xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chữ quốc ngữ trong nền văn hiến VN

Phan Quang

Quá trình phát triển của chữ quốc ngữ cho thấy nó được khởi xướng từ các giáo sĩ, nhưng chính nhân dân Việt Nam mới làm hoàn thiện nó

Khi thực dân Pháp đoạt trọn sáu tỉnh Nam Kỳ từ tay triều đình nhà Nguyễn vào nửa cuối thế kỷ 19, chữ quốc ngữ đã ra đời khá lâu. Về mặt chính tả, nó đã qua bước sơ khai, có thể coi như đã định hình. Tuy vậy phạm vi sử dụng nó chỉ loanh quanh ở các nhà thờ Thiên Chúa giáo, chủ yếu được các linh mục và một số chức sắc nước ngoài dùng để rao giảng, truyền bá giáo lý. Dưới con mắt đầy cảnh giác của đại bộ phận nhân dân Việt Nam chịu ảnh hưởng Nho giáo thời ấy, đó chẳng qua là một sản phẩm nữa của người Tây dương.

Không thể dùng tiếng Pháp

Nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ mà chóp bu là các đô đốc hải quân thoạt tiên không mấy quan tâm đến chữ quốc ngữ của các nhà truyền giáo. Chính sách văn hóa của thực dân Pháp là chính sách ngu dân. Họ muốn nhân dân những xứ họ cai trị chỉ dùng tiếng Pháp, coi tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ làm việc duy nhất không chỉ trong giao dịch việc công mà cả trong cuộc sống thường ngày, điều mà họ sẽ làm thành công tại một số nơi bị họ thống trị ở các lục địa khác. Nhưng người Pháp sớm nhận ra, đối với một nước có chiều dày văn hiến như Việt Nam, với ý thức dân tộc cao như người Việt, rất khó dùng tiếng Pháp áp đặt bộ máy cai trị và phục vụ công việc bình định rất khẩn thiết và đầy khó khăn của họ lúc bấy giờ. Cho đến đầu thế kỷ 20, theo báo cáo của phó thống đốc Nam Kỳ trước một ủy ban của Nghị viện Pháp, “chỉ có khoảng mấy trăm người An Nam nói thạo tiếng Pháp, không tính mấy ngàn người nói nhăng nhít đôi ba tiếng, đó là những người giúp việc, đầu bếp, kéo xe, cu ly... phục vụ các ông chủ Pháp” (1).

Sau thất bại của tờ Bản tin chính thức của Phái bộ Viễn chinh Nam Kỳ xuất bản bằng tiếng Pháp (1861), các đô đốc Pháp thử cho ra tờ Bản tin làng xã in bằng chữ Hán. Đối tượng của bản tin này là các công chức, hào lý, chức dịch... người Việt Nam. Nhưng số chức dịch thông thạo chữ Hán đâu có nhiều. Đó là một trong nhiều lý do khiến người Pháp phải xúc tiến việc cho ra đời tờ Gia Định báo (1865) bằng chữ quốc ngữ do một người Pháp là Ernest Potteau chủ trì. Tiếp ngay sau đó, tờ Phan Yên báo do Diệp Văn Cương, một nhân sĩ nổi tiếng, con rể vua Dục Đức làm chủ bút ra mắt bạn đọc (1868). Rõ ràng người Pháp sớm nhận thấy cần nâng đỡ chữ quốc ngữ, sử dụng nó, kéo nó ra khỏi phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo để đưa vào đời sống xã hội, dĩ nhiên nhằm phục vụ các mục đích của chủ thực dân trước hết. Việc chủ trì Gia Định báo được chuyển từ tay người Pháp sang một người Việt Nam: Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, không hẳn như một nhà nghiên cứu khẳng định, “khi nắm được chữ quốc ngữ, người Việt Nam không ngần ngại, dùng ngay. Xem số sách báo bằng chữ quốc ngữ tràn đầy cuối thế kỷ 19 thì thấy...”. Theo thống kê của tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, đến hết thế kỷ 19, ngoài hai tờ báo nói trên, trong 35 năm, vẻn vẹn có thêm ba tờ báo tiếng Việt khác là Nhật trình Nam Kỳ (1883), Nam Kỳ địa phận (1883) và Đại Nam đồng văn nhật báo (1892). Tờ Nông cổ mín đàm phải đợi đến năm bản lề sang thế kỷ 20 mới ra mắt bạn đọc (1900) (2).

