Họ là những người đã chiến đấu trên chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước bị sa vào tay giặc.
Cuộc vượt ngục ngày 31-8-1971
Trong không khí náo nức, chuẩn bị đón mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng, các cựu tù binh vượt ngục đảo Phú Quốc hiện cư trú tại TPHCM và các tỉnh lân cận về họp mặt, ôn lại một thời gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc...
Tuy tóc trên đầu đã bạc, nhưng trong ánh mắt, nụ cười của các anh đã không giấu giếm niềm vui của người chiến thắng. Anh Nguyễn Văn Minh (1), người chỉ huy cuộc vượt ngục của 40 tù binh Phân khu C 8, tự hào ôn lại những mưu trí cũng như lòng dũng cảm của anh em trên đường tìm về với Đảng, với cách mạng.
Gần 14 giờ, ngày 31-8-1971, giám thị trại giam lấy 40 tù binh ở Phân khu C 8 đi làm lao dịch ở bên ngoài trại. Thời cơ vượt ngục đã đến đúng như dự định mà Đảng ủy Phân khu C 8 bí mật chỉ đạo, tổ chức và giao cho anh chỉ huy. Lao động xong khoảng 17 giờ, 6 tên lính áp giải tù binh lên xe tải GMC về trại giam. Bốn tên khoác súng đứng 4 góc trên thùng xe, 2 tên ngồi trong ca bin, đeo súng ngắn. Đến dốc miếu Cô Sáu, theo ám hiệu các tổ đã nhanh chóng hành động. Chỉ trong chớp nhoáng, anh em đã diệt 3 tên lính, đoạt được 3 súng, và vội vàng rút chạy vào rừng. Bọn lính bảo vệ trạm xá gần đó bắn đuổi theo. Thoáng chốc, 2 chiếc trực thăng cũng bay đến phóng rốc-két và xả đạn đại liên xuống cánh rừng như vãi trấu. Nhưng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, anh em cứ luồn rừng, lội suối càng xa trại giam càng tốt. Không có gì ăn, anh em phải dựa vào rừng, ăn lá chay, lá bứa cầm hơi. Đến chiều ngày thứ 3, thì anh em đụng phải mìn của du kích, đồng chí Nguyễn Văn Năng (quê ở xã Mỹ Hạnh, Long An) hy sinh.
Nghe trái nổ, anh em du kích đi tìm và gặp được toán tù vượt ngục. Mừng hết biết. Du kích cùng toán tù vượt ngục chôn cất đồng chí Năng, rồi đưa anh em về căn cứ du kích. Đến nơi, điểm lại còn 29 đồng chí. Anh em được du kích, bà con địa phương đón mừng, nuôi dưỡng và dẫn đường về căn cứ kháng chiến của huyện Phú Quốc. Một số anh em được trên bố trí về đất liền, còn lại được phân công chiến đấu và công tác tại đảo cho đến ngày giải phóng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều đồng chí trong toán tù vượt ngục này đã có mặt trong những đơn vị tham gia giải phóng, tiếp quản Sài Gòn, tiếp quản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cuộc vượt ngục đêm 12-5-1971
Anh Nguyễn Hữu Minh (2), quê ở Nam Đàn (Nghệ An). Năm 1964, anh cùng đơn vị vượt Trường Sơn, bổ sung vào Đoàn 10, tham gia đơn vị đặc công ở chiến khu Rừng Sác. Rạng sáng 23-8-1966, anh được cử vào tổ 4 người do đồng chí Hồ Xuân Cảnh làm tổ trưởng, dùng trái nổ tự tạo 500 kg đánh chìm tàu Baton Rouge Victorie ở ngã ba Thiền Liền gần Cần Giờ. Vào một đêm tháng 4-1969, anh Nguyễn Hữu Minh cùng một chiến sĩ quê ở Củ Chi, chèo ghe vào giếng nước Bà Phong, đụng phải tàu địch và bị bắt. Chịu đựng bao đòn tra tấn tàn khốc, anh chỉ một lời khai: “Tên là Nguyễn Văn Long, dân Quảng Trị, đi đãi vàng ở Bồng Miêu, bị bắt đi dân công mới đến đây còn lạ, chưa biết ai”. Nói là để giặc khỏi truy ra đơn vị, chứ chúng thừa biết anh là Việt cộng thứ thiệt. Tháng 7-1969, từ nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa), chúng dùng trực thăng đưa anh và một số “tù binh Việt cộng” khác ra giam cầm tại đảo Phú Quốc.
Đêm 12-5-1971, anh Nguyễn Hữu Minh cùng 26 tù binh ở Phân khu 5 A vượt ngục bằng đường hầm, tìm về căn cứ của huyện Phú Quốc. Ngày 6-7-1972, một chiếc ghe bí mật vượt biển ra đón một số đồng chí về chiến khu Trung ương cục. Anh Minh được bố trí làm chiến sĩ trong đội bảo vệ Bộ Tham mưu miền. Ngày giải phóng, anh cùng đơn vị từ Lộc Ninh qua Chơn Thành, Bến Cát vào Sài Gòn, tham gia tiếp quản bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Nhìn cờ giải phóng tung bay và niềm hân hoan của bà con hai bên đường đón chào đoàn quân giải phóng, hầu như không ai cầm được nước mắt. “Sài Gòn ơi, ta đã về đây, ta đã về đây...”. Dường như ngày ấy, trên đường vào tiếp quản đã có chiến sĩ nào đó hát như thế, hay tiếng lòng anh rung lên như thế, không còn nhớ rõ.
Bình luận (0)