Lớp 5: Luyện tập để thi thử, khổ ải!
Phụ huynh Y.A có con đang học lớp 5 trường tiểu học K.Đ, quận 1, cũng than: “Con tôi học 2 buổi ở trường, buổi thứ nhất cháu học chính khóa, buổi thứ 2 thì giải bài tập, ôn thi và... buổi thứ 3, tức là về nhà cháu cũng phải tiếp tục giải hơn 10 bài tập toán và 1 bài tập làm văn đến hơn 10 giờ mới xong, ngày nào cũng như ngày nấy từ đầu học kỳ 2 đến nay”.
Ở quận Gò Vấp, tại các trường tiểu học lúc nào cũng thấy các HS lớp 5 túc trực ở trường để học “luyện thi”. HS N.H.L, trường tiểu học C. L, kể: “Ngày nào cô cũng cho cả lớp thật nhiều bài tập toán để về nhà làm, hôm sau vào lớp cô kiểm tra, nếu bạn nào không làm bài sẽ bị cô mời phụ huynh, tụi con không ai dám bỏ học thêm”.
80.000 HS lớp 5 TPHCM học dở hoặc không biết sắp xếp thời gian (?)
Các trường nói trên buộc HS lớp 5 tập trung toàn bộ thời gian ôn thi, là để đạt thành tích “100% HS đỗ tốt nghiệp tiểu học”. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm nay ở quận 1, quận Gò Vấp và một số quận nội thành TPHCM và nó cho thấy ngành GD-ĐT TP tạo áp lực quá căng thẳng đối với các trường tiểu học. Có lần chúng tôi đặt vấn đề tại sao HS tiểu học phải học quá nhiều trong và ngoài giờ học với một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, câu trả lời của vị lãnh đạo này là “do HS không biết sắp xếp thời gian học cho hợp lý, thậm chí là tại HS học “quá dở” nên mới mất nhiều thời gian học ngoài giờ”. Như vậy, với tình hình ôn thi đang diễn ra hiện nay, chẳng lẽ tất cả hơn 80.000 HS lớp 5 ở các trường tiểu học đều không biết sắp xếp thời gian và học dở hay sao?
Học thi rập khuôn theo đề cương
Chị Th. T, phụ huynh của cháu K, đang học lớp 9 trường THCS M.Đ, quận 1, cho biết: “Ngoài giờ học chính khóa ở trường, mỗi tuần 3 buổi chiều cháu phải đến trường học tăng tiết cho 4 môn chuẩn bị thi tốt nghiệp. Sau giờ học, về nhà cháu còn phải học thêm tại nhà thầy, nếu bữa nào không học thêm cháu cũng phải ôn bài tập đến 23 giờ hơn mới đi ngủ”. Chị T. bức xúc nói: “Lúc nào tôi cũng nghe ngành GD-ĐT hô hào đổi mới phương pháp giảng dạy giúp HS tự tin và biết tự sáng tạo hơn, thế mà tôi thấy con mình học ôn thi cứ rập khuôn theo đề cương do nhà trường soạn sẵn, không dám tự sáng tạo thêm chữ nào cả. Có khi tôi hỏi tại sao không thêm thắt câu văn cho hay hơn mà cứ học giống y như đề cương, thì cháu cho biết là nếu làm bài không giống như cô dạy thì điểm sẽ thấp hơn nhiều?!”. Được biết, ở trường THCS H.B, quận 5, vào buổi chiều do ưu tiên dành toàn bộ phòng học cho HS lớp 9 ôn thi nên nhà trường phải thuê thêm một số phòng ở bên ngoài để cho HS lớp 8 học.
Lớp 12: Trường nào không tăng tiết bị coi là “hạn chế” (?!)
Có thể nói là việc tăng tiết đang đồng loạt diễn ra ở tất cả các lớp 12 tại TPHCM. Tại trường THPT L. T. T quận 7, thời khóa biểu của 6 môn chuẩn bị thi tốt nghiệp đã tăng gấp 3 lần, riêng môn toán mỗi tuần HS phải học thêm 10 tiết, các môn còn lại mỗi môn 6 tiết, ngày chủ nhật HS cũng phải đến trường làm kiểm tra “thử”. HS H.D, lớp 12 Trường THPT B.T.X, than: “Em ngán học lắm rồi! Ngày nào cũng phải vào trường tăng tiết, với “hàng đống” bài tập...”.
Một giáo viên dạy môn toán lớp 12 ở quận 3 cho biết: “Tôi thấy các em học và trả bài như là trả nợ, nhiều khi thấy các em học ngày, học thêm, rồi học đêm ở nhà thật quá cực khổ”.
Dù rằng chuyện tăng tiết ở các lớp cuối cấp là khá cần thiết, giúp HS luyện tập trước kỳ thi tốt nghiệp... nhưng tăng tiết đồng loạt dồn dập, dùng hình thức dò bài khắt khe đối với toàn thể HS cuối cấp là sai quy định của Bộ GD-ĐT, tạo áp lực nặng nề cho HS và làm cho HS có tâm lý học tập hình thức. Trong một buổi họp giao ban hiệu trưởng các trường THPT hồi tháng 4-2003, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản khen “các trường đã bố trí các hình thức tăng tiết, phụ đạo cho các môn học ở khối 12 ngay từ đầu năm...”, còn những trường bị coi là “hạn chếë” vì “tăng tiết không đáng kể hoặc thậm chí không tăng tiết...”. Điều này cho phép đặt câu hỏi: Sở GD-ĐT TPHCM đã “bật đèn xanh” cho các trường THPT tự do tăng tiết?
Bình luận (0)