Bác sĩ Huỳnh Phương Thượng Vũ, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết người mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 4 - 5 tháng đầu và bú mẹ kéo dài từ 18 - 24 tháng. Mặc dù vậy, trong thực tế chỉ có 30% bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu. Ghi nhận của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và UNICEF gần đây tại nước ta cho thấy hầu như các bà mẹ không ý thức hết về vai trò của sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ.
Ngay những ngày đầu chào đời, nếu được bú sữa mẹ ngay, trẻ sẽ nhận được sữa non chứa nhiều chất bảo vệ chống nhiễm khuẩn. Sữa mẹ được xem là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ vì chứa tất cả chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Chất đạm và chất béo giúp trẻ dễ hấp thu, chất sắt giúp trẻ không bị thiếu máu, lượng can xi đủ để bé phát triển chiều cao và những vitamin khác. Ngoài ra, thành phần các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ ở tỉ lệ cân đối nhất để đáp ứng với nhu cầu của trẻ nhỏ, phù hợp với chức năng gan, thận... còn yếu của trẻ. Trong 4 tháng đầu, để phát triển tốt, trẻ chỉ cần bú sữa mẹ mà không cần ăn uống bất kể thức ăn nào. Gần đây, người ta còn phát hiện thêm nhiều bí mật của sữa mẹ như trẻ bú sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn trẻ bú sữa bò 8 điểm.
Trong giai đoạn đầu đời, trẻ rất dễ mắc những bệnh thông thường nhưng lại nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy trẻ cần được bú sữa mẹ để chống nhiễm trùng. Sữa mẹ có tác dụng diệt vi khuẩn, có các chất ức chế vi khuẩn phát triển, đặc biệt có IgA là kháng thể bề mặt chống vi khuẩn xâm nhập đường tiêu hóa... Trẻ được bú sữa mẹ thì nguy cơ bị tiêu chảy, viêm hô hấp, viêm tai giữa ít hơn so với trẻ bú bình từ 3 - 7 lần.
Bác sĩ Trần Hữu Nhơn, Trưởng Khoa Nội I - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cho rằng vai trò phòng bệnh của sữa mẹ đối với trẻ em rất quan trọng. Để phòng ngừa những bệnh lý phổ biến ở trẻ như viêm đường hô hấp, viêm màng não, bạch hầu, tiêu chảy... trẻ cần được chủng ngừa trong giai đoạn đầu đời. Vắc-xin có chức năng kích thích sự phản ứng của hệ miễn dịch để tạo ra kháng thể, giúp trẻ đối phó với bệnh tật. Tuy vậy, các chuyên gia dinh dưỡng cũng ghi nhận rằng, từ khi sinh ra cho đến 9 tháng tuổi, tổng lượng kháng thể của trẻ chỉ bằng 60% người trưởng thành. Vì vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ được đánh giá là rất cần thiết trong suốt giai đoạn trẻ được tiêm phòng vắc-xin để tăng cường khả năng phòng tránh các bệnh lý phổ biến. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo nếu tất cả trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ thì mỗi năm cứu sống trên 1,5 triệu trẻ em tử vong vì tiêu chảy và viêm phổi, giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em gấp 2 - 3 lần, giảm tỉ lệ tiêu chảy gấp 14 lần.
Bình luận (0)