xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân điều khiển máy đầm tay: Nhiều nguy cơ rối loạn cơ xương khớp

CƠ - XƯƠNG - KHỚP.- Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng với nhiều trường hợp công nhân điều khiển máy đầm tay đến điều trị tại các chuyên khoa về tay và vai cho thấy đây là công việc có nhiều nguy cơ gây bệnh cơ - xương - khớp

các đơn vị thi công thuộc ngành xây dựng, giao thông khi gặp những trường hợp điều kiện thi công không cho phép các máy lu, đầm cơ giới hoạt động được (chẳng hạn mái ta luy đường, dặm vá mặt đường, thụt bê tông ở độ sâu v.v...) thì những chiếc máy đầm tay (MĐT) được điều tới thay cho việc lẽ ra phải đầm thủ công không chất lượng mà lại kém năng suất. Công việc của công nhân điều khiển MĐT thoạt trông có vẻ nhẹ nhàng vì không phải gánh vác gì nặng nề, chỉ đi theo chiếc máy đầm (nếu là loại đầm cóc, đầm bàn) hoặc cầm cây đầm (loại đầm dùi như ống xịt bê tông) dí sâu xuống các trụ, hố bê tông. Thế nhưng thời gian gần đây, ở hầu hết các bệnh viện trong TP đều đã nhận được những ca bệnh rối loạn cơ xương khớp, mà người bệnh là công nhân điều khiển MĐT.

Càng ráng càng đau

Anh Trần Bình H. (32 tuổi, ngụ tại phường Linh Trung, Thủ Đức), là công nhân của một công ty chuyên về xây dựng dân dụng về nhà cửa, cầu cống, các công trình thủy lợi ở quận Tân Bình. Gặp chúng tôi ở phòng chờ khám của Khoa Nội khớp Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vào sáng 21-11, anh cho biết ở công ty anh được phân công vào một tổ 6 người chuyên trách khâu đầm. Vào làm mới một tuần, anh đã thấy rã rời hai tay và các  khớp cổ tay, khuỷu, vai cứ tê buốt. Đêm về ngủ, ngực và vai đau ê ẩm. Nhất là khi sử dụng đầm cóc. Cứ nghĩ là mới vào làm chưa quen nên anh cố chịu đựng, không dám kêu than vì sợ mất việc làm. Nhưng dần dần khi thấy 5 người vào làm trước anh lần lượt bỏ hoặc xin chuyển việc, anh mới biết hóa ra công việc chẳng dễ chịu chút nào. Sau một năm lầm lũi theo MĐT, anh đi khám mới biết rối loạn nặng cơ xương khớp ở vùng tay, vai. Vì không có điều kiện đi điều trị nên anh trở về mua các thuốc kháng viêm, giảm đau để uống. Ban đầu thấy đỡ đau nhức nhưng một hai hôm sau vẫn đau lại nên cứ phải uống thuốc liên tục. Bây giờ thì anh phải xin nghỉ việc để điều trị. Các bác sĩ bảo tình trạng của anh bây giờ muốn điều trị lành hẳn phải cần thời gian lâu dài chứ không thể một – hai tuần mà lành được.

Vì mưu sinh phải cố chịu

Từ tâm sự của anh H., chúng tôi đã tìm đến một số công trình giao thông, dân dụng đang thi công trong khu vực TP và gặp được khá nhiều công nhân đang trực tiếp điều khiển MĐT. Gặp chúng tôi ai cũng bảo vì mưu sinh mà phải ráng chịu chứ công việc vất vả vô cùng. Mà thật, chúng tôi chỉ thử đi theo chiếc máy đầm cóc một lúc đã không chịu nổi độ rung giật lan theo tay, tê rần lên cả hai vai và nhức buốt lên đầu. Ở một số công trình, việc điều hành MĐT không giao cụ thể cho một người cứ anh nào mệt thì đổi, nên những vất vả cũng được san sẻ. Nhưng ở những công trình mà công việc bảo quản và điều hành được giao cho một người thì thường là không ai đủ sức để theo máy liên tục trong nhiều ngày. Những ai cố chịu đựng thì sau đó đều mang chứng nhức mỏi ê ẩm tay và vai gần như mãn tính, phải uống các thuốc kháng sinh kháng viêm kéo dài mới duy trì được công việc.

