KS. Dương Minh Trí, Phân viện Vật lý TP.HCM (PVVL), dùng thiết bị ME3030B nhập từ Đức (giá 150 USD) để đo chiếc máy vi tính đang hoạt động.
Chỉ số trên màn hình máy đo dao động từ 400 - 487nT, cao hơn gấp hai lần với quy định của Bộ Y tế trong "Tiêu chuẩn Vệ sinh Lao động". Với từ trường tần số thấp, từ 30kHz trở xuống, mức tối đa cho phép tiếp xúc nghề nghiệp là 0,2mT (0,2mT=200nT)
Môi trường xung quanh: Điện từ trường cao ngất
Từ kết quả trên cho thấy, các thiết bị có phát sinh bức xạ điện từ trường rất cao như thế mà lâu nay người sử dụng vẫn chủ quan. Chính vì vậy, theo KS.Dương Minh Trí, trưởng phòng Điện tử Ứng dụng thuộc PVVL TP.HCM, họ đã quyết định nhập thử thiết bị ME3030B đo nhiễu điện từ trường.
Sau khi kiểm tra chiếc máy vi tính, KS. Dương Minh Trí lại đưa thiết bị đo đến gần chiếc bồn rửa mặt. Xung quanh không có thiết bị điện, nhưng thiết bị đo lại nhảy đến hơn 1.000V/m. Trong khi theo quy định của "Tiêu chuẩn vệ sinh lao động" do Bộ Y tế ban hành năm 2003, cường độ điện trường tần số thấp từ 4kHz-30kHz chỉ có 625V/m
"Phía sau bồn rửa mặt là tủ điện tập trung toàn bộ hệ thống điện của tòa nhà, nên bức xạ điện trường ở khu vực này rất lớn," KS. Dương Minh Trí cho biết.
Chỉ dài khoảng 180cm và nặng 175g, thiết bị ME3030B rất dễ sử dụng. Bất cứ ai, từ doanh nghiệp đến một bà nội trợ, đều có thể tự kiểm tra môi trường xung quanh có bị nhiễu điện từ trường hay không.
Người sử dụng di chuyển máy chầm chậm quanh khu vực cần đo. Các bộ cảm biến về điện hay từ sẽ bắt đầu phản ứng và cho kết quả chỉ trong vòng 1 - 2 giây.
Theo KS Dương Minh Trí, một số tổ chức quốc tế như quy định MPR II của Ủy ban Kỹ thuật Thụy Điển (Swedisch Board for Technical Accreditation - SWEDAC) hay Hiệp hội Liên minh Nghề nghiệp Thụy Điển (Swedish Confederation of Professional Employees - TCO) của Thụy Điển, đã quy định bức xạ điện trường tối đa là từ 25V/m - 10V/m đối với điện trường xoay chiều từ 5Hz- 2kHz.
Ngoài ra, Thụy Điển chỉ cho phép xây dựng cách đường dây điện một khoảng nhằm đảm bảo từ trường nhỏ hơn 200nT.
Tác nhân gây ung thư?
GS-TSKH Nguyễn Mạnh Liên, chủ nhiệm Bộ môn: Y học Môi trường và Lao động thuộc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM, cho biết trong thời gian từ 1975 – 1993, nhiều công trình nghiên cứu tác động trường điện từ tần số cực thấp (tần số có giá trị từ 30kHz trở xuống) trên động vật đã được thực hiện trên thế giới.
Những nghiên cứu đã tập trung vào hệ thần kinh trung ương bao gồm: sinh lý, siêu cấu trúc và biến đổi sinh hóa; và những biến đổi của thành phần huyết học, hành vi, khả năng sinh sản và phát triển. Với cường độ điện trường từ 0,1 - 100kV/m, nhiều công trình ghi nhận những biến đổi về hình thái bạch cầu và công thức của bạch cầu. Hay kết quả từ những công trình cho thấy, sự tăng trưởng của động vật chậm lại, tăng số lượng dị dạng ở các thế hệ sau, giảm khả năng thụ thai và giảm số con.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên người tình nguyện với liều lượng 3kV/m của hai nhà khoa học Nhật Bản: Takagi và Muto (1971); với liều lượng 1,5 kV/m của R. Hauf (1974); hay Rupilus (1976): 20 kV/m.
Trong khoảng một tuần, mỗi ngày chiếu từ vài phút đến 3 giờ, những người tình nguyện đã cho có các biến đổi nhẹ về huyết học như giảm số lượng bạch cầu và một số biến đổi về sinh hóa.
BS. Đỗ Khánh Dương, PGĐ Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường, thuộc Sở Y tế TP.HCM, lo ngại rằng các bức xạ điện từ trường về lâu dài sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng.
Cơ thể hàng ngày tích lũy từng lượng vô cùng nhỏ điện từ trường. Đến một lúc nào đó, sự tích lũy đó sẽ làm biến đổi các thành phần của máu, xương, và bộ phận sinh sản hoặc gây ung thư.
"Khi độc vào cơ thể, gan sẽ tự động thải lọc chất độc ra ngoài bằng các con đường khác nhau như nước tiểu, phân, hay mồ hôi. Nhưng bản chất của điện từ trường là tích lũy. Tích lũy đến một lúc nào đó, điện từ trường có thể gây ra biến đổi các thành phần cấu tạo của xương, máu hay bộ phận sinh sản hoặc gây ung thư," BS. Khánh Dương cho biết.
Hiện nay, mặc dầu, kết quả của các nghiên cứu về sự liên quan giữa điện - từ trường và ung thư còn thấp nhưng các chuyên gia đã kết luận là có mối quan hệ rất giữa điện - từ trường và ung thư, đặc biệt là ung thư não ở trẻ em và người lớn, ung thư vú ở phụ nữ và bệnh bạch cầu.
Theo nghiên cứu của Wertheimer và Leeper năm 1979, tỷ lệ ung thư huyết của trẻ em ở bang Colorado sống cạnh đường dây cao thế tăng hơn nhóm trẻ sống cách xa đường dây điện cao thế tới 2-3 lần. Các tác giả này năm 1982 công bố: người dân sống cạnh đường dây cao thế có tỷ lệ ung thư hệ thần kinh, vú, tử cung và huyết cao hơn nhóm đối chứng.
Bình luận (0)