xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trịnh Công Sơn qua Cánh đồng hoang

Nguyễn Quang Sáng 25-4-2003

Một người viết văn, một người viết nhạc, khi còn sống, họ là bạn thân thiết của nhau, thân thiết đến độ tri âm. Bây giờ, người viết nhạc đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng kỷ niệm về bạn mình thì sống mãi trong tâm tưởng người viết văn. Bao nhiêu là kỷ niệm, những lần uống rượu, những chuyến đi thực tếë, những chuyện vui và cả chuyện buồn...

Chiều 23-4-2003, nhà thơ Nguyễn Duy khập khiễng đến chơi với tôi. Nguyễn Duy đi khập khiễng vì bị tai nạn giao thông, bạn bè trong giới và bạn đọc của anh đều biết.

Ngồi  trước cây piano, anh mở nắp đàn, rồi hai tay tìm xuống phím đàn. Sóng gió nổi lên trên cánh đồng nước mênh mông. Khi hai tay Sơn buông xuống kết thúc, sóng nước và bom đạn của chiến tranh vẫn vang lên.

Hai chúng tôi vẫn ngồi dưới gốc hai cây mận, cũng như bao nhiêu năm trước, bạn bè cùng  ngồi với nhau. Nhưng những lần sau này thì có khác, vắng Trịnh Công Sơn, nhưng Sơn vẫn còn đó. Pho tượng Trịnh Công Sơn  - pho tượng bằng đồng với vầng trán thông minh, đôi kính cận  đặt trên cái bàn giữa hai gốc cây mận, như Sơn đang ngồi đó với chúng tôi, tác giả của pho tượng  là nhà điêu khắc Ngô Xuân Lai - là “tài sản” của nhạc sĩ Từ Huy. Nhạc sĩ Từ Huy mang pho tượng này đến nhà tôi nói: “Anh Năm, anh cho em gởi pho tượng ở nhà anh, vì trước đây, anh Sơn và anh em chúng tôi thường ngồi dưới hai gốc cây mận này. Em gởi pho tượng anh Sơn ở đây, để anh em đến thăm anh Sơn và chơi với  anh”. Mỗi lần ngồi với nhau, lần nào chúng tôi cũng rót cho Sơn một ly, đúng liều lượng như lúc Sơn vẫn còn ngồi với bạn bè.

Chiều nay, cùng tôi ngồi bên pho tượng của Sơn, Nguyễn Duy bồi hồi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm với Sơn. Nguyễn Duy nhắc, cái phòng nhỏ trong ngôi nhà tập thể của tôi, trước ngày anh Sáu (Võ Văn Kiệt) ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, anh Sáu, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Duy, Trần Long Ẩn và tôi có một buổi cơm chia tay  (Trần Long Ẩn chạy ngược đường, bị công an thổi còi). Trong buổi vui đó, Nguyễn Duy đòi hát, Trịnh Công Sơn cản: “Ông  đọc thơ thôi chớ!”. Nguyễn Duy cự lại. Cuối cùng, Nguyễn Duy cũng hát, hát lời hai, lời ba theo dòng thời sự mà chúng tôi chưa từng nghe, vừa nghịch vừa duyên, không ai nín cười được... Trịnh Công Sơn quá thích.

Bao nhiêu câu chuyện, cuối cùng Nguyễn Duy nói với tôi hết sức nghiêm túc: “Anh Sáng ạ! Ở tuổi anh bây giờ, anh nên viết hồi ức về kỷ niệm bạn bè”. Tôi nghe phải. Thì đây, Nguyễn Duy nhà thơ ạ, đây là một trong những hồi ức của tôi.

