xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự thật về công nữ ‘hút hồn’ vua Chiêm

Theo PHẠM TRƯỜNG GIANG (Pháp luật TP HCM)

Không được lưu lại trong sử sách, công nữ Ngọc Khoa chỉ được biết đến trong các truyền thuyết của người Chăm…

Công nữ Ngọc Khoa là em ruột cùng mẹ với công nữ Ngọc Vạn và được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Chiêm Thành Po Ro Me. Không được lưu lại trong sử sách, Ngọc Khoa chỉ được biết đến trong các truyền thuyết của người Chăm…

Ở Ninh Thuận, ngoài tháp Chăm nổi tiếng Poklong Garai còn có một ngôi tháp cổ khác cũng rất nổi tiếng, thu hút khách du lịch nằm ở làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước gọi là tháp Po Ro Me.

Ngôi tháp thờ vua thiếu hoàng hậu

Tháp nằm trên một ngọn đồi cao 50 m, là ngôi tháp cuối cùng bằng gạch của người Chăm và cũng là ngôi tháp lớn cuối cùng của vương quốc Chăm pa. Tháp chỉ cao khoảng 8 m, bề ngang mỗi cạnh cũng 8 m. Mặt chính quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới được trang trí bởi hình tượng thần Shiva và ngọn lửa. Đây là một trong số ít những tháp Chăm cổ còn nguyên vẹn cho đến sau này.

Nếu những tháp Chăm khác chỉ thờ thần, tháp Po Ro Me thờ một vị vua Chăm và lấy tên theo ông bởi vì Po Ro Me cũng được người Chăm xem là thần. Sử sách người Chăm ca ngợi vì Po Ro Me là một vị vua anh hùng của Chiêm Thành, cai trị nước này trong 24 năm (1627-1651). Với những chiến công hiển hách được tô thêm nhiều chi tiết mang màu sắc huyền thoại, Po Ro Me đã được người dân Chăm thần linh hóa... Ông là một người thông minh, đĩnh ngộ, ông phải lòng công chúa Bia Than Can (con Po Mưh Taha) và lấy nàng làm vợ. Po Mưh Taha lớn tuổi và sau đó đã nhường ngôi cho ông. Trong tháp thờ pho tượng Po Ro Me bằng đá cùng với pho tượng hoàng hậu Bia Than Can, người đã nhảy vào giàn hỏa chết theo vua. Phía ngoài còn một miếu nhỏ thờ hoàng hậu Bia Than Cih, người đã không chết theo vua.

Tuy nhiên, Po Ro Me có tới ba người vợ, người vợ thứ ba gọi là Bia Ut là người Việt, không có tượng thờ trên tháp. Lý giải cho việc thiếu tượng thờ bà, truyền thuyết người Chăm cho rằng bà bị người Chăm căm ghét, quy kết là người đã dùng mỹ nhân kế để mê hoặc nhà vua khiến vua phải chết và vương triều Chiêm Thành sụp đổ.

Bang giao qua hôn lễ

Sau khi đã gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp để liên minh hai nước với nhau, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tiếp tục tìm cách hòa hoãn với Chiêm Thành. Chiêm Thành đã nhiều lần gây chiến. Họ đang buôn bán với Bồ Đào Nha nên rất có thể sẽ dựa vào Bồ Đào Nha để phát triển quân sự. Vua Po Ro Me cũng mở rộng ngoại giao với Mã Lai như dấu hiệu muốn cầu viện quân sự để chuẩn bị chiến tranh… Trong khi phải lo đối phó với chúa Trịnh phía Bắc, nhất là sau trận chiến ác liệt năm 1627 tại vùng Bố Chính, chúa Sãi không hề muốn Chiêm Thành có thể lợi dụng tấn công phía sau lưng thành ra lưỡng đầu thọ địch, vì vậy phải nhanh chóng hòa hoãn và hóa giải mối nguy này. Một lần nữa, người chủ trương dùng hòa bình tiến về phương Nam, quân sư Đào Duy Từ lại hiến kế cho chúa Sãi gả con gái cho vua Chiêm Thành Po Ro Me.

Sự thật về công nữ ‘hút hồn’ vua Chiêm - Ảnh 1.

Công nữ Ngọc Khoa, ảnh minh họa.

Hai tác giả Dohamide và Doroheim trong tác phẩm Lược sử dân tộc Chăm đã ghi lại rằng theo truyền thuyết của người Chăm, vua Việt cho con gái mình đi cùng một đoàn thương gia vào Chiêm Thành mua bán hàng hóa, Po Ro Me vừa nhìn thấy nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của nàng đã mê mẩn, bần thần, từ đó chỉ còn mơ tưởng mau chóng gặp lại và sở hữu nhan sắc tuyệt trần kia.

Cô gái đó là con gái thứ ba của chúa Sãi, là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, cực kỳ xinh đẹp và duyên dáng. Trong cuốn sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do chính hội đồng Nguyễn Phúc tộc viết lại, ghi rằng: “Năm Tân Mùi (1631) bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (chúa Sãi) gả cho vua Chiêm Thành là Po Ro Me. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước Việt-Chiêm được tốt đẹp”. Tốt đẹp ở đây cho cả hai phía: Chúa Nguyễn không còn lo sợ bị con rể đánh úp sau lưng, còn phía Chiêm Thành cũng không phải tập trung cho binh bị nữa mà dồn sức vào phát triển kinh tế như xây dựng nhiều đập nước khiến mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh trị.

Ngọc Khoa còn khá... mơ hồ

Các tài liệu phương Tây ghi nhận, sau khi Ngọc Khoa trở thành hoàng hậu Bia Ut (Ut ở đây không phải là Út vì bà là vợ cuối cùng của Po Ro Me như một số người lầm tưởng, mà chữ Ut là viết tắt của từ Uttara là phương Bắc, ý chỉ nước Đại Việt) và được Po Ro Me vô cùng sủng ái. Một thời gian sau đó, việc buôn bán với Bồ Đào Nha đã bị dừng lại mà không rõ lý do vì sao, việc này có liên quan đến Ngọc Khoa hay không thì không ai biết.

Ngọc Khoa làm những việc gì ở triều đình Chiêm Thành thì biên niên sử của Chiêm Thành cũng không ghi rõ. Bà biết được đất nước Chiêm Thành được cây thần kraik phù trợ (kraik là cây vắp, ở Sài Gòn có một gò trồng nhiều cây vắp nên gọi là gò vắp, sau này đọc chệch đi thành địa danh Gò Vấp) nên đã giả vờ ốm nặng và cho thầy chiêm tinh nói với Po Ro Me rằng sức khỏe bà bị cây kraik thần đe dọa, khi nào kraik còn bà còn đau ốm. Dù cho cả triều thần hết sức can ngăn nhưng vì quá yêu quý Ngọc Khoa nên Po Ro Me đã mê muội tự tay mình chặt bỏ đi cây thần kraik khiến đất nước Chiêm Thành suy yếu và sau đó bị diệt vong. Đó là lý do người Chăm đã không làm tượng thờ bà và còn lưu truyền trong dân gian câu nói chế giễu “béo như Bia Ut”.

Còn lịch sử ghi nhận năm 1653, lấy lý do Chiêm Thành kiêu ngạo không thèm cống nạp, chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) đã cử cai cơ Hùng Lộc đưa quân vào đánh. Po Ro Me thua trận, bị bắt đóng cũi giải về Phú Xuân, không rõ bị bệnh chết hay đã tự tử. Sau này xác được mang về làm lễ hỏa thiêu. Po Ro Me là vị vua độc lập cuối cùng của Chiêm Thành, các vua sau đó đều phải thần phục nhà Nguyễn cho đến năm 1693 khi chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa Quốc) sai Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân đánh dẹp Chiêm Thành và bắt vua Chiêm về, rồi đổi tên đất Chiêm Thành thành Thuận Phủ.

Số phận Ngọc Khoa được truyền thuyết Chiêm Thành kể lại có ba kết thúc khác nhau:

Truyền thuyết đầu tiên cho biết Bia Ut xin về thăm mẹ bị đau ốm, sau khi rời khỏi Chiêm Thành thì quân nhà Nguyễn đã ồ ạt tấn công Chiêm Thành.

Truyền thuyết thứ hai cho rằng sau khi Po Ro Me thua trận, bị bắt và chết, người Chăm đổ đi tìm Bia Ut để trả thù thì nàng đã tự sát.

Truyền thuyết thứ ba kể rằng Bia Ut đã bị bắt và hành hình theo phong tục Chiêm Thành là nhấn đầu xuống bùn cho đến chết.

Số phận công nữ Ngọc Khoa vẫn luôn là một sự bí ẩn, đến năm sinh năm mất cũng không ai biết rõ. Truyền thuyết về bà có phải chứa đựng một phần sự thực hay chỉ là sự hư cấu của người Chăm trong nỗi niềm oán hận bà?

Vì sao Ngọc Vạn, Ngọc Khoa không được sử sách ghi lại?

Các sử gia sau này đánh giá có thể là một hoặc gồm nhiều lý do sau:

• Việc gả con gái nhằm duy trì mối bang giao láng giềng để mưu sinh cho dân tộc không phải là việc để làm ồn ào nên các sử gia lúc đó theo lệnh chúa đã im lặng, không ghi chép.

• Quan điểm "nữ nhân ngoại tộc" phong kiến xưa kia.

• Thái độ phong kiến xem thường các nước nhỏ hơn nên gả con gái cho họ là chuyện không vinh dự gì để ghi lại.

• Việc sử dụng mỹ nhân kế để đạt được mục đích mở rộng lãnh thổ không được người xưa xem là việc đáng tự hào, dù điều này có thể tiết kiệm rất nhiều xương máu.

Ở thế kỷ 21 nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy cho dù các sử liệu không được ghi chép gì nhiều về hai nàng công nữ con chúa Sãi này nhưng thực tế lịch sử đã cho thấy rõ: Chỉ sau khi gả hai nàng cho vua Chân Lạp và Chiêm Thành, chuyện xung đột giữa nước Việt và hai quốc gia này dịu lại. Đó cũng là cơ hội để người Việt có thể di dân và mở rộng xuống phía Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo