi, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chủ trương phân ban ở cấp học THPT không thành công. Thống kê cho thấy từ năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học ban khoa học xã hội và nhân văn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các nhà giáo giảng dạy tại các trường THPT lúc này nhớ lại: Ngày 15-8-2006 là hạn chót các trường THPT phải công bố kết quả phân ban học sinh lớp 10 tại trường mình. Thầy Trần Trung Kiên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM), kể lúc này hầu như giáo viên phải đi tập huấn liên tục về mục tiêu, hiệu quả, kể cả những điểm được coi là lý tưởng của chương trình. Số lần giáo viên phải đi tập huấn đếm không xuể.
Thế nhưng, ngay khi thời hạn đăng ký kết thúc, con số thu được hết sức ngỡ ngàng, hầu như đa số các trường đều có 100% học sinh đăng ký vào ban cơ bản. Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết lúc này tại TP HCM, có tới 90% học sinh chọn không phân ban. Số học sinh chọn ban A rất ít và hầu như không có học sinh chọn ban C.
Thầy Trần Trung Kiên cho rằng một nguyên tắc cơ bản khi ban hành bất kỳ một chính sách giáo dục nào thì việc đầu tiên phải là hỏi ý kiến của đối tượng thực hiện và thụ hưởng. Chương trình phân ban cũng thế, thay vì hỏi học sinh và phụ huynh muốn gì, thì một số người tự… quyết luôn. Ông Kiên lý giải tâm lý bao đời nay của người Việt là muốn cho con vào ĐH, cơ hội vào ĐH thì chọn ban cơ bản và ban A là chắc ăn nhất. Nếu đã biết xu hướng này thì đáng ra phải làm sao để tác động cho học sinh thấy ĐH không phải là con đường duy nhất nhưng hậu quả đã đi ngược lại...
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, cái tốt của chương trình phân ban là phát triển năng khiếu của người học vì người này có năng khiếu về những kiến thức tự nhiên, người khác có kiến thức xã hội. Vì thế, chấp nhận phân ban là phải chấp nhận tư tưởng môn chính, môn phụ nhưng thực tế khi triển khai, chương trình vướng quan điểm giáo dục phải toàn diện. Phân ban mà vẫn phải bảo đảm giáo dục toàn diện, bắt học sinh học đầy đủ dẫn đến nặng nề, quá tải. Theo cách phân ban thì hệ số điểm số các ban tương đương nhau, độ chênh giữa số giờ học, điểm số các môn giữa các ban chỉ khoảng 20% trong khi khối lượng kiến thức có độ chênh rất lớn.
8 năm công cốc!
Ông Trần Trung Kiên phân tích phân ban mà hệ số đánh giá như nhau là sai ngay từ bản chất ban đầu và rất hoang đường. Một đứa trẻ không thể giỏi toàn diện các môn. Nếu chỉ giỏi toán thì môn văn phải có cách đánh giá thấp hơn. “Ngày trước giải phóng, chúng tôi học phân ban toán, lúc này hệ số toán tính là 5 thì các môn còn lại chỉ cần hệ số 1, 2 là đạt” - ông Kiên nói.
Thực tế kết quả giám sát tại các địa phương cũng cho thấy hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên đều chỉ tổ chức dạy học theo ban cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi ĐH theo lựa chọn của học sinh.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định trong khi thực hiện, Bộ GD-ĐT nên nhìn ra vấn đề bất hợp lý để có hướng xử lý phù hợp. Đằng này bộ này cứ cố duy trì chương trình tiêu tốn nhiều kinh phí trong trạng thái dật dờ, như kiểu xài cho hết tiền rồi muốn ra sao cũng được!
Một chương trình mang tầm ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh không đi đến đâu từ năm 2006 đến 2014. Vào năm 2014, đề thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ chỉ còn phần kiến thức trong chương trình cơ bản, đây được xem dấu chấm hết cho chương trình phân ban. Theo GS Đào Trọng Thi, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công. Nói cách khác, việc phân ban đã thất bại. Thế nhưng, trong mọi báo cáo công khai của Bộ GD-ĐT về tình hình giáo dục phổ thông đều không thấy bộ này nhắc gì đến kết quả của mô hình phân ban, hiệu quả hay hậu quả của nó.
Quá cứng nhắc
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, vào tháng 7-2014, Bộ GD-ĐT có tổng kết và đánh giá về chương trình phân ban, thừa nhận hạn chế của chương trình phân ban là quá cứng nhắc do phân thành 3 ban không đáp ứng được nguyện vọng của học sinh, không đáp ứng yêu cầu gắn với ngành nghề. Hơn nữa, chương trình phân ban cũng không bám sát mục đích phân ban ngay từ đầu; việc ra đề, thi cử cũng không phù hợp.
Nhiều chuyên gia giáo dục và giáo viên khi nhớ lại chương trình này đều nói thẳng đây là chương trình nhiều “không”, thiếu thực tế. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao trong suốt một thời gian dài, từ năm 2006-2014, Bộ GD-ĐT mới đưa ra đánh giá cuối cùng. Trong đánh giá này không đưa ra hướng khắc phục, cũng không có hướng kế thừa hay vứt bỏ những hạn chế của một mô hình giáo dục ở tầm quốc gia?
Kỳ tới:
Bình luận (0)