***

Mùa nước lũ năm ngoái (2002), tôi về Đồng Tháp. Các đồng chí lãnh đạo Bưu điện Đồng Tháp đưa tôi vào vùng sâu trên chiếc “hô bo”. “Hô bo” chạy với tốc độ trên 50 cây số/giờ. Chiếc “hô bo” chạy trên cánh đồng nước mênh mông. Nơi nào có xóm nhà, rặng cây thì đó là con kênh, nơi nào không có hai hàng cây, thì đó là đồng lúa, đồng cỏ. “Hô bo” như chạy trên biển sóng nước dập dềnh. Chúng tôi đến gò “Mười Tải”, cái gò cao nhứt của Đồng Tháp, chưa có mùa nước nào hàn qua nổi. Chính trên cái gò này, những ngày đầu chống Pháp, điện đài của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã đặt ở đây. Để kỷ niệm về truyền thống của bưu điện, trên gò đã dựng lên một tượng đài với người con gái Tháp Mười trên xuồng đang  cất mũi trước sóng gió với tượng đài, tác giả là nhà điêu khắc Phạm Mười. Đây cũng chính là bối cảnh mà cố đạo diễn  Hồng Sến chọn cho hai phim Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang.

Chiều, trở về trụ sở Bưu điện Đồng Tháp, tôi nghe các anh nói có mời anh Tư Hữu đến dự buổi cơm, trước khi tôi về thành phố - anh đang ngồi ở phòng khách. Anh Tư Hữu nguyên là  Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tôi vội vàng chạy đến anh. Hơn hai mươi năm mới gặp lại anh, và anh đã xấp xỉ tuổi tám mươi. Tuổi già, anh có thể quên tôi. Tôi ghét những người trẻ mỗi lần gặp người già thì hay đố: “Đố chú cháu tên gì?”. Sao lại đố trí nhớ của người già mà không gợi cho chú bác nhớ mình là ai!

Vì lẽ đó, khi tôi đứng trước anh, một con người cao to, tuy có già hơn 20 năm trước nhưng gương mặt vẫn rạng rỡ lúc nhìn thấy tôi, tôi bèn xưng:

- Em là Sáng, anh Tư!

Anh cười:

- Ba chữ “S”, bây giờ chỉ còn một chữ phải không?

 Sao anh Tư hỏi tôi như vậy? Vì trước đó, sau khi bộ phim Cánh đồng hoang ra đời, nhiều bạn bè bảo bộ phim này có ba cho chữ “S” - Sơn, Sến, Sáng. Sơn, Sến đã ra đi rồi, chỉ còn một “S” là tôi.

Nhớ năm 1977, tôi đưa Sơn về quê tôi chơi. Đến Nha Mân thì xe hỏng, hai chúng tôi phải đi xích lô cho kịp chiều.

Đến Sở VHTT  Đồng Tháp, tôi bảo Sơn đứng ngoài cổng, tôi vào trước. Gặp anh em, tôi bảo rằng tôi đi với Trịnh Công Sơn, anh em reo lên anh Sơn đâu, anh Sơn đâu”. Tôi bảo:

- Ở ngoài cổng có cái bảng “Không tiếp người có tóc có râu!” làm sao tôi dám đưa vô. Năm đó, tóc Trịnh Công Sơn phủ đến vai với một bộ ria mép.

Một vài anh em chạy ra, đón anh: Trịnh Công Sơn  là một ngoại lệ!

Tình cờ, buổi chiều hôm đó, Sở Công an Đồng Tháp có buổi liên hoan, anh Hai Hòa là giám đốc sở, (nguyên thứ trưởng Bộ Công an) mời chúng tôi đến chơi. Các anh xếp chúng tôi ngồi cùng bàn với anh Tư Hữu. Rượu chưa uống thì có một ông bạn già trông có vẻ đã ngà say, ông bắc cái ghế ngồi trước mặt Trịnh Công Sơn, nhìn Sơn lom lom rồi cà khịa mái tóc với bộ râu của Sơn. Mất vui. Anh Tư Hữu, Sơn và tôi thấy khó xử quá. Anh Tư không nói gì, cầm chai rượu đế rót đầy hai ly xây chừng, đặt một ly trước mặt người bạn già:

- Cạn!