Bệnh nặng nhưng chưa được quan tâm

Mới đây, PGS Võ Hưng ở Phân viện Nghiên cứu Khoa học Bảo hộ Lao động TPHCM đã có một khảo sát sức khỏe công nhân lao động trong quá trình doanh nghiệp đưa thiết bị máy móc tự động vào sản xuất. Quá trình này cho thấy, nhờ máy móc mà người lao động đã giảm được tiêu hao năng lượng trong một số công việc, nhưng ngược lại họ phải đối diện với tần số thao tác cao, động tác lặp đi lặp lại nhiều, công việc kéo dài, diễn ra khá liên tục trong nhiều ngày tháng và đã để lại không ít hậu quả xấu cho cơ thể người lao động. Đó là những phần công việc mà thường người lao động chỉ phải sử dụng một số nhóm cơ nhất định như ngón tay, bàn tay, khuỷu và cánh tay, đai vai và cổ, thắt lưng và đai hông. Khi các nhóm cơ được sử dụng liên tục với cường độ cao sẽ rơi vào tình trạng quá tải kết hợp với việc một số nhóm cơ khác bị chèn ép sẽ dẫn tới hậu quả là rối loạn cơ, xương, khớp. Các rối loạn không xảy ra tức thời mà tích lũy dần theo thời gian với triệu chứng thường bắt đầu bằng viêm dây thần kinh chạy dọc theo các ống xương, các khớp rồi đến nhức nhối từng bộ phận, đau đớn khi vận hành do viêm cơ, viêm gân, viêm bao gân, thoái hóa cột sống. Kết quả khảo sát cho thấy rối loạn cơ xương là một trong hai bệnh gia tăng rất rõ ràng qua từng năm. Tuy khảo sát này không thực hiện với đối tượng là công nhân điều khiển MĐT, nhưng với công việc đặc trưng của họ và những triệu chứng bệnh trạng đã nêu thì rõ ràng đây cũng là một dạng của rối loạn cơ xương khớp giống các trường hợp mà PGS Võ Hưng đã nêu. Đáng tiếc là hiện vẫn chưa có một cuộc điều tra khảo sát nào về sức khỏe lao động của đối tượng này.

Bài - ảnh: Lương Duy Cường


Viêm đau khuỷu: Bệnh thường gặp của người chơi quần vợt nghiệp dư?

9 tháng đầu năm Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã nhận được 752 ca

Viêm đau khuỷu (VĐK) thường gặp ở những người chơi quần vợt nghiệp dư. Bệnh này còn gọi là viêm gân chi trên hay viêm mỏm trên lồi cầu.

5 nguyên nhân

Cánh tay có rất nhiều sợi gân xuất phát từ một vùng rất nhỏ của xương tại khuỷu, nối với các bó cơ duỗi của cẳng tay. Sau các lần sử dụng lặp đi lặp lại của các cơ duỗi này, sợi gân bị quá sức và viêm. Lúc này người chơi cảm thấy đau ở mặt ngoài khuỷu tay. Ngoài nguyên nhân này thì VĐK còn do 4 nguyên nhân khác như: bản thân các cơ bị yếu hoặc mất cân bằng nhóm cơ mà người chơi không biết; sử dụng dụng cụ không thích hợp (cán vợt quá lớn đối với bàn tay, banh quá nặng, vợt quá nặng, dây vợt quá căng v.v...); kỹ thuật chơi chưa tốt nên phải vận động cổ tay quá nhiều; sử dụng những cú đánh giật cục v.v...

4 cách phòng ngừa

1. Luôn phải khởi động làm “nóng” cẩn thận trước khi chơi. Tập trước thật chậm rãi tất cả các động tác mà bạn sẽ sử dụng khi chơi. Tập đánh bóng vào tường và giao bóng đủ kiểu. Đánh bóng qua lại nhanh không phải là phương thức thay thế cho làm nóng. Tập kéo căng và làm mạnh cơ sẽ giúp ngăn chặn chấn thương.

2. Trang bị vợt nhẹ vừa tầm tay. Chọn loại vợt có độ đàn hồi lớn. Chỉnh độ căng dây ở mức cần thiết. Nên thảo luận với người chơi chuyên nghiệp về việc chọn vợt.

3. Các cú đánh trái tay, giao bóng hay cú đập cao quá đầu đều có thể gây nên tổn thương cho khuỷu nếu thực hiện không tốt. Sử dụng cả hai tay để thực hiên các cú đánh trái tay có khuynh hướng an toàn hơn cho khuỷu. Giảm vận động cổ tay ở mức tối thiểu. Các bài học này là cần thiết khi thay đổi cú đánh.

4. Sau một thời gian ngừng chơi, nếu chơi lại thì chỉ hoạt động nhẹ nhàng. Lúc đầu, động tác đánh qua lại nhanh chỉ thực hiện trong thời gian ngắn để tránh các vấn đề nảy sinh từ cú đánh, chơi với thời gian ít hơn trong mỗi ngày hay chơi làm 2 lần. Tránh chơi hết toàn bộ ván đấu cho đến khi khuỷu bạn thực sự lành.

Xử lý khi bị VĐK

VĐK ban đầu chỉ làm người chơi cảm thấy khó chịu nhưng vẫn chơi được nên hầu hết rất chủ quan, chỉ tạm nghỉ vài bữa rồi chơi lại. Điều này rất sai lầm vì nếu không điều trị sớm thì thậm chí phải cần đến việc phẫu thuật mới giải quyết được. Tuy nhiên phẫu thuật trong trường hợp này rất hiếm khi được chỉ định. Việc điều trị bảo tồn thành công phần lớn các trường hợp, nhất là những bài vật lý trị liệu, nhưng đòi hỏi phải kiên trì và đủ thời gian. Sau đây là 4 vấn đề cần áp dụng khi thấy có các dấu hiệu của VĐK:

Tạm thời phải ngừng chơi, đặc biệt khi cảm giác đau biểu hiện rõ rệt. Thậm chí không nên làm cả những việc như bắt tay nhiều lần, nhấc cặp da, mở cửa.

Dùng túi chườm đá chườm trên khuỷu tay 3 lần/ngày, mỗi lần từ 30 đến 60 phút trong giai đoạn ban đầu. Khi đã sử dụng tay một cách tích cực thì giảm thời gian chườm xuống 15 phút/lần. Khi chườm nhớ đặt khăn ngăn cách giữa khuỷu và túi chườm đá.

Đến bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn kỹ thuật xoa bóp lạnh và cách làm mạnh cơ. Đến chuyên khoa chấn thương thể thao để được hướng dẫn sử dụng thuốc kháng viêm và xem xét việc có cần thiết phải dùng đến nẹp chấn thương hay chưa?

Sử dụng bài tập theo hướng dẫn sau đây.

Hướng dẫn bài tập

1. Giữ tay cầm vợt ngang tầm khớp vai và duỗi thẳng. Nắm chặt bàn tay và gấp cổ tay càng nhiều càng tốt. Duỗi cổ tay về vị trí trung tính và lần lượt xoay cánh tay vào trong khi cổ tay gấp. Sau đó xoay cánh tay ra ngoài khi cổ tay duỗi.

2. Ngồi và đặt cánh tay bị tổn thương lên bàn và nâng đỡ bằng nắm đấm tay. Nắm một vật có trọng lượng khoảng 500 g và nâng chậm rãi cổ tay càng cao càng tốt. Thực hiện với bàn tay ngửa sau đó là sấp. Khi lực cơ đã cải thiện thì tăng dần trọng lượng vật nâng.

3. Siết một quả bóng cao su trong lòng bàn tay. Nếu thấy thực hiện khó thì nên bắt đầu bằng cách siết một tấm bọt biển hay khăn rửa mặt có thấm nước.

4. Duỗi thẳng hai tay và vặn chặt một cái khăn khô.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ (PGĐ BV Chấn thương Chỉnh hình)

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo