Theo các chuyên gia tâm lý nhi đồng, trẻ quá hiếu động thường mất khả năng tập trung, suy nghĩ kém và rất dễ trở nên hung bạo, nghiện ngập nếu không được điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.
Nhiều bà mẹ than phiền với các bác sĩ tâm lý: “Bác sĩ ơi, con tôi nó quậy lắm! Cả gia đình và các thầy cô đều rất mệt mỏi khi phải canh chừng cháu”. Hoặc lo lắng: “Chẳng hiểu sao cháu lại quậy quá mức, không chịu ngồi yên một chỗ!”. Đó là những lời phàn nàn ban đầu của các bà mẹ về đứa con quá quậy phá của mình, mà sau này họ mới biết chúng mắc bệnh... hiếu động.
Cả người chăm sóc và trẻ hiếu động cùng mệt nhoài
Năm 2003, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đã tiếp nhận 309 trẻ đến để được tư vấn tâm lý, trong đó có 35 trẻ cần tư vấn về vấn đề hiếu động. Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, trẻ hiếu động thường không tập trung, không ngồi yên một chỗ. Chúng luôn chạy nhảy, làm bừa bộn mọi thứ khiến cho những người chăm sóc trẻ mệt nhoài và bản thân trẻ cũng mệt. Phát hiện sớm và can thiệp đúng mức sẽ giúp trẻ phát triển tốt. Nếu không, càng lớn trẻ càng trở nên hung hăng. Với tính khí như vậy, trẻ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và khó có thể phát triển nhân cách bình thường trong đời sống xã hội. Thế nhưng, các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý cho biết đã gặp không ít trường hợp trẻ hiếu động ở mức độ nặng mới được các bậc cha mẹ phát hiện và đưa đi khám, điều trị. Sở dĩ có sự phát hiện chậm trễ này là do cha mẹ ít quan tâm đến trẻ, giao trẻ cho ông bà, hoặc người giúp việc chăm sóc. Hoặc các bậc cha mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, tâm lý về trường hợp này. Nhiều bậc phụ huynh thường nuôi dạy con theo kinh nghiệm dân gian hoặc kinh nghiệm từ những đứa con trước nên không nghĩ đây là một bệnh về tâm lý, vì thế đã không đưa trẻ đi khám sớm. Còn lại là những trường hợp cha mẹ đã cố gắng can thiệp nhiều nhưng không đạt kết quả.
Trẻ hiếu động dễ gặp tai nạn
Bác sĩ Thái Thanh Thủy cho biết, trẻ hiếu động ở tuổi chưa biết đi thường khóc suốt ngày và ngọ ngoậy liên tục. Nhưng phần lớn trẻ bộc lộ sự hiếu động rõ hơn khi chúng bắt đầu biết đi (từ 1 tuổi trở lên). Lúc đó, trẻ có một số đặc điểm mà nếu chú ý cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra. Trước hết là tình trạng mất khả năng tập trung: Trẻ định làm một việc rồi lại quên mất, luồng suy nghĩ của trẻ lướt qua sự kiện này đến sự kiện khác nhưng không cố định. Ví dụ: Trẻ định đi xuống sân chơi bỗng nhiên lại quẹo vào phòng khách hoặc đã xuống sân mà không nhớ ra ý định ban đầu của mình. Cũng có khi trẻ quá tập trung vào một việc mà trẻ thích nhưng sự tập trung này lại thiếu mạch lạc, thiếu nhất quán. Trẻ chỉ tập trung được một lúc rồi quên ngay lập tức. Trẻ hiếu động thiếu khả năng suy nghĩ trước khi hành động hoặc thiếu suy nghĩ đến hậu quả của hành động. Chẳng hạn, trái banh lăn ra ngoài đường, trẻ lập tức phóng theo mà không cần quan sát xem có xe cộ chạy, hay vật cản gì không. Ở nhà cũng như trong trường học, trẻ thường phá ngang, phá bĩnh. Vì lẽ đó, trẻ hiếu động thường gặp phải tai nạn và giáo viên rất phiền lòng trước sự quậy phá quá mức của trẻ đã làm ảnh hưởng đến cả lớp học. Sự hiếu động này xảy ra liên tục và thái quá so với lứa tuổi của trẻ. Thường từ 2 - 4 tuổi trẻ cũng rất nhanh nhạy nhưng đó là sự phát triển bình thường, còn ở trẻ hiếu động có tính chất bệnh lý thì những hành động thường không có mục đích, trẻ bồn chồn và không lúc nào yên. So với những trẻ bình thường, chúng thể hiện sự vượt trội về tính chất cũng như số lượng hành động.
Bình luận (0)