xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng ngàn lít dầu nhớt tái chế "chui" ở bìa rừng

Bài và ảnh: Châu Tỉnh

Chủ cơ sở tổ chức thu mua các loại nhớt thải từ các tiệm sửa ô tô, xe gắn máy sau đó tái chế thành dầu diesel thành phẩm để mang đi tiêu thụ tại TP HCM

Từ nguồn tin báo của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động đã thâm nhập thực tế cơ sở tái chế nhớt thải tại thôn Tân Hòa, xã Sông Phan (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).

Ô nhiễm nặng môi trường xung quanh

Dù xác định rõ vị trí cơ sở tái chế dầu nhớt thải được xây dựng tại khu vực xã Tân Hòa, tuy nhiên phải mất hơn nửa ngày men theo nhiều lối mòn bằng cả xe máy lẫn đi bộ, chúng tôi mới tìm đến nơi.

Quan sát từ xa, không dễ nhận biết nơi này được sử dụng để tái chế dầu nhớt thải. Xung quanh là các bức tường tôn xanh cao khoảng 2 m, che kín toàn bộ khu đất diện tích hàng trăm mét vuông, nằm lọt thỏm giữa rẫy thanh long và khu rừng keo lá tràm. Theo tìm hiểu, cơ sở tái chế dầu nhớt thải này do ông Nguyễn Trọng Huân (SN 1980; trú khu phố 3, phường Tân Thiện, thị xã La Gi) làm chủ. Ông Huân thuê đất của người dân địa phương và tiến hành xây dựng khoảng từ tháng 10-2023. Đến đầu tháng 11 vừa qua, cơ sở này đi vào hoạt động, gây ô nhiễm nặng môi trường xung quanh. "Khi cơ sở hoạt động, các cột khói bốc lên cao khiến khu vực xung quanh bị ám mùi" - ông H., một người dân sống cạnh cơ sở tái chế nhớt thải, bức xúc.

Tại hiện trường, cơ sở tái chế dầu nhớt thải của ông Nguyễn Trọng Huân có 1 lò tách nước cặn trong nhớt thải, 2 lò chưng cất nhớt thải, 2 bồn giải nhiệt, 2 bồn chứa dầu sau ngưng tụ, 1 hồ chứa nước làm mát, 1 nhà tiền chế để công nhân sinh hoạt - làm việc. Tại cơ sở còn có 16 thùng phuy (loại 200 lít/thùng) nhớt thải chưa qua xử lý, 20 thùng phuy chứa cặn nhớt thải đã qua xử lý, 9 thùng nhựa (loại 1.000 lít/thùng) chứa dầu nhớt thành phẩm đã qua xử lý. Phía sau cơ sở là các hố đất chứa các bao chất thải rắn màu đen, trên bề mặt hố có lấp đất và được che chắn bằng tôn.

Vào ngày 21-9, Công an huyện Hàm Thuận Nam kiểm tra và thu giữ hơn 10.000 lít dầu diesel được tái chế từ nhớt thải của một cơ sở nằm sâu trong khu vực lâm trường thuộc thôn Lập Đức, xã Tân Lập, cách không xa cơ sở sản xuất nhớt tái chế của ông Nguyễn Trọng Huân. Cơ sở này do ông Tống Phương Bằng (trú tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chủ. Cùng ngày, 5.000 lít dầu nhớt tái chế của cơ sở này đang vận chuyển đến quận 7, TP HCM tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Trước đó, ông Bằng đã tiêu thụ trót lọt 11.000 lít dầu diesel được tái chế từ nhớt thải tại huyện Bình Chánh, TP HCM.

Tại cơ quan điều tra, ông Bằng khai nhận vào khoảng đầu tháng 8, ông đến khu vực lâm trường thuê đất và lắp đặt hệ thống máy móc, cơ sở nhà xưởng. Sau đó tổ chức thu mua các loại nhớt thải từ các tiệm sửa ô tô, xe gắn máy ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu để mang về cơ sở tái chế dầu nhớt thải thành dầu diesel rồi đem đi tiêu thụ tại TP HCM. Nhằm qua mặt cơ quan quản lý, ông Bằng đã tìm, chọn địa điểm hẻo lánh, ít người qua lại, thuê 4 nhân công ở địa phương khác đến tổ chức tái chế.

Hàng ngàn lít dầu nhớt tái chế "chui" ở bìa rừng- Ảnh 1.

Khu vực lò đốt tái chế nhớt

Chất cặn được chôn lấp ngay tại cơ sở

Theo người dân, khi cơ sở của ông Nguyễn Trọng Huân mới được khởi công, xây dựng các lò đốt, người dân nghĩ là cơ sở sản xuất rượu. Sau khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu tái chế dầu nhớt thải, người dân đã trình báo lên chính quyền xã Sông Phan.

Công an huyện Hàm Tân phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, UBND xã Sông Phan vào cuộc kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh tại cơ sở tái chế dầu nhớt nói trên.

Theo lãnh đạo xã Sông Phan, đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã xuất hiện cơ sở sản xuất nhớt tái chế "chui". Địa hình nơi sản xuất là khu vực đồi núi, giáp ranh giữa xã Sông Phan với xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam), nằm xa khu dân cư. "Sau khi phát hiện vụ việc, xã đã cử người kiểm tra, theo dõi nơi sản xuất nhớt tái chế và báo cáo lên cấp trên. Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt hoạt động, di chuyển dầu đi nơi khác" - đại diện xã Sông Phan nói.

Theo Công an huyện Hàm Tân, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định dầu nhớt thải được ông Nguyễn Trọng Huân thu mua tại tỉnh Đắk Lắk gom về cơ sở. Nhớt thải được nhân công đổ vào lò gia nhiệt thêm các chất phụ gia để lắng lọc cặn, rồi đốt thành hơi sang qua lò ngưng tụ, sau đó sử dụng nước làm mát để ngưng tụ thành dầu thành phẩm đổ vào các thùng nhựa loại 1.000 lít cung cứng cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đốt lò nhiệt. Một lượng dầu nặng không hóa thể hơi thì được đổ vào phuy sắt loại 200 lít, chất cặn cho vào bao, chôn lấp ngay tại cơ sở.

Ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, cho biết ngay sau khi nắm bắt vụ việc đã chỉ đạo cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động của cơ sở tái chế dầu nhớt thải này. Các thiết bị, máy móc vụ vụ tái chế cũng đã được tạm giữ để phục vụ việc kiểm tra, xử lý nếu có sai phạm. "Đây là vị trí đất ông Huân thuê, sử dụng sai mục đích. Về việc này, xã đã lập biên bản sai phạm về sử dụng đất đai. Lực lượng chức năng tiếp tục xác định các sai phạm nếu có để xử lý" - ông Chung nói. 

Hiện các mẫu dầu mà công an thu thập tại cơ sở sản xuất dầu nhớt tái chế của ông Nguyễn Trọng Huân đã được đưa đi phân tích. Trên cơ sở kết quả phân tích các mẫu dầu, cơ quan chức năng sẽ đánh giá các tác động đến môi trường để có căn cứ xử lý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo