xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giới hạn tốc độ ở nội đô TP HCM có cần thiết?

THU HỒNG

Nếu gắn biển báo giới hạn tốc độ 30-50 km/giờ, cần căn cứ số liệu tai nạn giao thông, điểm đen giao thông để xác định vị trí phù hợp nhằm tăng hiệu quả cảnh báo

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) khu vực nội đô, Ban ATGT TP HCM vừa đề xuất UBND thành phố cho chủ trương nghiên cứu để quản lý tốc độ 30 - 50 km/giờ tại một số nơi như trước trường học, bệnh viện, chợ...

Đặt bảng khuyến cáo tốc độ theo khung giờ, vị trí

Tốc độđược Ban ATGT TP HCM đề xuất giảm đáng kể so với quy định hiện hành (phương tiện được chạy tối đa 60 km/giờ trên đường đôi, một chiều có nhiều hơn 2 làn xe; 50 km/giờ với đường hai chiều và một chiều có một làn xe).

Lý giải về đề xuất trên, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết năm 2022, thành phố tham gia ký kết dự án Sáng kiến vì ATGT đường bộ toàn cầu do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ.

Ngoài TP HCM, TP Hà Nội và TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) cũng tham gia ký kết. Theo đó, các thành phố sẽ triển khai biện pháp cụ thể khuyến cáo phương tiện với tốc độ phù hợp nhằm mang lại sự an toàn khi tham gia giao thông cho người dân.

"TP Hà Nội và Pleiku dù tham gia sau nhưng hiện cả 2 địa phương này đã triển khai gắn biển báo hạn chế tốc độ tại nhiều khu vực đông dân cư như trường học, bệnh viện... Đề xuất của Ban ATGT TP HCM nhằm cụ thể hóa các cam kết thực hiện dự án" - ông Lợi thông tin.

Ông Lợi dẫn chứng việc hạn chế tốc độ không quá 30 km/giờ ở một số địa điểm với khung giờ nhất định được nhiều nước áp dụng. Ví dụ tại Úc, ở khu đông dân cư, tốc độ tối đa của phương tiện được khuyến cáo 20 km/giờ. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), với vận tốc tối đa 30 km/giờ, nếu có va chạm thì mức độ thiệt hại, chấn thương sẽ thấp nhất.

Ông Lợi cho rằng đề xuất của Ban ATGT TP HCM không đi ngược các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bởi lẽ, việc phải giảm tốc độ khi đi qua trường học, bệnh viện, công trình công cộng tập trung nhiều người là bắt buộc. Tuy nhiên, việc xe chạy chậm khi qua những nơi đông đúc vẫn tùy vào ý thức của tài xế chứ chưa có tiêu chí cụ thể.

"Do đó, Ban ATGT xin chủ trương của UBND TP HCM để có cơ sở thực hiện. Chưa kể, ban không thực hiện được do không có kinh phí cũng như việc gắn biển báo thuộc chuyên môn của Sở Giao thông Vận tải" - ông Lợi cho hay.

Theo ông Lợi, nếu được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương giới hạn tốc độ 30-50 km/giờ tại các khu vực đông đúc, Ban ATGT sẽ rà soát cụ thể các vị trí, đề xuất gắn biển khuyến cáo giảm tốc độ (không phải biển hiệu lệnh). Các biển báo này sẽ lắp trên một đoạn đường nhất định, theo khung giờ cao điểm có đông người. "Thời gian đầu có thể thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá và nhân rộng" - ông Lợi nhấn mạnh.

Trước cổng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP HCM) có kẻ vạch đỏ nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh   Ảnh: ÁI MY

Trước cổng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP HCM) có kẻ vạch đỏ nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh Ảnh: ÁI MY

Cần khảo sát cụ thể

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhận định thành phố là đô thị đặc biệt với mật độ giao thông đông đúc. Tốc độ trung bình của phương tiện trong nội đô chỉ 30-40 km/giờ, muốn chạy nhanh cũng khó, trừ một số tuyến đường nhiều làn xe.

"Thực tế, Luật Giao thông đường bộ đã quy định giảm tốc độ ở nơi đông người, vấn đề là còn ít biển cảnh báo. Để tăng tính nhắc nhở, trên cơ sở những biển báo đã được lắp đặt trước đó, Ban ATGT có thể đề xuất ghi thêm nội dung khuyến cáo giảm tốc độ, không cần gắn thêm các biển báo làm rối mắt" - PGS Mai đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), thực tế, nhiều đô thị của Việt Nam đã gắn biển cảnh báo giảm tốc độ, không chỉ ở khu vực cổng trường học, bệnh viện mà còn trước các chợ, khu công nghiệp.

"Nếu đề xuất của Ban ATGT TP HCM được thông qua, khi triển khai, cơ quan có thẩm quyền cần khảo sát cụ thể từng tuyến đường, đoạn bắt đầu và kết thúc để gắn biển cảnh báo theo khung giờ nhất định; bảo đảm tổ chức giao thông thuận tiện, khoa học, không hạn chế năng lực giao thông của khu vực" - ông gợi ý.

Nhận xét đề xuất của Ban ATGT TP HCM phù hợp thực tiễn nhưng TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng không nên quy định tốc độ tối đa. TP HCM chỉ cần khuyến cáo người dân giảm tốc độ, làm chủ tốc độ để lái xe an toàn qua các khu vực đông đúc.

Trong khi đó, ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô liên tỉnh, nhận xét đường sá tại TP HCM những năm qua được nâng cấp tốt hơn, phương tiện cũng hiện đại hơn. Lẽ ra, tốc độ lưu thông phải được nâng lên nhưng hiện nay, phương tiện trong nội đô chỉ chạy rất chậm, từ 30 - 40 km/giờ. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tốn chi phí cho người dân.

"Đề xuất của Ban ATGT TP HCM hợp lý nhưng chỉ nên khuyến cáo những vị trí cụ thể, theo khung giờ nhất định" - ông Lê Trung Tính nhìn nhận. 

Nghiên cứu thực tiễn, đánh giá trước khi triển khai

Ở góc độ quản lý, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết để bảo đảm an toàn tại các khu vực đông đúc, từ giữa năm 2022, sở đã triển khai sơn vạch phản quang màu đỏ, gắn biển báo tăng nhận diện trước 70 trường học.

Đối với đề xuất của Ban ATGT TP HCM, ông Hưng cho rằng cần phải nghiên cứu thực tiễn để có kết quả đánh giá trước khi triển khai.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo