xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cựu chiến binh Mỹ: Hãy hợp tác vì cuộc sống tốt đẹp hơn

P.V

Ông Jaime Vazquez, cựu chiến binh Mỹ, đã kêu gọi các cựu chiến binh và công dân Mỹ tới Việt Nam để chứng kiến những đổi thay ở đất nước này và hãy hợp tác vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.

Trong bức thư gửi Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhân dịp Ủy ban này vừa tổ chức cuộc điều trần về tương lai quan hệ Việt Nam-Mỹ, ông Jaime Vazquez viết:

"Tôi là Jaime Vazquez, Giám đốc Phòng Cựu chiến binh của thành phố Jersey, bang New Jersey. Tôi là một cựu chiến binh đã bị thương trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi phục vụ ở Việt Nam trong Đại đội Delta, tiểu đoàn số 1, Sư đoàn Lính thủy đánh bộ số 1, từ ngày 17/10/1967 đến ngày 30/11/1968. Trong thời gian chiến đấu ở Việt Nam tôi bị thương nặng vào ngày 21/4/1968, trên đồi 881, ngay phía tây chảo lửa Khe Sanh. Sau khi từ Việt Nam trở về, tôi được xếp vào loại thương binh giải ngũ và được bố trí vào làm việc trong cơ quan cựu chiến binh.

Trong nhiều năm, tôi đã mong được trở lại Việt Nam, nhưng không có cơ hội. Năm 2002, tôi được gặp đại diện của Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Niu Yóoc. Cuộc gặp với các đại diện cựu chiến binh Việt Nam thật nồng ấm và thẳng thắn. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau một cách cởi mở về chiến tranh và sự tham dự của chúng tôi trong cuộc chiến ấy. Tôi như trút được gánh nặng. Chúng tôi cùng là cựu chiến binh của một cuộc chiến tranh và cùng chịu chung cảnh hòn tên mũi đạn. Nay chúng tôi đã cao tuổi, đã từng trải qua kinh nghiệm của chiến tranh và cùng muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Sau cuộc gặp với các cựu chiến binh Việt Nam ấy, tôi được mời trở lại Việt Nam để được tận mắt chứng kiến những đổi thay và sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua. Giống như mọi cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam khác, tôi có những băn khoăn, trăn trở về chuyến trở lại Việt Nam của mình. Tôi sẽ được đón tiếp ra sao? Tôi sẽ được đối xử như thế nào? Thái độ của người Việt Nam đối với các cựu chiến binh Mỹ quay trở lại như tôi sẽ ra sao? Trong chiến tranh, người Mỹ mất gần 60.000 con em ở Việt Nam, còn người Việt Nam thì mất hơn hai triệu. Liệu người Việt Nam có oán giận và căm thù? Chỉ sau khi từ Việt Nam trở về tôi mới trả lời được tất cả những câu hỏi ấy.

Chuyến máy bay của tôi tới Hà Nội ngày 14/8/2003. Khi tôi đang đứng ở khu trả hành lý để đón nhận chiếc thùng thiết bị y tế nặng 113 kg mà tôi mang vào để tặng Bệnh viện Nhi trong Làng Hữu nghị, thì một nhân viên hải quan đứng ở gần đó tiến đến. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Khi tôi cho anh ta biết tôi là một cựu chiến binh Mỹ và đây là lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc, thì anh ta tỏ ra rất quan tâm và đối xử với tôi một cách rất nhã nhặn và lịch sự.

Ngày hôm sau tôi gặp đại diện của Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại trụ sở của Hội ở Hà Nội. Tôi được gặp Trung tướng Đặng Quân Thụy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tổ chức đại diện cho 1,7 triệu cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cuộc gặp nồng ấm, thẳng thắn và giúp tôi hiểu ra nhiều điều.

Có rất nhiều nỗi đau giống nhau mà hai phía của cuộc chiến tranh cùng gánh chịu. Cựu chiến binh của cả hai phía cùng phải chịu những ức chế về tâm lý và thần kinh. Nhân dân của cả hai nước cùng phải chịu những hậu quả của chiến tranh. Con em của các cựu chiến binh cùng chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

Tướng Thụy nói rằng là những cựu chiến binh của cùng một cuộc chiến tranh, chúng tôi phải cùng rút ra những bài học của cuộc chiến, để ngăn không cho nó xảy ra trong tương lai và giúp thế hệ hiện nay sống và thịnh vượng trong hòa bình.

Tôi biết được nhiều điều mới mẻ về người Việt Nam trong chuyến trở lại đất nước này. Việt Nam nay có 80 triệu dân, trong đó 55% sinh ra sau chiến tranh. Dường như người Việt Nam không liên tưởng tới chiến tranh nhiều như người Mỹ, một phần có lẽ do ý niệm của người Mỹ về Việt Nam. Mỗi khi nói tới Việt Nam thì người Mỹ chúng ta lại liên tưởng tới chiến tranh. Tuy nhiên Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh. Việt Nam là một đất nước, một xã hội, một dân tộc và một nền văn hóa.

Về vấn đề tự do tôn giáo, tôi chỉ có thể nói lên những gì tôi được chứng kiến. Ngày Chủ nhật 17/8/2003 tôi tới Nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã mang tên Thánh Joseph ở trung tâm thành phố Hà Nội khoảng một giờ đồng hồ trước giờ giảng đạo. Khi giờ hành lễ bắt đầu, Nhà Thờ chật cứng và một số con chiên phải tràn ra ngoài đường phố. Hơn 1.000 con chiên đã tham dự buổi giảng đạo ấy. Ở các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được tới thăm nhiều nhà thờ đạo thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hồi cùng nhiều chùa chiền và những nơi hành đạo khác. Tôi còn thấy cả một chương trình quảng cáo của đạo Phật trên đài truyền hình, kêu gọi mọi người tới cúng bái ở chùa của họ nữa. Ngày Chủ nhật 24/8/2003 tôi lại được dự một buổi giảng đạo ở Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame) ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Cảnh tượng ở đây giống hệt như những gì tôi đã thấy trong Chủ nhật trước. Nhà Thờ đầy ắp người và buổi hành lễ không hề bị ai cản quấy. Theo tôi được biết thì trong vài năm qua, hơn 100 Nhà Thờ đã được tu sửa để lại được đón con chiên tới hành lễ. Tôi cũng được biết rằng hơn 11.000 giáo sỹ đạo Thiên Chúa, 33.000 nhà sư, hơn 10.000 nicô Phật giáo, hàng nghìn giáo sỹ Hồi giáo và hàng nghìn giáo sỹ thuộc các tôn giáo khác đang được tự do hành đạo ở Việt Nam.

Về phát triển kinh tế, trước khi Việt Nam ban hành luật xí nghiệp tư nhân, ở Việt Nam có khoảng 15.000 doanh nghiệp tư nhân. Nay đã có hơn 80.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Tôi đã tới thăm nhiều chợ và khu buôn bán ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Những gì tôi được chứng kiến chính là một nền kinh tế thị trường đang phát triển nhanh chóng. Tôi cũng thấy ở đây sự cạnh tranh không khác gì trên đường phố Niu Yoóc.

Trong cảnh đua chen của kinh tế thị trường ấy, tôi cũng thấy rất nhiều cửa hàng hoa, một dấu hiệu của nền kinh tế đang lên và sự phong lưu của người Việt Nam.

Về tự do tôn giáo và kinh tế, Việt Nam đang đi đúng hướng. Bước đi có thể chưa nhanh như nhiều người mong muốn, nhưng dù sao nó cũng đang đi đúng hướng. Sau khi chiến tranh kết thúc, nước Mỹ chưa làm gì để giúp Việt Nam hồi phục từ sự tàn phá đến tận cơ sở hạ tầng của đất nước, mà cuộc chiến ấy gây ra. Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp Việt Nam tiếp tục những đổi thay tích cực mà họ đã và đang thực hiện trong những năm gần đây. Năm nay, hơn 100.000 Việt Kiều về quê ăn Tết. Con số ấy chứng tỏ rằng chính phủ Việt Nam đã thay đổi chính sách cho phù hợp hơn với những tiêu chuẩn mà quốc tế có thể chấp nhận được.

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chúng ta đã ném xuống mảnh đất này một số lượng bom đạn nhiều hơn toàn bộ số bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu chúng ta muốn Việt Nam thay đổi, thì họ phải được đối xử ngang bằng và trân trọng. Nếu chúng ta học được điều gì đó từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thì đó chính là chúng ta không thể dùng bom đạn để bắt dân tộc này khuất phục và chúng ta cũng không thể gây áp lực về chính trị hay kinh tế để bắt người Việt Nam hành động theo cách mà chúng ta mong muốn.

Chúng ta phải làm việc với người Việt Nam như những đối tác, nếu chúng ta muốn thúc đẩy những thay đổi tích cực ở đất nước vĩ đại và đầy tự hào này. Bằng kinh nghiệm của bản thân mình, tôi cho rằng dự luật mà Quốc hội đang xem xét sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, những gì tôi thấy ở Việt Nam là nhất quán kể từ khi tôi đặt chân tới, cho đến lúc ra về. Tất cả những người mà tôi được gặp, từ quan chức cấp cao nhất trong chính phủ đến người lái taxi, đều đối xử với tôi một cách lịch sự nhất, tôn trọng nhất và tốt bụng nhất. Tất cả đều mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Tôi mong lại có dịp thăm lại Việt Nam. Tôi kêu gọi các cựu chiến binh và công dân Mỹ hãy tới Việt Nam để tận mắt chứng kiến tình hình thực tế ở Việt Nam ngày nay. Việt Nam đang đi đúng hướng.

Chúng ta hãy hợp tác với họ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo