Sáng 31-1, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 do Báo Người Lao Động phối hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã diễn ra tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM). Chương trình thu hút hơn 1.500 học sinh tham dự và được Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp trên kênh HTV4.
Thử sức với ngành mới
Ngay từ sáng sớm, học sinh của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Phú Lâm, Phan Bội Châu, Đào Duy Anh… đã tập trung đông đảo ở sân trường và háo hức chờ đón sự xuất hiện của ban tư vấn. Với đội ngũ tư vấn hùng hậu, giàu kinh nghiệm đến từ nhiều trường đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau như ĐHQG TP HCM; Trường ĐH Nông Lâm, Ngân hàng, Y Dược, Sư phạm Kỹ thuật, Công nghiệp Thực phẩm, Tài chính Marketing, FPT, Luật…, học sinh tại TP HCM đã được tư vấn sâu sát với nhiều thông tin bổ ích.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, học sinh tại TP HCM đã có sự chuẩn bị khá kỹ khi hầu hết những câu hỏi đều xoáy sâu vào từng ngành học cụ thể và điểm mới trong xét tuyển vào từng trường. Em Nguyễn Hoài Duy, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, hỏi: “Ngành công nghệ nano không mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì còn mới mẻ, ĐHQG
TP HCM có đào tạo ngành này?”. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết: “Ngành học này mới chỉ có ở bậc sau ĐH tại ĐHQG TP HCM. Tuy nhiên, các môn học liên quan đến ngành công nghệ nano nằm rải rác trong các ngành như điện, điện tử…, nếu thí sinh muốn học thì thi vào các ngành có các môn học liên quan, sau khi ra trường có thể làm việc tại các viện nghiên cứu”.
Em Nguyễn Thụy Hoài An hỏi khối kinh tế - tài chính có thêm ngành nào mới? ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết do đất nước hội nhập, kinh tế phát triển theo hướng sâu rộng, ngành tài chính bảo hiểm và đầu tư ngày càng được bàn nhiều. Học ngành này sinh viên sẽ trang bị kiến thức tổng hợp về kinh tế, trang bị thêm nhiều kiến thức đầu tư và bảo hiểm, cách đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực, kỹ năng hoạt động kinh doanh quốc tế và khu vực, ra trường có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như: Bảo hiểm, đầu tư tài chính; tham gia các hoạt động tài chính công, tài chính quốc tế...
Một kỳ thi giúp gì cho việc du học?
Trước rất nhiều câu hỏi của thí sinh quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết các trường ĐH chủ trì vẫn đang cập nhật thông tin và chờ quy chế chính thức của kỳ thi quốc gia 2015 dự kiến sẽ ban hành trong đầu tháng 2 và vẫn còn rất nhiều thay đổi xung quanh kỳ thi này. TS Nghĩa lưu ý thí sinh đề thi sẽ có phần nâng cao nhằm phân hóa thí sinh để xét tuyển ĐH, CĐ. Hiện các trường có nhiều cách xét tuyển: Tổ chức thi riêng hoàn toàn, xét tuyển từ kỳ thi quốc gia, vừa xét tuyển vừa xét học bạ. Dự kiến, các em được mang Atlat vào phòng thi và giữ nguyên thang điểm 10, tuy nhiên vẫn chờ quy chế cuối cùng.
Nhiều học sinh tại TP HCM còn quan tâm đến khả năng du học sau khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. “Em dự định du học, vậy điểm thi THPT quốc gia có giúp gì không?” - một học sinh hỏi. ThS Vũ Chí Thành - Giám đốc Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH FPT - cho hay: “Tôi thấy những kinh nghiệm thu được từ việc đi học ở nước ngoài rất đáng giá. Tuy nhiên, việc du học cũng tùy thuộc vào khả năng kinh tế của gia đình, khả năng các em kiếm học bổng. Nếu không có điều kiện ra nước ngoài học, các em có thể học những trường liên kết các ĐH quốc tế trong nước”. ThS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, lưu ý thêm: “Học trong nước hay ngoài nước, thí sinh đều cần tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vì các trường ĐH trong và ngoài nước đều yêu cầu ứng viên tốt nghiệp THPT.
Có đam mê sẽ vượt qua khó khăn
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường FPT - hiện là hiệu trưởng có tuổi đời trẻ nhất (35 tuổi), đã có những chia sẻ thú vị tại chương trình: “Trong khi xã hội phát triển nhanh, số người thất nghiệp ngày càng nhiều, công nghệ đang thay đổi toàn bộ thế giới nhưng hiện nay, rất nhiều học sinh vẫn chưa chọn được ngành nghề. Để thành công, đầu tiên các em cần xác định bản thân thích nghề gì vì nếu không có đam mê, các em khó lòng vượt qua khó khăn. Thứ hai, các em cần chọn ngành phù hợp tư duy, truyền thống gia đình. Thứ ba là nghề đóng góp cho xã hội vì bên cạnh yếu tố năng lực, các em cần tìm cho mình một công việc có ích cho xã hội”.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ:
Bình luận (0)