Vai trò các chí sĩ Việt nam

Để chữ quốc ngữ đi dần vào đời sống xã hội, đi đôi với sự nâng đỡ của nhà cầm quyền Pháp (như mở trường tiểu học Pháp Việt, bỏ các cuộc thi Hương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, buộc các viên chức bản xứ làm việc cho họ ngoài chữ Nho phải thông thạo chữ quốc ngữ, giảm bớt một phần những hạn chế khắt khe ra báo bằng tiếng Việt...) phải cậy đến vai trò của các nhà yêu nước Việt Nam. Các chí sĩ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mặc dù hầu hết xuất thân Nho học và quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân, đều sớm thấy rõ sự tiện lợi, dễ học và công dụng của chữ quốc ngữ. Đông Kinh Nghĩa Thục công bố Văn minh tân học sách (1904) nêu sáu chính sách lớn, mà chính sách đầu tiên là dùng văn tự nước nhà: “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong vài tháng đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ...”, và chính sách thứ sáu là xuất bản báo chí quốc văn (3). Tiến sĩ Trần Quý Cáp, người sau này bị thực dân Pháp kết tội tử hình, kêu gọi (1906): “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta...” (4). Cụ nghè Ngô Đức Kế từ nhà tù Côn Đảo về, khẳng định: “Các nhà tân học, cựu học đều biết rằng muốn khai thông phong khí cho dễ, truyền bá văn minh cho mau, thì phải dùng tiếng mình chữ mình” (5), v.v...

Vai trò của báo chí, các nhà văn.- Báo chí Việt Nam, và tiếp sau báo chí là văn học Việt Nam, đã có công lớn là hoàn thiện, phổ cập, thống nhất, nâng cao chữ quốc ngữ, làm cho tiếng Việt thể hiện bằng chữ quốc ngữ trở thành một ngôn ngữ thống nhất đủ sức diễn đạt sáng tỏ, chuẩn xác, nhuần nhị mọi vấn đề của cuộc sống bình thường cũng như trong chính trị, triết học, văn học, khoa học, công nghệ hiện đại...

Từ những năm 20 thế kỷ trước, báo chí tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ về chính tả, cú pháp, tách ngôn ngữ văn hóa khỏi lối văn chương biền ngẫu, đồng thời nâng lên cho trau chuốt hơn, chuẩn xác hơn văn đời thường. Người đầu tiên đề xuất phương án cải tiến cách chữ quốc ngữ, thay đổi một số điểm được cho là chưa hợp lý, nếu tôi nhớ không nhầm, là Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí. Báo chí chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ đến cuối những năm 20 đã chuẩn bị cho sự nở rộ của văn học Việt Nam những năm 30 trở đi, với việc đăng tải văn dịch của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Học, biên khảo của Phạm Quỳnh, Lê Thước, Đào Trinh Nhất, nghiên cứu của Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đào Duy Anh, luận chiến của Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, sáng tác của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Đông Hồ... và rất nhiều tên tuổi khác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Như nhà giáo Dương Quảng Hàm nhận xét, “thời kỳ này, báo chí kế tiếp xuất bản, trong đó có các nhà báo có giá trị, hoặc về phái cựu học, hoặc về phái tân học..., nhờ đó mà quốc văn mới thành lập và có cơ sở vững vàng” (6) . Về nâng cao dân trí, thông qua báo chí bằng chữ quốc ngữ, người dân Việt Nam không thông thạo ngoại ngữ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn có thể tiếp cận các nhà tư tưởng thế kỷ ánh sáng Pháp, các triết gia Đức, các nhà tân học Trung Hoa, các nhà duy tân Nhật Bản, và trong chừng mực nào đó văn học ấn Độ, Ba Tư...

