Omo I là Homo sapiens, tức "người tinh khôn" hay "người hiện đại", tức loài của chúng ta. Suốt 6 thập kỷ qua, các nhà khoa học đã thử xác định niên đại của bộ hài cốt này nhưng không thể đưa ra con số chính xác, chỉ ước chừng khoảng 200.000 tuổi.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế dẫn đầu bởi Đại học Cambridge (Anh) đã sử dụng phương pháp phân tích hóa học các lớp tro núi lửa trên và dưới lớp trầm tích nơi Omo I được tìm thấy cuối cùng đã đưa ra câu trả lời chuẩn xác: 230.000 tuổi, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Hộp sọ được tái tạo tạo của Omo I - Ảnh: GuillaumeG
Đây là một sự kiện hết sức ý nghĩa. Theo tiến sĩ Céline Vidal từ Khoa Địa lý Đại học Cambridge, tác giả chính của bài báo, các hóa thạch Homo sapiens được tìm thấy trước đây chỉ khoảng 200.000 năm tuổi trở xuống.
Trước đó, giới khoa học ước chừng rằng Homo sapiens ra đời khoảng 300.000 năm trước, nhưng đó chỉ là con số ước chừng tương đối dựa trên các dữ liệu khoa học về tiến hóa và các bộ hài cốt thực "mới" hơn nhiều.
Các nhà khoa học đang làm việc tại nơi khai quật Omo I - Ảnh: Al Denio
Theo Science Alert, Omo I là bộ hài cốt hóa thạch rất đáng chú ý bởi đại diện cho một Omo sapiens tiến hóa hoàn chỉnh, mang đặc điểm rõ ràng của người hiện đại như vòm sọ hình cầu cao và một cái cằm rõ ràng.
Để đạt tới hình dạng hộp sọ này, loài Homo sapiens sẽ phải trải qua một giai đoạn tiến hóa rất dài trước đó. Vì thế, Omo I với niên đại quá xa xưa như vậy sẽ khiến khoảng thời gian ước chừng mà loài chúng ta xuất hiện bị đẩy lùi về quá khứ thêm ít nhất 30.000 năm nữa: lịch sử loài người rõ ràng kéo dài và phức tạp hơn so với suy nghĩ trước đây.
Omo I được tìm thấy ở hệ tầng Omo Kibish ở Tây Nam Ethiopia, trong thung lũng rạn nứt Đông Phi. Khu vực này có lịch sử hoạt động núi lửa lâu đời và lưu giữ được rất nhiều hài cốt và hiện vật từ con người cổ đại trong mỗi lớp tro bụi.
Bình luận (0)