Trước đó, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 20-1-2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010 cho thấy phát triển ĐBSCL và liên kết vùng là một vấn đề rất lớn.
Ở góc độ người nghiên cứu khoa học, tôi cho rằng mấu chốt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL là cần tạo ra một không gian kinh tế mới với tầm nhìn dài hạn. Không gian kinh tế này bao gồm 2 cấu phần quan trọng.
Một là, không gian kinh tế trong đất liền, tạm gọi là không gian kinh tế nông nghiệp nội vùng. Ở đây, quan trọng nhất là liên kết vùng để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực cũng như chuỗi giá trị nói chung, trong đó cần xác định chế biến là khâu cốt lõi.
Với nền nông nghiệp đa chức năng, giá trị tăng thêm qua chế biến sản phẩm là điều cực kỳ quan trọng. Chỉ sản phẩm đã qua chế biến mới có thể bảo quản, tồn trữ hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu dài hạn của thị trường. Đó cũng chính là bài học từ nhiều quốc gia về cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại.
Bởi những lý do trên, đòi hỏi phải có sự liên kết vùng để khai thác hiệu quả lợi thế của từng địa phương, từng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Việc này cũng nhằm thực hiện định hướng của Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản là sản phẩm chủ lực.
Ngoài ra, quan tâm đến OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"), sản phẩm riêng của từng tỉnh, thành cũng là một hướng kiến tạo không gian kinh tế nông nghiệp.
Đáng chú ý, để phát triển kinh tế nội vùng ĐBSCL, phải giải quyết được 3 nút thắt: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ chế tổ chức và chính sách liên kết vùng. Khi tháo được những nút thắt này, nền kinh tế nông nghiệp gắn liền nông dân, nông thôn sẽ có sự tương tác tích cực với phát triển đô thị trong tổng thể kinh tế nội vùng.
Hai là, không gian kinh tế biển và phát triển tam ngư. ĐBSCL có chiều dài bờ biển hơn 375 km; thềm lục địa để khai thác kinh tế biển có diện tích lớn gấp đôi đất liền, đem lại tiềm năng lớn cho vùng.
Khi xu thế phát triển dân số và kinh tế nội vùng ngày càng hạn hẹp, đòi hỏi cấp thiết hiện nay là ĐBSCL phải nhìn ra biển. Trong đó, cần đặt vấn đề liên kết vùng để thúc đẩy phát triển tam ngư, gồm: ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường.
Cũng cần lưu ý, để liên kết vùng ĐBSCL nhằm thực hiện hiệu quả những mục tiêu nêu trên, cần sự hỗ trợ của các dịch vụ kèm theo trong đất liền như: ngân hàng, tài chính, giáo dục - đào tạo...
Bình luận (0)