Hai cái ly nâng lên, cạn. Anh Tư rót thêm ly thứ hai, hai người cùng cạn. Anh rót thêm ly thứ ba. Đến ly thứ ba (ba ly cấp tập), ông bạn già ngã lưng ngáy pho pho. Ông được dìu vào chỗ nghỉ. Anh Tư cười. Anh Tư “giải thoát” cho Sơn bằng cái cách của anh thật tuyệt vời...

Và còn biết bao nhiêu chuyện nữa trong chuyến đi. Đi là đi chơi chớ không hề nghĩ sẽ cùng nhau làm chuyện gì.

Tôi kể dài dòng để nói Trịnh Công Sơn  đã làm nhạc cho phim Cánh đồng hoang như thế nào.

Phim Mùa gió chướng, tôi và  đạo diễn Hồng Sến mời nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm nhạc. Nhạc của Hoàng Hiệp rất đạt.

Đến phim Cánh đồng hoang, về nhạc, tôi gợi ý đạo diễn Hồng Sến mời Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn có rất nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng chưa bao giờ viết nhạc cho phim. Do đó, tôi phải “dụ”. Đầu tiên, tôi kể chuyện phim với Sơn, sau đó gởi kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh cho Sơn nghiên cứu. Tôi nói:

- Sơn đã đi nhiều lần về đồng bằng, sông nước cũng như con người Sơn biết, cái vốn sống của Sơn đủ sức viết.

Trịnh Công Sơn nói:

- Tôi chưa bao giờ làm nhạc phim. Nhưng theo tôi nghĩ, nhạc phim không phải để minh họa cho hình ảnh, mà góp thêm tiếng nói nhằm thể hiện chủ đề của phim!

Tôi nghĩ bụng “cha này thông minh ghê!”.  Tôi đồng ý với quan điểm của anh, nhưng Sơn vẫn dè dặt, nếu thấy không tự tin, thì tôi sẽ từ chối.

Đạo diễn Hồng Sến kéo đoàn phim về những cánh đồng của Tháp Mười, gần ba tháng mới trở về. Trịnh Công Sơn  vẫn chưa có một nốt nhạc nào, nhưng anh không từ chối. Sau một tháng vào hậu kỳ, hình ảnh đã xong, Sơn vẫn chưa viết. Hồng Sến sốt ruột rủ tôi qua nhà Trịnh Công Sơn.

- Anh Sơn ơi! Phim xong hết rồi. Chỉ còn có nhạc của anh nữa thôi. Nước tới trôn rồi đó!

Trịnh Công Sơn  ngước cặp kính lên:

- Xong rồi à! Thôi vào đây.

Trịnh Công Sơn đưa hai chúng tôi vào phòng trong. Ngồi  trước cây piano, anh mở nắp đàn, rồi hai tay tìm xuống phím đàn. Sóng gió nổi lên trên cánh đồng nước mênh mông. Khi hai tay Sơn buông xuống kết thúc, sóng nước và bom đạn của chiến tranh vẫn vang lên. Đóng lại nắp đàn, Sơn hỏi:

- Được không?

Hồng Sến lặng người:

- Hay, hay lắm anh Sơn.

Trịnh Công Sơn  trở lại bàn, rút bút ghi lại. Đúng là nước tới trôn mới nhảy và đã nhảy thì nhảy cao!

Cầm tờ nhạc, Hồng Sến lên xe, nổ máy, phơi phới như bay.

Sau đó nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phối và dàn dựng.

Năm 1980, liên hoan phim ở Hà Nội, Trịnh Công Sơn  được bằng khen “Nhạc phim khá nhất”. Từ đó, dòng nhạc của  Trịnh Công Sơn tiếp tục tràn vào phim của nhiều đạo diễn khác nhau, thật đắt hàng!

Tôi và Trịnh Công Sơn  cũng đã cùng nhau cộng tác vài ba bộ phim nữa, lai rai sẽ kể sau.

Tôi có ý định sẽ cộng tác thêm với Sơn một hai phim nữa, nhưng anh đã đi rồi. Sơn  đã đi, nhưng bạn bè của anh hãy còn đây...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo