Năm 2002, các hoạt động VHTT đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, phong phú đa dạng, hướng về vùng sâu vùng xa và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” được triển khai rộng khắp tới các làng bản, thôn xã. Hiện cả nước có trên 9.200.000 gia đình, hơn 18.000 làng, ấp, 6.000 khu phố, 13.500 cơ quan đạt chuẩn văn hóa... Các thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được đầu tư xây dựng, các mô hình văn hóa mới ngày càng phát triển. Nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị đã được tổ chức như: “Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 112 của Bác Hồ”, “Giỗ Tổ Hùng Vương”, “Kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Đảng”, “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội”...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề tồn tại cần khắc phục trong năm 2002 và 12 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong năm 2003. Đặc biệt là các nội dung: Triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết các Hội nghị lần thứ 3, 4, 5, 6, 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; công tác quản lý Nhà nước; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 90/CP và Nghị định 73/CP của Chính phủ về công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa; chú trọng đầu tư cho công tác sáng tạo nghệ thuật nhằm tạo ra những công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, có những công trình xứng tầm với thời đại; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long và 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nêu rõ: Bộ VHTT vừa phải là người điều hành, vừa phải chỉ đạo xây dựng những giá trị văn hóa, đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa phải trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về phương hướng công tác năm 2003, ngành VHTT phải đổi mới cơ chế hoạt động văn hóa, quản lý văn hóa để văn hóa đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường; xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, báo chí. Đồng chí lưu ý: Hoạt động VHTT phải bám sát các nhiệm vụ chính trị của năm 2003 để góp phần tích cực vào việc thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động VHTT; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, đặc biệt là xây dựng lối sống văn hóa đô thị, trật tự kỷ cương...
Bình luận (0)