(Tiếp theo và hết)
Tuy nhiên, đây là một con tính đơn giản, không kể đến các chi phí cho việc tái thiết một Iraq thời “hậu Saddam”. Văn phòng ngân sách của Quốc hội Mỹ cũng dự đoán cuộc chiến Iraq sẽ ngốn 10 tỉ USD của người đóng thuế Mỹ trong tháng đầu tiên, và cứ mỗi tháng tiếp theo sẽ tiêu tốn thêm 8 tỉ USD, không kể khoản 23 tỉ USD chi vào việc đưa quân và khí tài đến và rời vùng Vịnh.
Lawrence Lindsay, người vừa rời khỏi vị trí cố vấn kinh tế của chính quyền Bush, ước tính chi phí chiến tranh ở vào khoảng 100-200 tỉ USD, trong đó có xem xét đến các khó khăn quân sự. William Nordhaus, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Yale, ước tính khoản chi tiêu quân sự trực tiếp trong khoảng 50-140 tỉ USD. Chi phí cho việc xâm chiếm, gìn giữ hòa bình và tái thiết Iraq ở trong khoảng 100-600 tỉ USD trong vòng một thập kỷ tới. Ông Nordhaus cũng tính chi phí phát sinh từ việc giá dầu thô tăng khoảng 500 tỉ USD cho một cuộc chiến khó khăn, và các chi phí kinh tế khác vào khoảng 345 tỉ USD. Tựu trung lại, theo chuyên gia này, chi phí cao nhất mà Mỹ phải chịu cho cuộc chiến sắp tới sẽ ở khoảng 1.600 tỉ USD (chiếm 2% tổng sản phẩm nội địa – GDP – mỗi năm trong vòng 1 thập kỷ). Ăn theo Mỹ, Anh sẽ phải tốn 3,7 tỉ USD, theo cách ước tính đơn giản nhất, tức không bao gồm các chi phí gia tăng nói trên. Đối với Mỹ, một nền kinh tế trì trệ với năng lực dư thừa, một sự bùng nổ chi tiêu khí tài quân sự có thế kích cầu và tăng sản lượng quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tăng thêm được tài trợ bằng tín dụng chính phủ sẽ dẫn đến lạm phát và làm tăng nhập khẩu – những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt trong các nghiệp vụ thường xuyên (bao gồm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cùng các khoản chuyển tiền một chiều như tặng, biếu...), hiện chiếm 5% GDP đối với Mỹ và 2% GDP đối với Anh, cũng như thâm hụt trong thu chi ngân sách và thanh toán nợ chính phủ, hiện chiếm 3% GDP đối với Mỹ và 1,5% GDP đối với Anh. Các nhà phân tích cho rằng các mối lo ngại về việc “lấp” khoản thâm hụt đôi, vốn sẽ gia tăng do chiến tranh, có thể khiến đồng USD giảm giá hay sụp đổ. Điều này chắc chắn sẽ gây tổn hại thêm lòng tin của người tiêu dùng Mỹ. Sự giảm giá của đồng USD cũng sẽ biến Mỹ trở thành “nước xuất khẩu sự suy thoái” sang các bạn hàng của mình, kể cả Anh Quốc.
Washington và London luôn mong muốn có một cuộc chiến tranh ngắn để giảm thiểu chi phí trong bối cảnh có thể chính họ sẽ phải “bao sân” mọi chi phí (Nhật đã tuyên bố không “chung chi” trong cuộc chiến tranh sắp tới). Đây là một điểm khác biệt so với cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến kéo dài, kinh tế toàn cầu, chứ không riêng gì các nước phương Tây, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ riêng tác động của việc tăng giá dầu thô thôi cũng đã là đáng kể. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, giả sử giá dầu tiếp tục tăng thêm 10 USD/thùng như trong năm qua, tăng trưởng GDP sẽ giảm đi khoảng 0,6-0,8% ở Mỹ, khu vực đồng euro và các nước đang phát triển ở châu Á.
Hoàng Trung
(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 13-3-2003
Bình luận (0)