Báo chí cách mạng Việt Nam khởi nguồn với báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập (1925) mà tuyệt đại bộ phận xuất bản bằng chữ quốc ngữ, đã giương cao ngọn cờ cách mạng, luôn luôn đi đầu trong mọi cuộc vận động đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, từ các phong trào bí mật và công khai dẫn đến Cách mạng Tháng Tám thành công, thiết lập chính quyền nhân dân, và đặc biệt qua mấy cuộc kháng chiến cứu nước, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc và tiến hành đổi mới thành công... Chữ quốc ngữ trước sau, nhất là từ khi có Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), luôn luôn giữ vai trò hàng đầu trong sự nghiệp bảo tồn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau 1945, với các chính sách văn hóa, giáo dục, khoa học của chế độ mới theo tầm nhìn của nhà lãnh đạo chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ quốc ngữ càng có dịp cất cánh bay cao bay xa. Xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, dùng tiếng Việt trong giáo dục kể cả ở bậc đại học, xuất bản báo chí, đề cao văn học, chấn hưng văn hóa..., chữ quốc ngữ được đặt trên bệ phóng vững chãi của toàn dân tộc để liên tục có những bước phát triển lớn cả về lượng và về chất. Từ nay, trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước Việt Nam: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, ngoại giao... chữ quốc ngữ giữ vai trò công cụ chính thức.

Sự phát triển của chữ quốc ngữ có đóng góp của toàn thể nhân dân Việt nam.- Nhà văn và nhà sử học Pháp Jean Lacouture có kể lại, một lần Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Hoa Chu Ân Lai tiếp ba nhà văn hóa châu Âu: nhà đạo diễn điện ảnh Hà Lan Joris Ivens, ký giả Marceline Loridan của báo Le Monde (Thế giới) và nhà văn Jean Lacouture tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, thủ tướng có nói: Trung Quốc không được may mắn như những người bạn Việt Nam, chúng tôi chưa có cách viết chính thức tiếng Hoa bằng mẫu tự romain, do đó tiếp cận nền văn minh phương Tây không được dễ dàng và thuận tiện bằng các bạn chúng tôi ở Việt Nam (7). Cách phiên âm tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ khởi thủy do một tập thể giáo sĩ châu Âu: Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan... (và như đã nói ở bài trước, tại sao không, sự tham gia của một số tín đồ Công giáo người bản xứ thời bấy giờ) đề xuất và thực hiện, trong đó chắc chắn có sự góp phần đáng kể của Alexandre de Rhodes. Nó không ngừng được hoàn thiện, nâng cao và sử dụng rộng rãi do công lao của toàn thể nhân dân Việt Nam trong đó có báo chí, văn học, khoa học... Từ đầu thế kỷ 20, nếu không có sự ủng hộ của các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, kể cả phần lớn các nhà gọi là “cựu học”, chữ quốc ngữ khó có một bước khởi động ngoạn mục như chúng ta từng thấy. Sau khi thành lập chế độ Cộng hòa năm 1945, nếu không có chính sách nâng đỡ và sử dụng đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chữ quốc ngữ không thể có những bước phát triển và cống hiến to lớn vào văn hiến Việt Nam và vào toàn bộ tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam như nó đã có mấy thế kỷ qua và hiện nay. Trong tương lai, với sự thăng hoa của dân tộc vượt qua mọi thách thức trong vận hội mới, nhất định chữ quốc ngữ, phương tiện duy nhất chuyển tải tiếng Việt, sẽ ngày càng phát huy rực rỡ, đóng góp ngày càng nhiều vào nền văn hiến Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo