xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kết nối triệu con tim yêu nước qua âm nhạc

Bài và ảnh: TRẦN HỮU PHƯỚC

Âm nhạc chủ đề về biên giới, biển đảo ngày càng lan tỏa, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vun đắp tình yêu Tổ quốc, khắc sâu ý thức bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam

Đầu năm 1979, thông tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc qua Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đến quê hương tôi - xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm ấy, tôi đang học lớp 7...

 Kết nối triệu con tim yêu nước qua âm nhạc- Ảnh 1.

Tiết mục hát múa “Tổ quốc gọi tên mình” được đoàn viên, thanh niên trình diễn trong Đại hội Đoàn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

Khắc sâu trong tâm hồn

Tôi còn nhớ lúc ấy, trong mỗi câu chuyện, trong ánh mắt của thầy cô, của người dân làng xóm, ai cũng lo lắng. Không lo sao được khi mà quê hương vừa bước ra từ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước tàn khốc; nhà cửa còn đơn sơ xiêu vẹo, trường học còn làm bằng tre nứa, cơm không đủ no; nhiều sinh linh nhỏ bé vừa chào đời đã bị di chứng chất độc da cam và những vườn, đồi vẫn còn nham nhở hố pháo, hố bom…

Vào một đêm mùa xuân sau ngày 17-2-1979, khi nhóm bạn chúng tôi đang tập trung nghe chương trình thời sự qua chiếc radio chạy pin của nhà hàng xóm, bỗng lời ca vang lên: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…". Chẳng hiểu sao lúc đó, bạn bè tôi cứ gọi tên bài hát bằng những ca từ đầu tiên như vậy, mà không gọi đúng tên ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, được ông viết vào đêm 17-2-1979, sau khi biên giới phía Bắc bị tấn công vào sáng hôm ấy.

Có lẽ trong lòng, ai cũng hiểu đó là tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, một lần nữa phải đứng lên, phải đổ máu xương để bảo vệ độc lập, chủ quyền như đã bao lần phải đứng lên trong lịch sử. Lời bài hát "… Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…" tạo không khí sục sôi, sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến bảo vệ chân lý, bảo vệ chủ quyền. Nghe bài hát, mỗi bạn tôi nhớ vài câu, chép lại rồi tập hát. Bài hát được phát lại nhiều lần, chúng tôi lắng nghe và thuộc làu.

Thời gian đó, UBND xã cử lực lượng hướng dẫn thầy cô, học sinh chúng tôi tham gia đào công sự quanh trường, cơ quan làm việc của xã; phát động người dân tăng cường khai hoang trồng thêm sắn, khoai, môn, chóc. Thanh niên tham gia học tập quân sự, những học sinh lớn trong trường (đi học trễ vì chiến tranh) xung phong đăng ký tòng quân.

Nghe tôi hát khá chuẩn bài "Chiến đấu vì độc lập tự do", thầy chủ nhiệm phân công tôi tập cho cả lớp. Bài hát lan tỏa rất nhanh. Trong những buổi lao động, sinh hoạt của đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh, bài hát lúc nào cũng vang lên, nhắc nhớ truyền thống kiên cường bất khuất của cha ông: "… Đất nước của ngàn chiến công/ Đang sục sôi khí thế hào hùng/Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa/Đang gọi tiếp những bản hùng ca…".

Cảm xúc dạt dào, sâu lắng từ bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gợi mở cho học trò chúng tôi tìm hiểu rồi tiếp tục tham gia tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn nghệ về chủ đề biên giới trong những năm học cấp 3. Những bài hát: "Gửi em ở cuối sông Hồng", "Chiều biên giới", "Hoa sim biên giới", "Hát về anh"… tham gia hoạt động lửa trại, hội thi văn nghệ được sự cảm nhận đồng điệu của thế hệ học trò ngày ấy.

Cảm xúc về bảo vệ biên giới, chủ quyền thiêng liêng từ những bài hát, chúng tôi mãi mang theo trong tâm hồn.

 Kết nối triệu con tim yêu nước qua âm nhạc- Ảnh 2.

Chương trình văn nghệ chủ đề biển đảo do đoàn viên thanh niên huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam biểu diễn tại triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa

Phổ biến sâu rộng

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, kích động hận thù, chống phá đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền.

Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa phương tiện thông tin, vai trò của truyền thông để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách đến từng địa bàn thôn, xóm. Việc chọn lọc thông tin, lan tỏa sâu rộng âm nhạc chủ đề về biên giới, biển đảo sẽ nhân lên niềm cảm xúc, vun đắp tình yêu Tổ quốc, khắc sâu ý thức chủ quyền của người Việt Nam.

Thời gian qua, hệ thống truyền thanh IP (ứng dụng công nghệ thông tin) được nhà nước quan tâm, đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo về thông tin, đặc biệt là ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, biên giới. Truyền thanh IP tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh của tỉnh, huyện đã đến từng địa bàn dân cư nhanh chóng, kết hợp hiệu quả với chương trình phát thanh địa phương.

Nhờ thế, trung tâm văn hóa - thể thao, truyền thanh - truyền hình cấp huyện phát triển sôi động. Ở cấp cơ sở, các trung tâm văn hóa - thể thao của xã tuyển chọn những bài hát hay về biên giới, biển đảo, phù hợp với từng thời điểm, tăng cường phát qua hệ thống truyền thanh. Bài hát có thể phát sau chương trình thời sự hoặc chương trình chuyên mục về biên giới, biển đảo. Người dân được nghe chương trình phát thanh ngay cả khi đi làm đồng, làm rẫy.

 Kết nối triệu con tim yêu nước qua âm nhạc- Ảnh 3.

Các hội thi, hội diễn văn nghệ chủ đề về biên giới, biển đảo được tổ chức rộng khắp ở tỉnh Quảng Nam

Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cũng được tăng cường đưa về xã, phường, thị trấn, sâu sát đến từng địa phương, cơ sở, được đông đảo công chúng đón nhận, hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình. Trong đó, các chương trình văn nghệ chủ đề về biên giới, biển đảo luôn hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Hiện nay, cùng với cả nước, tại Quảng Nam, những bài hát về biển đảo như: "Tổ quốc nhìn từ biển", "Nơi đảo xa", "Chuyện tình người lính biển", "Gần lắm Trường Sa"… được phổ biến sâu rộng trong học sinh, đoàn viên thanh niên, công chức, viên chức thông qua các triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa, qua các hội thi, hội diễn và công diễn cho người dân cùng xem. Có ca khúc được lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Tiên Phước dàn dựng công phu thành tiết mục hát múa hoành tráng, tạo niềm xúc động mạnh mẽ trong lòng người xem, như "Tổ quốc gọi tên mình".

Những tiết mục văn nghệ chủ đề về bảo vệ chủ quyền Tổ quốc luôn thôi thúc người xem. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đầu, huy hiệu cờ Tổ quốc cài trên ngực áo; cùng với lời ca, điệu múa đã chạm đến trái tim người xem rất tự nhiên, xúc động, tự hào. Tiết mục hát múa "Tổ quốc gọi tên mình" sau đó đã được nhiều trường học và chi đoàn tổ chức tập luyện, tham gia trong các đại hội Đoàn.

Âm nhạc chủ đề về biên giới, biển đảo ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vun đắp tình yêu Tổ quốc, khắc sâu ý thức chủ quyền của người Việt Nam. Âm nhạc luôn đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường, chuyển tải những cảm xúc chân thực nóng hổi từ cuộc sống, cổ vũ tinh thần yêu nước, thương nòi.

Không chỉ Quảng Nam, hiện nay, trên khắp các tỉnh, thành, âm nhạc chủ đề về biên giới, biển đảo đã và đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, kết nối triệu con tim yêu nước. 

Tạo nên "sức mạnh mềm"

Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lúc đó, những lo âu về chủ quyền biển đảo bị xâm phạm được các nhạc sĩ, ca sĩ gửi gắm rất nhiều vào tác phẩm âm nhạc. Nhiều ca khúc về biển đảo cộng hưởng lòng yêu nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Rất nhiều bài hát về biển đảo được lan truyền rộng rãi trên mạng internet, thể hiện rõ quyết tâm, ý chí của người Việt Nam.

Trong tình hình hiện nay, âm nhạc tạo nên "sức mạnh mềm", nhắc nhớ chúng ta lòng tự hào, tự tôn dân tộc, để từ đó ý thức, trách nhiệm hơn, kiên định hơn trong công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo