xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khan hiếm nhân lực chuyển đổi số

Bài và ảnh: GIANG NAM

Việt Nam có nguồn nhân lực số dồi dào nhưng cần đào tạo bài bản và chuyên sâu hơn để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số đến năm 2025, một báo cáo khảo sát gần đây chỉ ra nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số của DN. Trong đó, thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số là điểm nghẽn đối với DN, khiến khả năng đạt thành công trong chuyển đổi số thấp hơn.

Then chốt là đào tạo nguồn

Báo cáo cho thấy việc chuyển đối số thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số DN đã ứng dụng công nghệ vào công việc nhưng người lao động chưa thể vận hành thành thạo, cần có thời gian đào tạo khiến mục tiêu chuyển đổi số của DN không đạt theo kế hoạch đề ra.

Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM Nguyễn Quốc Anh cho biết nhiều DN bắt đầu chuyển đổi số thì gặp khó khăn về thiếu người có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để triển khai dự án. "Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Chuyển đổi số thành công, DN có thể tăng thị phần, tăng cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu, năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút, giữ chân khách hàng. Tuy vậy, nếu chưa có sự chuẩn bị tốt, sẽ là một thách thức không nhỏ cho DN, trong đó phải kể đến nhân lực vận hành DN số" - ông Anh nói.

Khan hiếm nhân lực chuyển đổi số- Ảnh 1.

Tập huấn là hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số

Lãnh đạo một DN sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô vừa tại quận Bình Tân (TP HCM) cho biết đầu tư cho các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số đã lấy đi lợi nhuận của DN trong vài năm. Nhưng đó là khoản đầu tư xứng đáng bởi hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại đang hiện hữu. Chi phí sản xuất, quản lý giảm đáng kể, kênh phân phối rộng mở hơn và đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên.

Duy chỉ có khả năng sử dụng các ứng dụng số vào công việc của nhân sự lớn tuổi trong công ty là phải đào tạo liên tục; bộ phận vận hành chuyển đổi số phải thuê từ đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ khá tốn kém. "Dự kiến khoảng cuối năm 2024 thì mọi thứ mới trơn tru. Chúng tôi đang gửi nhân sự đi đào tạo để có thể nhận chuyển giao trong giữa năm nay. Khá tốn kém nhưng không còn cách nào khác" - lãnh đạo DN này bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tuyển dụng Nhân tài (HR2B), cho rằng trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay thì nhân lực số là bài toán hầu như tất cả DN đều phải giải quyết, nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực số trong nhóm quản lý. Chuyển đổi số cần đi từ tổng thể, từ trên xuống, nên đội ngũ quản lý có vai trò rất quan trọng. 

Việc họ nhận thức như thế nào về chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phương pháp triển khai và quản lý vận hành sau đó. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực chuyển đổi số, theo bà Hồng, then chốt là đào tạo, đa dạng hóa nguồn lực và sử dụng dịch vụ tuyển dụng chuyên nghiệp.

Cần đầu tư bài bản

Nhiều chuyên gia cho biết có 3 trụ cột chính của quá trình chuyển đổi số thành công. Đó là kinh doanh, công nghệ và con người. Tất cả người lao động tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quy trình hoạt động của DN đều là thành phần quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, các DN muốn chuyển đổi số thành công đòi hỏi trình độ cao về kỹ thuật và nhân lực.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam), đánh giá hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng DN Việt Nam thời gian qua đã diễn ra mạnh mẽ. Đa phần DN ưu tiên ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số. 

"Đầu tư cho chuyển đổi số là để thay đổi từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ. Nếu đội ngũ nhân lực chuyển đổi số chưa vững vàng thì quá trình số hóa DN sẽ chậm tiến độ và kém hiệu quả. Khó nhất của DN hiện nay là tìm được nhân tài cho quá trình chuyển đổi số, bởi nhân lực công nghệ Việt Nam đang khan hiếm" - ông Giang nói.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam vẫn thiếu hụt hàng trăm ngàn nhân lực số cho nhu cầu chuyển đổi số. Để có đủ, từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Hiện mỗi năm chỉ đào tạo được 65.000 người, chưa được 50% nhu cầu. 

Trong khi đó, theo FPT Digital, chất lượng nhân lực chuyển đổi số đang là điều đáng lo ngại khi chỉ khoảng 30% đáp ứng được yêu cầu thực tế của DN. Sự yếu kém về chất lượng chủ yếu ở kiến thức, kỹ năng làm chủ các công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như: trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, tự động hóa, blockchain (công nghệ chuỗi - khối).

Ông Albert Antoine, Giám đốc điều hành Avaiga (Singapore) - chuyên gia về khoa học dữ liệu và AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trí thức, được đào tạo bài bản, nhất là với nguồn nhân lực công nghệ trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo ông Albert Antoine, Việt Nam có nguồn nhân lực trí thức dồi dào nhưng cần đầu tư bài bản và chuyên sâu hơn nữa vào việc đào tạo. 

Chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp các DN sẵn sàng cũng như tới gần hơn với quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Chuyên gia này còn cho rằng các DN Việt cần duy trì tinh thần sáng tạo liên tục để có thể vượt qua khó khăn, phát triển và thành công hơn nữa trong tương lai. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo