Sáng 16-4, chúng tôi đã tiến hành ghi nhận tình hình ở một số khu vực bán thực ăn đường phố trên địa bàn TPHCM.
Vẫn chuyện... muôn năm cũ
Tại quán hủ tiếu bò viên nổi tiếng trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 rất đông khách, trong vai khách hàng, chúng tôi đi vào khu vực nhà vệ sinh. Đó là một phòng nhỏ khoảng 3m2, không có bồn cầu, tôi liền hỏi: “Đi vệ sinh ở đâu hả chị?”, một nhân viên phục vụ trả lời: “Chị cứ đi đại xuống sàn nhà, xong rồi dội nước là sạch liền à”. Nhìn xung quanh tôi rùng mình, vì ngay trên sàn nhà này trải một bao ni lông đựng nhiều loại rau thơm để ăn hủ tiếu. Như vậy, nếu không dội nước mùi ô uế sẽ đọng trên sàn nhà vệ sinh, còn nếu dội nước, dĩ nhiên mớ rau thơm sẽ... lãnh đủ.
Nhiều nơi bán hàng còn diễn cảnh mất vệ sinh ngay trước mắt khách hàng. Quán phở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, nằm cạnh một con hẻm nên mọi việc ô uế đều diễn ra.... “lộ thiên”. Khu vực để rau, thịt nhớp nháp. Khi xe của đơn vị môi trường đến lấy rác, một nhân viên đang ngồi thái thịt cũng nhanh nhảu chạy đi bỏ rác, rồi thản nhiên chùi tay vào quần và tiếp tục ngồi thái thịt. Điều ngạc nhiên là những cảnh mất vệ sinh ở quán này diễn ra trước mắt, nhưng khách vào quán vẫn đông, vẫn hì hụp ngồi ăn phở, húp nước lèo mặc kệ sàn nhà dơ dáy đầy rác bốc mùi ẩm thấp, ruồi nhặng bu đầy trên các tô phở khách đã ăn xong mà nhân viên chưa kịp dọn đi...
Sẽ tập trung kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao Theo TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, việc chọn chủ đề tháng hành động năm nay là “Thức ăn đường phố và đời sống văn hóa - sức khỏe” là rất phù hợp. Bởi kết quả kiểm tra trong năm qua cho thấy tỉ lệ không đạt vệ sinh của khu vực này ở mức báo động: 100% mẫu nước mía, rau má, sữa tươi không nhãn, bánh mì thịt, xôi gà nhiễm vi sinh vượt quá mức quy định; 67% mẫu nhiễm vi khuẩn hiếu khí Coliforms; 23% nhiễm Streptococcus faecalis, đặc biệt 1 mẫu chứa Salmonella (vi khuẩn thương hàn). Riêng chỉ tiêu hóa lý, 94% mẫu vịt, heo quay không đạt phẩm màu quy định, 100% mẫu bánh giò và 88% mẫu bánh da lợn, su sê chứa hàn the. Một trong những mục tiêu đặt ra cho kế hoạch hành động năm 2003 là xây dựng khu thức ăn đường phố điểm cho mỗi quận, huyện. Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khu thức ăn này được xây theo những tiêu chuẩn về VSATTP, tiến tới việc nhân rộng mô hình này vào những năm sau. Ngoài ra, mỗi quận, huyện phải có ít nhất 2 phường, xã đạt tiêu chuẩn bảo đảm VSATTP, đảm bảo 80% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có giấy phép kinh doanh, được kiểm tra đạt tiêu chuẩn VSATTP theo quy định. Tuy nhiên, việc nâng cao hiểu biết của người dân về VSATTP vẫn là mục tiêu hàng đầu. Bác sĩ Tiến nói: “VSATTP là chuyện của từng con người, từng gia đình, không phải đơn thuần là thanh tra. Làm sao để mọi người dân có thói quen tốt về vệ sinh và sự tự giác về ăn uống tốt”. Vì thế, nét mới trong năm nay là tổ chức các cuộc hội thảo, phiên chợ, triển lãm giới thiệu hàng hóa thực phẩm đạt tiêu chuẩn với đông đảo người tiêu dùng. Về thanh tra, theo bác sĩ Nguyễn Đức An, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong năm nay việc thanh kiểm tra sẽ tập trung có trọng điểm vào các khu vực có nguy cơ cao là bếp ăn tập thể, cơ sở cung ứng suất ăn sẵn, cơ sở có nhiều vi phạm, chậm sửa chữa. Sẽ có 3 đợt thanh tra, mỗi đợt kéo dài 1 - 2 tháng. Trong tháng 4 - 5, tập trung thanh tra các khu công nghiệp; tháng 7 - 8, thanh tra kinh doanh hóa chất, chất phụ gia dùng trong thực phẩm. Ph. Sơn |
Chưa ai nhắc nhở gì!
