Trong một báo cáo UBND TP Hà Nội về tình hình trật tự xây dựng đối với các loại hình công trình nhà ở trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội có nêu rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra ở một số quận, huyện, thị xã.
Đáng chú ý, về công tác kiểm tra trật tự xây dựng, toàn TP Hà Nội có 20.915 công trình xây dựng đúng giấy phép, song vẫn còn có tới 2.294 công trình xây sai giấy phép, 7.326 công trình không phép… Nói cách khác, số công trình vi phạm trật tự xây dựng chiếm một tỉ lệ khá cao, gần 50%, so với công trình xây đúng giấy phép.
Tại một thành phố lớn, nhất là thủ đô như Hà Nội, tỉ lệ công trình sai giấy phép, không giấy phép cao như vậy thật khó chấp nhận. Hơn thế, đó mới là những công trình bị phát hiện, trong khi nhiều quận, huyện khác của TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục việc rà soát về các công trình xây dựng thời gian qua.
Có thể nói, vi phạm trật tự xây dựng là một vấn đề nóng, gây bức xúc ở Hà Nội, đặc biệt sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương. Thảm họa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này cũng đồng thời bộc lộ nhiều vấn đề khi tòa chung cư mini này có nhiều vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng mà vẫn tồn tại trong thời gian dài trước đó.
Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội
Sau vụ hỏa hoạn, TP Hà Nội đã kiểm tra, rà soát lại những công trình xây dựng liên quan chủ chung cư này cũng như các chung cư mini trên địa bàn. Trước vụ cháy chung cư mini, dư luận từng lên tiếng, bức xúc với những vụ vi phạm trật tự xây dựng khác như các vụ Sóc Sơn, 8B Lê Trực, cháy quán karaoke, biệt thự lô 9B (Cầu Giấy), lấn chiếm Đầm Bông... và mới đây nhất là "lâu đài" của "đại gia" (quận Ba Đình).
Vì sao các vụ vi phạm trật tự xây dựng cứ mãi tiếp diễn? Trước hết phải thừa nhận không phải vụ vi phạm nào cũng chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Dư luận từng lên tiếng đặt vấn đề nếu không có sự thiếu trách nhiệm, thậm chí "chống lưng" của những người có trách nhiệm thì liệu những công trình vi phạm có thể hoàn thành, chứ chưa nói tới đưa vào sử dụng?
Một vị từng giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của TP Hà Nội đã nói thẳng rằng có "thế lực chống lưng" đằng sau các công trình, chung cư mini vượt tầng.
"Con voi" vi phạm trật tự xây dựng khó có thể, nếu không muốn nói là không thể chui lọt qua "lỗ kim" quản lý nếu giới chức làm đúng trách nhiệm và liêm chính.
Muốn trị dứt bệnh vi phạm trật tự xây dựng thì điều quan trọng nhất là phải trị từ gốc, đó là xử nghiêm các cán bộ có trách nhiệm ở nơi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng.
Bình luận (0)