Kỳ 1: Thiếu xã hội hóa, thiếu cái nhìn xa
Cách đây vài năm, khi các đội Cảng Sài Gòn (CSG), Công an TPHCM và Hải Quan khẳng định ưu thế của mình với nhiều danh hiệu đỉnh cao như vô địch toàn quốc, đoạt cúp quốc gia, đại diện VN thi đấu ở cúp C1, C2 châu Á..., ít ai hình dung được có ngày bóng đá thành phố này rơi vào cảnh tàn tạ như hôm nay: Sau Hải Quan, đến lượt CSG xuống hạng. Làng bóng đỉnh cao bây giờ chỉ còn mỗi mình Ngân hàng Đông Á (NHĐA) trụ lại sau bao thăng trầm.
Bóng đá đỉnh cao sa sút, bóng đá phong trào dậm chân tại chỗ, đây chính là kết quả gần 5 năm hoạt động của Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) TPHCM. Thiếu những kế hoạch mang tính chiến lược, LĐBĐ TPHCM hoạt động một cách mờ nhạt và không để lại dấu ấn nào trong việc duy trì thế mạnh vốn có của bóng đá TP.
Lơi lỏng công tác xã hội hóa bóng đá
Đội Hải Quan bị “khai tử”, đội CSG vắng mặt sân chơi chuyên nghiệp mùa bóng tới, NHĐA trải qua cơn biến động lớn suýt phải rớt hạng, Bưu Điện vất vả ở giải hạng nhất, khâu đào tạo bóng đá trẻ cũng không được chú trọng khiến chất lượng chuyên môn của lớp cầu thủ năng khiếu không đảm bảo. Cùng lúc các đội tuyển U-23, U-18 quốc gia thiếu vắng những cầu thủ của bóng đá TPHCM...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều qua (16-6), ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch LĐBĐ TPHCM, cho biết kế hoạch chuẩn bị cho đại hội LĐBĐ TPHCM nhiệm kỳ 3 gần như đã hoàn tất và đại hội sẽ tiến hành vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khâu nhân sự khi chưa tìm được ứng cử viên cho chức chủ tịch LĐBĐ TPHCM nhiệm kỳ mới. Theo ông Chí, phương hướng hoạt động của liên đoàn nhiệm kỳ mới sẽ chú ý đến tiến trình xã hội hóa bóng đá TPHCM.
Chưa tìm được ứng cử viên chủ tịch LĐBĐ TPHCM
Nhiều người tâm huyết càng lo lắng cho vận mệnh của bóng đá TP khi thời gian qua LĐBĐ TPHCM thiếu quan tâm đến việc phát triển phong trào, gần như thiếu hẳn các kế hoạch tiếp sức cho mô hình xã hội hóa như một số quan chức từng hô hào. Có thể lấy vài ví dụ điển hình: CLB bóng đá Đa Phước không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ liên đoàn về mặt chuyên môn ngoài việc được tổ chức này tặng... 10 quả bóng “loại hai”! Ngoài ra, bóng đá nữ được giao khoán cho Trung tâm TDTT quận 1 nuôi dưỡng và quản lý.
Chỉ lo khai thác “mỏ vàng” sân Thống Nhất
Thay vì tập trung phát triển phong trào, tham mưu, hỗ trợ và củng cố lực lượng cho hai đội bóng CSG, NHĐA, liên đoàn lại chú tâm vào việc khai thác kinh doanh sân Thống Nhất. Việc ăn chia tiền vé không hợp lý khiến các CLB thuê sân phải ta thán. Nếu trước đây lãnh đạo đội CATPHCM từng cử người đến sân Thống Nhất giám sát các cửa ra vào sân để chống thất thoát và nhiều lần than phiền rằng chi phí tổ chức thi đấu ở sân này quá cao thì giờ đây lãnh đạo đội NHĐA nói rằng họ có thể chọn sân Quân khu 7 làm sân nhà vào mùa bóng tới.
Xách vở đi học, học được gì?
Hai năm về trước, với mục đích học tập kinh nghiệm bạn bè, lãnh đạo LĐBĐ TPHCM từng có chuyến đi khảo sát, tìm hiểu thành công của bóng đá Sông Lam Nghệ An. Từ chuyến đi này, cộng với các bài học thu nhặt từ các nền bóng đá tiên tiến, một vài quan chức có trách nhiệm đã phác thảo con đường phát triển của bóng đá TP. Thật đáng buồn, đến nay người ta chưa hề thấy một chương trình hành động thiết thực nào nhằm phát triển bóng đá phong trào. Cần nhắc lại, liên đoàn từng có chủ trương thành lập tuyến bóng đá trẻ với kế hoạch tập trung khoảng 50-70 cầu thủ dưới 20 tuổi, nhưng đến nay kế hoạch chưa hề được triển khai thực hiện.
Nhóm PV thể thao
Kỳ 2: “Cha chung không ai khóc”
Bình luận (0)