Từ độ một tuần lễ nay, lượng rau củ Đà Lạt dồn về các chợ đầu mối TPHCM ngày càng nhiều, bình quân mỗi chợ khoảng 120 tấn/ngày, tăng 30 tấn so với trước. Hàng nhiều, tiêu thụ chậm nên giá đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng nhiều năm nay.
Chợ đầu mối TP: Mua một, tặng một
Theo ông Nguyễn Trí Minh - cán bộ Ban Quản lý chợ đầu mối Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh (Q.1 - TPHCM), hiện tượng rau củ quả Đà Lạt giảm giá thấp không phải lần đầu (Tết năm 1999- 2000 rau bắp cải, su su cũng dội chợ bán chỉ 500 đồng/kg), nhưng mức rẻ như thời điểm này là chưa từng có.
Hiện nay, tại chợ đầu mối Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh, các vựa cà chua, bắp cải đều chất đống hàng. Giá cà chua Đà Lạt loại 1 chỉ còn 1.000 đồng/kg, bắp cải 800 đồng/kg, su su 400 đồng/kg... Ngay cả những loại rau củ Đà Lạt lâu nay giá cao như khoai tây, cà rốt, bông cải, củ dền... giá cũng chỉ 2.000 - 3.500 đồng/kg (chỉ bằng 50% giá lúc bình thường). Chị Lý Thị Hoa - chủ một vựa rau ở chợ Mai Xuân Thưởng (Q.6 - TPHCM) - cho biết: Đây là thời điểm khó khăn nhất của cả người trồng, vận chuyển lẫn người bán rau củ quả Đà Lạt. Năm trước giá cà chua loại ngon vào lúc chính vụ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, song năm nay giá chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong đó đã bao gồm cả phí vận chuyển, bốc xếp. Có ngày mối hàng về nhiều, sợ bán không hết để lâu rau úng thối, vựa phải bán một tặng một cho khách mối bán lẻ. Một cán bộ Ban Quản lý chợ Bến Thành nhận xét, các năm trước, loại cà chua hư một phần tiểu thương còn cắt bán lại (dạng hàng dạt) giá vẫn được 2.000 - 2.500 đồng/kg, nay cà ngon, su su tươi nguyên bán lẻ cũng chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg nên trái bị sâu, hư một phần đều đổ bỏ. Giá bán rẻ, hàng dội chợ đến mức khách hàng cũng ngán không muốn mua.
Tại nhiều con đường, khu phố, ngõ hẻm ở TPHCM những ngày gần đây đâu đâu cũng thấy các xe ba gác, xe đẩy chất đầy rau củ quả Đà Lạt như: bông cải, su su, cà chua, bắp cải, đậu cô-ve... rao bán 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đây thường là nguồn hàng loại 2, loại 3 giá tại chợ đầu mối chỉ 500 - 600 đồng/kg.
Đà Lạt: Nhà vườn bỏ rau không thu hoạch
Kỹ sư Đào Văn Toàn - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng - kể: Hiện nay, ở các huyện trồng nhiều cà chua, su su, bắp cải như Đơn Dương, Đức Trọng... cà chua, su su rải đầy mặt ruộng, giá thu mua của lái tại chỗ chỉ 200 - 300 đồng/kg cà chua, 100 - 200 đồng/kg su su, bắp cải 600 đồng/kg... Giá này không đủ công thu hoạch nên nhiều nông dân không muốn thu hoạch, nhiều hộ trồng rau phải lấy cà chua cho heo ăn. Tại huyện Đức Trọng, người trồng su su cũng vậy. Su su ngập vườn, ngập ruộng nên giá chỉ còn 100 - 200 đồng/kg.
Có người trồng cà chua vì thua lỗ nặng, gia đình xào xáo lại cộng với khoản nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, bế tắc đã tự tử chết. Nhiều loại rau củ khác như khoai tây, cà rốt, củ dền cũng mạnh ai nấy trồng. Không lường trước biến động của thị trường nên nay dội chợ chỉ biết trông chờ vào thương lái đưa về TPHCM bán được bao nhiêu biết bấy nhiêu (hàng bán được mới trả tiền), bán giá rẻ, hàng tồn đọng úng thối cũng đành chịu.
Nhà vườn điêu đứng... vì rau Đến thăm các hộ trồng cà chua ở xã Đạ Ròn - một trong những vùng trọng điểm trồng cà chua ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đâu đâu cũng bắt gặp gương mặt âu lo, buồn nản. Anh Nguyễn Văn An - trưởng thôn Suối Thông B cho hay: Thôn có 430 hộ thì 70% đầu tư trồng cà chua. Đa số bà con đều vay vốn ngân hàng hoặc các chủ vựa. Do đất đai không được tốt lắm; nước tưới lại khan hiếm nên tiền đầu tư cho 1 gốc cà chua lên đến gần 2.000 đồng. Với năng suất khoảng 1,5 kg/gốc như ở vùng đất này, giá phải trên 1.400 đồng/kg thì nhà vườn mới gọi là có chút lãi. Thế nhưng, đa số nông dân Suối Thông B đều thu hoạch vào thời điểm giá cà rẻ mạt nhất (từ 100 - 600 đồng/kg) nên bị lỗ nặng. Nhiều gia đình đang phấp phỏng sợ bị phát mãi nhà cửa. Đứng chết lặng bên vườn cà chua rộng lớn, ước chừng 2 ha, một nông dân nói sau tiếng thở dài nặng trĩu: “Chúng tôi lỗ không dưới 30 triệu đồng. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm, vay mượn được đã chôn cả ở những luống cà này. Sắp tới biết làm gì để sống qua ngày, để trả nợ?”... Tương tự như ở Đạ Ròn, ở các xã Tu Tra, Ka Đô... nhiều khu vườn cà chua chín mọng lúc lỉu trái mà chẳng ai buồn hái, bởi giá cà chua không bù được công thu hoạch, vận chuyển... Tại huyện Đức Trọng, có từ 400 - 500 ha cà chua bị “đụng chợ” khi vào mùa thu hoạch nên bị mất giá, ép giá; thiệt hại ước tính cả chục tỉ đồng. Có những thôn như Nam Sơn, Bồng Lai... đa số các hộ dân mắc nợ ngân hàng, không có khả năng hoàn trả cả vốn lẫn lãi... Đâu là nguyên nhân của bi kịch. Mùa vụ năm 2000, giá cà chua tăng vọt (giá tại vườn hơn 2.000 đồng/kg) nên năm nay nhà vườn đổ xô trồng cà chua. Mấy năm nay cà phê rớt giá liên tục, nhiều nơi lại chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng cà chua, su su hoặc các loại rau củ khác. Diện tích tăng vọt, nhu cầu lại không tăng nên hàng dội chợ. Lại thêm một bài học đắt giá về tình trạng thiếu quy hoạch, định hướng cho nông dân các vùng chuyên canh cây nông nghiệp. Kim Anh
Bình luận (0)