Kết quả của công trình nghiên cứu trên cơ thể chuột trong phòng thí nghiệm về vấn đề này có thể cho ra đời một loại thuốc mới điều trị bệnh tiểu đường dạng (type) II. Tiến sĩ Steven. E. Shoelson, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Joslin và Trường Đại học Y khoa Harvard (Mỹ), là tác giả chính của công trình nghiên cứu này.
Mặc dù qua thời gian, Aspirin đã tỏ ra có một số tác dụng đối với bệnh tiểu đường, nhưng sử dụng nó với liều lượng cao lại có thể gây nguy hiểm. Để làm hạ được đường huyết trong cơ thể bệnh nhân phải cần từ 6 đến 8 g Aspirin/ngày trong một thời gian dài, mà 2 viên Aspirin mới được khoảng 0,65 g. Aspirin liều cao, trong khi được sử dụng cho một số trường hợp bệnh, có thể gây ra một số tác dụng phụ (side effects) nghiêm trọng, ví dụ gây chảy máu đường tiêu hóa, chóng mặt và buồn nôn. Trong trường hợp tiểu đường dạng II, cơ thể mất khả năng sử dụng hợp lý insulin, một nội tiết tố (hormone) cần thiết để chuyển đường huyết thành năng lượng. Đường huyết cao sẽ làm tổn thương mạch máu. Các nhà khoa học đã nghiên cứu Aspirin như là một loại thuốc trị bệnh tiểu đường từ năm 1876 khi một bác sĩ phát hiện thấy tình trạng những bệnh nhân tiểu đường dường như khá hơn khi sử dụng một loại thuốc tương tự như Aspirin. Ông đã thông báo hiện tượng này nhưng nhiều người không tin...
Vào năm 1901 và cuối những năm 50, một số bác sĩ khác đã phát hiện thấy những bệnh nhân tiểu đường dường như khá hơn trong thời gian sử dụng Aspirin liều cao. Không ai cắt nghĩa được và vì thế họ đã không tiếp tục theo dõi.
Còn công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc hai trung tâm nghiên cứu trên cho thấy Aspirin liều cao được sử dụng ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường đã ngăn chặn được sự hoạt động của một enzyme gọi là ikB kinase Bé-ta (hoặc ikk Béta). Có nghĩa là như vậy cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với insulin. Kết quả cho thấy lượng đường trong máu (đường huyết) giảm. S. E. Shoelson và các cộng sự hiện đang tiếp tục tìm kiếm một phân tử hóa học có khả năng ngăn chặn sự hoạt động của ikkBéta mà không có tác dụng phụ của Aspirin. Dù sao thì những kết quả trên mới chỉ được nghiên cứu trên cơ thể chuột, và còn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể thử nghiệm trên cơ thể con người.
Bình luận (0)