Ông NGUYỄN QUÝ PHƯƠNG, Trưởng Phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam:
Xác định thị trường chủ lực
Khi xác định phát triển du lịch, vấn đề đặt ra là hiệu quả của du lịch thể hiện ở doanh thu, số khách và lượng khách quay trở lại. Để du khách trở lại thì việc cần làm là xác định thị trường chủ lực; từ đó đẩy mạnh quảng bá, hợp tác giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành để tăng cường công tác truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội.
Theo tôi, để phát triển du lịch giai đoạn này cần đẩy mạnh vào tổng cầu. Hiện nay, khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều. Do đó, cần triển khai thêm sản phẩm, du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách.
Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Chú trọng đóng góp doanh thu
Năm 2024, ngành du lịch TP HCM đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu khoảng 190.000 tỉ đồng, cao hơn cả mức doanh thu năm 2019. Qua 2 tháng đầu năm, TP HCM đã đạt được 15% chỉ tiêu về doanh thu.
Sau dịch COVID-19, ngành du lịch thành phố định hướng chú trọng về đóng góp của doanh thu, không quá chú trọng vào số lượng khách trong bối cảnh khách quốc tế chưa ổn định. Vừa qua, khi TP HCM triển khai du lịch liên kết vùng, nhiều người đặt vấn đề có phải TP HCM đưa khách về các tỉnh. Thực tế không phải vậy, hoạt động này giúp thúc đẩy khách nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán tour, đem lại doanh thu cho doanh nghiệp TP HCM. Khi triển khai kế hoạch này, các địa phương hỗ trợ nhân lực cho TP HCM rất nhiều.
Ông NGUYỄN HỒNG MINH, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội:
Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc
Năm 2024, ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới như phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện, lễ hội âm nhạc lớn gắn với du lịch quốc tế; phát triển tuyến du lịch đường thủy dọc khu vực sông Hồng; làm sống dậy các điểm đến di sản thành các điểm đến du lịch độc đáo; phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đêm, trong đó sẽ nghiên cứu phát triển khu tổ hợp trường đua F1 quận Nam Từ Liêm thành tổ hợp du lịch, thể thao, vui chơi giải trí đêm đẳng cấp. Hà Nội sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện lớn xuyên suốt cả năm, được tổ chức chuyên nghiệp với nhiều hoạt động mới như trình diễn ánh sáng, biểu diễn bay drone.
Bà NGUYỄN THỊ HOÀI AN, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng:
Định vị điểm đến của khách "nhà giàu"
Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông quảng bá qua KOLs, người nổi tiếng. Dự kiến trong tháng 4 tới, Đà Nẵng sẽ có sự kiện với các danh thủ của Brazil nổi tiếng, tiếp tục chiến lược định hướng xúc tiến quảng bá người nổi tiếng như thời gian qua... Để đáp ứng được phân khúc khách này, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục cải thiện, đa dạng hóa, dịch vụ, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, thân thiện, an toàn, mến khách… Ngoài giới siêu giàu, Đà Nẵng cũng hướng tới sản phẩm cưới của khách Ấn Độ và những cặp đôi quốc tế có mong muốn tổ chức đám cưới tại Việt Nam.
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Vietravel:
Xây dựng điểm đến an ninh, sạch, xanh
Một trong những hạn chế hiện nay là cơ chế thay đổi chậm, thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, vấn đề visa chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt bằng các nước; quy hoạch về du lịch thì còn mơ hồ trong khi thực tế đòi hỏi phải làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực, xác định mục tiêu từ nay đến năm 2030 đón bao nhiêu khách ở mỗi thị trường để có kế hoạch hành động.
Bên cạnh đó, cần phát triển Việt Nam thành điểm đến an ninh, sạch, xanh, đồng bộ hóa, giảm phát thải và thân thiện với môi trường để thu hút du khách. Cần xây dựng "vùng nan hoa", từ đó tạo kết nối, quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau.
