xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Để làm ăn có hiệu quả hơn

NGUYỄN THIÊN DI

Tinh giản biên chế để doanh nghiệp (DN) mạnh lên, một chủ trương đúng nhưng việc thực hiện không đơn giản. Bằng những cách làm linh động, phù hợp hoàn cảnh đặc thù đơn vị, nhiều DN Nhà nước tại TPHCM tìm cách giải bài toán tinh giản biên chế - một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của DN. Đáng ghi nhận là các giải pháp đều được đại đa số tập thể lao động tán đồng và từ quá trình sắp xếp đó, DN có thêm vận hội để tồn tại và phát triển. Báo Người Lao Động giới thiệu một số mô hình.

Bài 1:  CÔNG TY DỆT MAY THẮNG LỢI- TPHCM

Sắp xếp lại đội ngũ thấu tình đạt lý

Không như các DN dân doanh mới hình thành, Thắng Lợi có “bề dày lịch sử ” với đông đảo lao động nhiều năm gắn bó với DN. Nay nhiều người lao động (NLĐ) đã qua tuổi 40, học vấn, tay nghề khó đáp ứng yêu cầu công việc. Sắp xếp lại không chỉ đơn giản là tìm cách đẩy họ ra đường, trong khi để được như hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của họ, nhiều năm dài tần tảo sớm hôm vào ca đứng máy.

Công khai, thẳng thắn

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty Dệt may Thắng Lợi đều thừa nhận, băn khoăn lớn nhất là nghịch lý tự thân của ngành: sắp xếp là chuyện phải làm để DN tồn tại, song phải làm theo đúng quy định pháp luật và không tạo ra tâm tư bất ổn trong tập thể lao động. Công ty cũng xây dựng các tiêu chuẩn ISO 9002 (12-2000) và SA 8000 (8-2001), do đó yêu cầu “đào tạo và bố trí công việc phù hợp” là việc tất yếu phải làm. Song, cần quán triệt để từng NLĐ đều nhận thức được vấn đề là không của riêng ai, nếu chậm và thiếu quyết đoán, sẽ càng đưa công ty vào chỗ trì trệ nhưng giải quyết nhân sự phải đảm bảo cả hai mặt: lý và tình.

Trong các buổi họp với công nhân (CN), vấn đề được đưa ra thảo luận công khai, thẳng thắn. CN được thông tin về thực trạng của ngành, của công ty, về các thông số liên quan đến công việc hàng ngày: năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra là với năng suất đó, chất lượng sản phẩm đó, liệu thị trường có chấp nhận không và tự thân câu trả lời chung là phải đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh số và tiết kiệm chi phí mới có thể trang trải nuôi nhau được.

Đào tạo lại tay nghề, vận dụng chính sách linh hoạt

Ông Dương Bá Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Thắng Lợi, nói: Khi ổn về nhận thức, chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu tình đạt lý, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Trong quá trình đầu tư, công ty nhập về các công nghệ dệt, nhuộm mới, hiện đại hơn, công suất cao hơn. Hơn 500 CN dệt và 320 CN nhuộm được đào tạo lại tay nghề, chia từng đợt, theo tiến độ lắp đặt thiết bị. Thiết bị mới đòi hỏi CN trẻ, có sức khỏe, có học vấn nên nhiều CN cũ được chuyển sang học ngành nghề mới, từ dệt chuyển sang học nhuộm hoặc đứng máy sợi. Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Nhân sự công ty, cho biết theo cách này, đến năm 2001 công ty đã chuyển được 500 trong số 750 CN ở các công đoạn dệt trước đây sang đứng máy sợi. Làm theo cách cuốn chiếu, dần dần, mỗi quý chuyển khoảng 100 người, mỗi xưởng nhận 50 người sang làm việc. Tương tự, CN nhuộm nay chỉ còn hơn 200 người.

Cũng trong quá trình sắp xếp, nhiều nữ CN tuổi trên 40 không theo nổi việc đào tạo lại vì hạn chế về học vấn, tay nghề; một số CN trẻ hơn, trên 30 tuổi cũng xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình, từ năm 1996 đến nay bình quân mỗi năm số lao động nghỉ việc khoảng 600 người. Công ty đã thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc theo luật định; những trường hợp tuổi đã cao, công ty vận dụng để NLĐ được hưởng chế độ hưu trí. Chưa tính đến trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần do cơ quan BHXH chi trả, chỉ riêng trợ cấp thôi việc, mỗi năm công ty chi hơn 700 triệu đồng, từ năm 1996 đến năm 2001, số tiền trợ cấp thôi việc lên đến gần 5 tỉ đồng.

Qua sắp xếp lại, Thắng Lợi còn khoảng 2.700 lao động. Mới đây, do Công ty May Độc Lập được sáp nhập vào Thắng Lợi nên số lao động hiện có là 3.320 người. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN nhìn nhận: Ai cũng hiểu hiện trạng của ngành dệt may. Sắp xếp lại là tất yếu, là giải pháp “chẳng đặng đừng” và hẳn nhiên là tốt hơn cảnh cứ bấu víu vào nhau để rồi chết chìm. Một số CN đã nghỉ việc cho biết, họ cũng buồn song nói chung đều chấp nhận hoàn cảnh, thà đau một lần còn hơn mọi người cùng đau mãi.

Tạo sức bật mới, tăng trưởng nhanh hơn

Hiện tuổi đời bình quân của lao động Công ty Dệt may Thắng Lợi là 33 tuổi, đa số CN trẻ đều có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông, có trên 20% là thợ bậc cao        (5/6 và 6/6). Công ty vẫn còn 120 CN có độ tuổi trên 40 rải rác ở các phân xưởng, đây là những người thợ qua đào tạo lại, tiếp tục làm việc ổn định. Qua sắp xếp lại, đầu tư công nghệ đúng hướng, Thắng Lợi đã có bước chuyển đáng kể. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, thu nhập NLĐ tăng dần hàng năm. Năm 2001, Thắng Lợi là một trong những DN có doanh thu vào loại cao nhất Tổng Công ty Dệt may VN: 403 tỉ đồng, thu nhập NLĐ đạt gần 1,2 triệu đồng/tháng. Tết này, dự kiến mức thưởng bình quân 1,1 triệu đồng/người. Ông Chiến nói, công ty xác định hai trục chính để phát triển là đầu tư công nghệ và con người. Đầu tư đúng mức, đúng thời điểm. Không vung tay quá trán, lãng phí mà không hiệu quả, song cũng không bảo thủ đến mức cam chịu trên thương trường cạnh tranh quyết liệt. Những chỉ tiêu của công ty trong năm 2002 cao hơn song với nguồn nhân lực, công nghệ hiện hữu, ông Chiến tự tin tập thể công ty làm được.

Kỳ tới: Công ty Bột mì Bình Đông: Những giải pháp đôi bên cùng chấp nhận
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo