Sau 10 năm chờ đợi, đầu tháng 3-2023, tiếng cười con yêu đã đến với vợ chồng Thiếu tá Hoàng Văn D. và chị Nguyễn Thị Y. (ở Thái Bình).
Kết hôn tháng 10-2013, ngay sau lễ cưới, anh Hoàng Văn D. nhận lệnh vào TP Cam Ranh (Khánh Hòa) làm nhiệm vụ để lại chị Y. ở quê nhà. Năm 2014, để được gần chồng, chị Y. chuyển vào Khánh Hòa sinh sống với hy vọng sớm được thực hiện thiên chức làm cha mẹ.
3 năm sau kết hôn mà tin vui vẫn chưa đến, năm 2016, vợ chồng anh D. đi khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc để thăm khám tìm con nhưng không đạt kết quả.
Năm 2018, anh D. được điều động chuyển công tác ra Hải Phòng. Chị Y. lại theo chồng đến nơi ở mới và tạm dừng công việc giáo viên mầm non của mình. Giữa lúc khó khăn, tưởng không còn hy vọng, anh D. chị Y. biết đến Chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Vợ chồng anh chị đến bệnh viện thăm khám, nộp hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Sau bao lần hy vọng rồi thất vọng trong 10 năm hành trình tìm con, "trái ngọt" đầu tiên của vợ chồng anh D. đã đơm hoa, kết trái khi bé M.K. chào đời.
Theo chị Y., 10 năm chưa có con là từng đó thời gian chị chịu đựng những đàm tiếu dị nghị của người thân, bạn bè, hàng xóm. Nhưng chị đã vượt qua tất cả bởi tình yêu thương, động viên và sự đồng hành của chồng.
Chia sẻ hành trình được làm mẹ trước hàng chục cặp vợ chồng quân nhân đang "tìm con" yêu, câu chuyện của chị Y. đã truyền cảm hứng, khơi dậy động lực, tiếp sức cho nhiều cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn khác.
Thắp hy vọng cho những gia đình hiếm muộn khó khăn
Tại lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF trong Chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" năm 2023, vừa diễn ra, nhiều gia đình nhận hỗ trợ IVF miễn phí đã chia sẻ hoàn cảnh của mình.
Mỗi gia đình, mỗi câu chuyện dù khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn, mà kinh tế là rào cản lớn.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết theo thống kê có khoảng hơn 3.000 gia đình quân nhân hiếm muộn. Nhiều trường hợp quân nhân thường xuyên phải công tác xa gia đình, đặc biệt là những chiến sĩ công tác nơi tuyến đầu Tổ quốc, vì đặc thù công việc mà chưa thể có con, muộn con.
Vì vậy, bệnh viện muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình quân nhân để hành trình tìm con yêu được thuận lợi dễ dàng hơn. Đây là năm thứ 3 Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội miễn phí toàn bộ và một phần phí cho các gia đình quân nhân.
Theo bác sĩ Hiền, 17 em bé đã chào đời khỏe mạnh từ 20 gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF trong 2 năm qua cùng nhiều gói hỗ trợ khác không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng các gia đình mà còn là nguồn động lực to lớn đối với các bác sĩ trên hành trình sắp tới.
"Kết quả này cũng là thông điệp yêu thương mà chúng tôi muốn trao gửi đến các gia đình quân nhân hãy lạc quan, nỗ lực và vững tin vào ngày mai, bởi nhất định con yêu sẽ đến"- bác sĩ Hiền nói.
Bình luận (0)