Cuối ngày 22-4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp (DN) giao dịch quanh 81 triệu đồng/lượng mua vào, 83,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng so với cuối ngày hôm trước. Tuy nhiên, mức giá này lại tăng khoảng 700.000 đồng so với đầu ngày, tức trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hủy phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên.
Diễn biến đáng chú ý trong ngày chính là việc NHNN thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau hơn 11 năm dự kiến diễn ra trong buổi sáng cùng ngày do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 2 dự kiến được thực hiện vào 10 giờ hôm nay, 23-4. Khối lượng vàng chào bán vẫn là 16.800 lượng (khoảng 20.000 ounce) nhưng giá tham chiếu để tính giá đặt cọc đã giảm khoảng 1,1 triệu đồng so với phiên đầu tiên, xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng. Cơ quan quản lý cũng cho biết đã thông báo trực tiếp đến 15 tổ chức tín dụng và DN đủ điều kiện để tham gia đấu thầu vàng phiên này.
Theo quy định, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Khối lượng tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Tính theo giá vàng cuối ngày, các NH, DN cần hơn 110 tỉ đồng.
Vì sao các NH thương mại, DN không đăng ký tham gia phiên đấu thầu đầu tiên? Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một NH thương mại nói do NHNN phát đi thông báo vào ngày cuối tuần (19-4) nên một số NH đã hết giờ làm việc và không kịp đăng ký, chuyển tiền đặt cọc.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty vàng nói ông đã chuẩn bị hồ sơ tham gia cả 2 phiên đấu thầu nhưng muốn "nghe ngóng, quan sát" xem mức giá sàn thế nào rồi mới quyết định đặt cọc.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng các đơn vị có nhu cầu tham gia đấu thầu vàng miếng chủ yếu nhằm bù đắp trạng thái âm vàng đã bán ra trong những ngày qua, ước tính nhu cầu của mỗi đơn vị chỉ khoảng vài trăm lượng. Trong khi NHNN quy định mỗi đơn vị tham gia đấu thầu phải mua tối thiểu 1.400 lượng là khá lớn, sẽ có DN lo ngại nếu trúng thầu mà không kịp bán ra sẽ bị lỗ. Khi nguồn cung thị trường tăng lên, cộng thêm đà giảm của giá vàng thế giới đang diễn ra trong ngắn hạn có thể khiến giá vàng miếng SJC giảm sâu. Thực tế, đến cuối ngày 22-4, giá vàng thế giới đã lao dốc khoảng 30 USD/ounce xuống còn 2.360 USD/ounce. "Năm 2013, thời điểm đó giá vàng miếng SJC khoảng 40 triệu đồng/lượng, sau các phiên đấu thầu, giá vàng thường giảm khiến không ít đơn vị tham gia đấu thầu chịu lỗ. Do đó, nếu quy định bỏ thầu tối thiểu khoảng 5 lô (tầm 500 lượng) có thể sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia đấu thầu hơn" - ông Phương nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh - cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng hiện có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng miếng trong khi thị trường có tới 30 - 40 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Do đó, lượng vàng tối thiểu 1.400 lượng này có thể được trao đổi, mua bán lại cho những đơn vị khác, vì vậy không lo không hấp thụ hết.
Các chuyên gia và DN đều nhận định quy mô thị trường vàng miếng SJC hiện tại không nhiều. Chỉ cần khoảng 300 - 400 lượng vàng cung ra thị trường cùng một thời điểm có thể khiến giá biến động mạnh. Do đó, cần quan sát thêm nhiều phiên đấu thầu trong vài ngày chứ không chỉ 1-2 ngày. "Thị trường sẽ phản ứng theo kết quả của các phiên đấu thầu, giá trúng thầu thực tế sau công bố và xu hướng biến động của giá thế giới. Hiện tại, chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới đã giảm còn khoảng 10 triệu đồng/lượng. Nếu chênh lệch thu hẹp về khoảng 4-5 triệu đồng/lượng là NHNN đã đạt yêu cầu và có thể ngưng đấu thầu vàng" - ông Huỳnh Trung Khánh nói.
Yêu cầu xử nghiêm việc thổi giá vàng
Liên quan đến thị trường vàng, tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng.
D.Ngọc
Bình luận (0)