12 giờ trưa 17-4, một nhóm học sinh bu quanh một xe đẩy bán cá viên và đậu hũ chiên trước cổng Trường THCS Lê Quí Đôn, quận 3 thi nhau mua ăn. Dù đã qua 3 ngày của đợt kiểm tra tháng ATVSTP nhưng khu vực này vẫn buôn bán tấp nập như ngày nào. Chị bán đậu hũ chiên vừa dùng tay nhồi thịt sống vào đậu hũ, vừa lấy đồ ăn chín bán cho khách. Gần đấy, người bán sương sâm sau khi khạc nhổ liền lấy tay quẹt ngang miệng và thản nhiên bốc sương sáo bỏ vào chén bán cho học sinh. Bà bán phá lấu mỗi ngày vẫn thản nhiên ngồi bán ngay bên lối đi. Trong vai là phụ huynh đón con giờ tan học, tôi hỏi: “Đang là tháng kiểm tra ATVSTP mà vẫn ngồi bán được hả?”. Anh bán sương sâm trả lời: “Có nghe ai nói gì đâu, cũng chẳng thấy thông báo thông biếc gì cả. Cùng lắm công an đuổi thì chạy thôi”.
Không chỉ mình người bán này mà hầu hết các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố, lề đường chúng tôi tiếp xúc đều không biết bất cứ thông tin gì liên quan đến tháng ATVSTP. Một số chủ cửa hàng còn cho biết: Chưa thấy động tĩnh gì cả và cũng chẳng có ai kiểm tra.
Heo chết, thịt heo ướp hàn the vẫn bán
Ngày 15-4, Trạm Thú y quận Tân Bình đã triển khai lực lượng tiến hành kiểm tra một số chợ trên địa bàn Tân Bình. Tại chợ Hoàng Hoa Thám, sau khi kiểm tra 7 mẫu thịt heo lực lượng kiểm tra phát hiện một mẫu bán bên ngoài chợ có ướp hàn the với số lượng 24 kg. Kiểm tra 18 mẫu tại chợ Phạm Văn Hai phát hiện 3 mẫu ướp hàn the đều của bà Trần Thị Cậy kinh doanh tại số 130/12C đường Phạm Văn Hai (phía sau chợ Phạm Văn Hai) với số lượng 75 kg... Ngày 16- 4, trạm tiếp tục kiểm tra các chợ Hoàng Hoa Thám, chợ phường 16, chợ phường 18 cũng đã phát hiện thêm một số vụ bán thịt ướp hàn the. Đặc biệt, tại chợ phường 18, lực lượng kiểm tra còn phát hiện 3 hộ bày bán thịt gà chết, gà nhuộm phẩm màu phía bên ngoài chợ. Theo nhận xét của Trạm Thú y quận Tân Bình, các hộ bán thịt xay tại các chợ chiều đều có vấn đề, khi đoàn kiểm tra xuất hiện người bán ôm hàng chạy trốn. Những hộ chưa kịp tẩu thoát đều phát hiện có ướp hàn the trong thịt xay.
Trạm Thú y quận Bình Thạnh cũng đã kiểm tra khu vực buôn bán xung quanh chợ Bà Chiểu, điểm nóng tiêu thụ heo chết. Trong 2 ngày 16 và 17-4 đã tiến hành phạt 2 trường hợp bán thịt heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch; phát hiện 5,2 kg thịt heo chết mang bệnh truyền nhiễm (chủ hàng bỏ chạy). Trước đó, trong các ngày 1, 9 và 12- 4, trạm phát hiện khoảng 70 kg thịt heo chết bày bán bên hông chợ Bà Chiểu. Đặc biệt, trước đây những kẻ bán thịt heo chết hầu hết là người từ Đồng Nai đến, nay có nhiều quầy, điểm bán thịt heo xung quanh chợ bán chèn chung với thịt heo đã qua kiểm tra nên rất khó phát hiện.
Bình luận (0)