Bà PHAN THỊ THÚY DUNG, đại diện Tập đoàn Sun Group:
Cần cải thiện tình trạng thiếu đường bay
Tại Đà Nẵng, Khu Du lịch Bà Nà của Sun Group đón khoảng 84% khách quốc tế; khu nghỉ dưỡng New World ở Phú Quốc đón khoảng 85% khách Hàn Quốc và một số thị trường mới như Nga, Kazakhstan nhưng họ phải bay quá cảnh trước khi tới Phú Quốc. Thực tế, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn gặp rào cản về visa và đường hàng không. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới. Ngoài ra, Việt Nam cần có giải pháp để cải thiện tình trạng thiếu đường bay, thiếu máy bay cả trong nước và quốc tế.
Ông PHẠM QUÝ HUY, Giám đốc Công ty Du lịch Kiwi Travel:
Giá vé du lịch nội địa quá cao
Hiện nay, chi phí vé máy bay nội địa đang cao nên khách thường so sánh với các điểm đến ở khu vực ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và chọn ra nước ngoài du lịch nhiều hơn. Giữa lúc Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế thì khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều là một nghịch lý và gây trở ngại trong liên kết phát triển các tour dài ngày trong nước. Do đó, rất cần các hãng hàng không có mức vé nội địa hợp lý để cạnh tranh với các tuyến bay trong khu vực ASEAN.
Ngoài thu hút nguồn khách, chúng ta nên xây dựng lại thời gian du lịch trọng điểm theo mùa của từng vùng để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của du khách. Các công ty du lịch cũng cần liên kết nhiều hơn để cùng phát triển du lịch nội địa.
Ông NGUYỄN LÊ VĨNH LYNH, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Ngắm cảnh Việt Nam tại TP HCM:
Xe buýt 2 tầng hút khách
Ban đầu, chúng tôi nghĩ mô hình xe buýt 2 tầng dành cho khách nước ngoài nhưng sau đó nhu cầu của khách nội địa Việt Nam cũng nhiều. Rất nhiều khách đã trải nghiệm đi xe buýt 2 tầng nhiều lần, có người đi tới 40 lần. Dù vậy, khách cũng phản ánh tới Việt Nam rồi không biết tối ở chỗ nào, vui chơi ra sao, có sản phẩm về đêm hấp dẫn không. Do đó, cần tiếp tục các hoạt động quảng bá cũng như phát triển thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Khâu đào tạo nguồn nhân lực cũng cần lưu ý, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Với khách quốc tế, hiện khách Hàn Quốc rất đông, khách Ấn Độ cũng nhiều, chúng ta cần tìm giải pháp để khai thác hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những sản phẩm mới, chỉn chu, tốt hơn; đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp với nhau để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn...
Bà PHẠM THANH GIANG, Trưởng Phòng Bán và Tiếp thị - Ban Tiếp thị và Bán sản phẩm - Vietnam Airlines:
Khách sẽ tăng vào nửa cuối năm
Tại Vietnam Airlines, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới bằng 90% so với năm 2019. Vietnam Airlines đang chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines vào tháng 6 và mở đường bay Munich - Đức vào tháng 10, hy vọng đón thêm luồng khách mới. Vietnam Airlines đang phối hợp các tập đoàn lớn xây dựng các gói du lịch hấp dẫn, kỳ vọng nửa cuối 2024 đón khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể. Mong Cục Du lịch quốc gia sẽ làm đầu mối trong xúc tiến du lịch quốc tế nhằm tạo thông điệp chung, đưa hình ảnh Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Nhiều câu hỏi khó đã được giải đáp
Theo nhà báo - tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Báo Người Lao Động là một trong những cơ quan truyền thông luôn đồng hành với ngành du lịch nhiều năm qua và sẽ tiếp tục đồng hành với ngành du lịch TP HCM và cả nước để đưa du lịch phát triển.
"Tọa đàm này là dịp để chúng ta ngồi lại với nhau chia sẻ, trao đổi nhiều vấn đề. Nhiều ý kiến phát biểu đã giải đáp câu hỏi rất khó mà buổi tọa đàm đặt ra là làm thế nào để ngành du lịch đột phá? Tôi đồng ý với đề xuất chúng ta phải thay đổi tư duy, phải bán cái du khách cần chứ không phải bán cái mình có. Phải hiểu nhu cầu của du khách để đáp ứng, kéo khách quay trở lại Việt Nam nhiều lần. Cần xác định điểm yếu và lợi thế của du lịch Việt Nam với các nước để xây dựng chiến lược phát triển cụ thể" - ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Bình luận (0)